Đàm phán TPP là một trong những ưu tiên lớn của Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế.
Tôn trọng những tiêu chí của TPP đưa ra và sẽ nỗ lực phấn đấu theo lộ trình để đáp ứng mục tiêu đó, Việt Nam cũng đồng thời đề nghị các bên tham gia đàm phán cần có sự linh hoạt phù hợp với trình độ phát triển của mỗi nước, trong đó quan tâm đến lợi ích cốt lõi của nước ta để hướng tới một hiệp định cân bằng về quyền lợi của các thành viên.
Việt Nam và Australia có nhiều lợi ích và cách tiếp cận tương đồng trong đàm phán. Australia còn là thành viên có nhiều sáng kiến và tích cực thúc đẩy đàm phán sớm kết thúc. Quốc gia này cũng phối hợp và chia sẻ kinh nghiệm không chỉ trong những năm đàm phán vừa qua, mà còn đồng hành cùng Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế.
Đại sứ Lương Thanh Nghị. |
Hiện tại, hai nước đã trở thành đối tác thương mại quan trọng của nhau. Quy mô thương mại trong vòng 10 năm (2005-2014) tăng gần gấp đôi. Cụ thể, năm 2005, kim ngạch thương mại Việt – Australia đạt 3 tỷ USD. Đến năm 2014, con số này đã tăng lên gần 6 tỷ USD. Trong khi Australia là bạn hàng xuất khẩu đứng thứ 8 và bạn hàng nhập khẩu đứng thứ 12 của Việt Nam, theo chiều ngược lại, Việt Nam là bạn hàng đứng thứ 14 của Australia cả về nhập khẩu và xuất khẩu.
Tính đến thời điểm này, Australia vẫn luôn là thị trường xuất siêu của Việt Nam. Năm 2014, xuất siêu đạt 1,93 tỷ USD. Trong vòng 10 năm, kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng bình quân 7,83% mỗi năm.
Giai đoạn thực thi hiệp định thương mại tự do AANZFTA có tốc độ tăng trưởng 9,89%/năm, cao hơn so với giai đoạn trước khi thực thi Hiệp định (2,04%/năm). Do vậy, quan hệ thương mại giữa hai nước sau TPP được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.
Theo AANZFTA, các dòng thuế của Australia đánh vào hàng hóa Việt Nam sẽ được giảm dần hoặc gỡ bỏ. AANZFTA có nội dung cơ bản là đến năm 2020, Australia và New Zealand sẽ xóa bỏ hết thuế suất đối với 100% biểu thuế cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Từ năm 2015 đến 2019 sẽ có 96,3% biểu thuế có thuế suất 0%. 3,7% còn lại, thuế suất sẽ khoảng 5-10% gồm một số mặt hàng như thuốc diệt côn trùng, da thuộc, vải, thảm trải sàn, dệt may, máy móc, thiết bị.
Về thuế suất, cam kết của Australia trong AANZFTA đã là 100% rồi nên TPP không đem lại lợi ích trực tiếp về thuế quan cho Việt Nam trong quan hệ với Australia.
Tuy nhiên, hiệp định này sẽ đem lại nhiều lợi ích khác ngoài thuế. Với TPP, cả hai nước đều nằm trong chuỗi giá trị của khu vực châu Á - Thái Bình Dương gồm 12 nước. Điều này sẽ thúc đẩy các hoạt động đầu tư, sản xuất trong chuỗi giá trị nói trên, từ đó thúc đẩy thương mại song phương.
Các quy định về minh bạch, thuận lợi hóa thương mại (như tự chứng nhận xuất xứ), hải quan cũng sẽ tạo thuận lợi, giúp thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam và Australia. Bên cạnh đó, các quy định chặt chẽ về quyền sở hữu trí tuệ (IPR), đầu tư cũng sẽ giúp thu hút, tăng đầu tư từ Australia vào Việt Nam, từ đó thúc đẩy quan hệ thương mại.
Dệt may, da giày, đồ gỗ và nông sản là những mặt hàng chịu tác động nhiều của TPP. TPP cho phép cộng gộp nguyên liệu từ các nước thành viên. Do đó, hàng hóa Việt Nam sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu từ các nước TPP sẽ được hưởng ưu đãi khi xuất khẩu sang Australia.
Các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực dệt may, da giày cần lưu ý tìm kiếm nhà cung cấp nguyên liệu thuộc các nước thành viên TPP nhằm đáp ứng các điều kiện để được hưởng ưu đãi về thuế khi tham gia hiệp định. Với sự đa dạng của các thành viên TPP, khả năng tăng xuất khẩu của Việt Nam sang Australia sau khi TPP có hiệu lực là rất lớn.
Còn đối với mặt hàng hoa quả tươi, Australia hiện nay không đánh thuế mà chỉ đặt ra các quy định về chất lượng hàng hóa, vệ sinh thực phẩm, an toàn sinh học...
Với TPP, hoa quả của Việt Nam cũng không có ưu thế mới nào trong việc cạnh tranh với hàng Trung Quốc. Trừ phi chúng ta đảm bảo sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Australia luôn có chất lượng cao, đáp ứng được đòi hỏi khe khắt về tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn mà các cơ quan quản lý nhà nước đưa ra. Đây cũng là cách tốt nhất để bảo vệ thương hiệu hàng hóa của Việt Nam, giúp cạnh tranh trên thị trường Australia.
Australia là thị trường lớn cung cấp nguyên phụ liệu dệt may cho Việt Nam nhưng vẫn thua Trung Quốc, Thái Lan trong khi đó TPP lại đề cao tiêu chuẩn xuất xứ trong nội khối.
Một số ý kiến lo ngại về tiềm năng xuất khẩu của Australia vào Việt Nam khi TPP hoàn thành. Song như đã đề cập, TPP cho phép cộng gộp nguyên liệu từ các nước thành viên để được hưởng ưu đãi khi xuất khẩu sang một nước thành viên khác. Do vậy, đã có xu hướng đón đầu TPP của các nhà đầu tư.