16h chiều nay, tiến sĩ Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại TP HCM, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, ông Jonathan London, giáo sư Đại học thành thị Hong Kong (Trung Quốc) trả lời phỏng vấn trực tuyến độc giả Zing.vn về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
- 2015-10-07 16:00+0700
Tự động cập nhật sau 30 giây
-
Khi trả lời về TPP, tôi thấy bà thường có vẻ hơi bi quan về triển vọng doanh nghiệp Việt Nam khi gia nhập WTO. Vì sao vậy?
- Khi chúng ta tham gia WTO, chúng ta cũng đã có kỳ vọng rất lớn trước những cơ hội WTO mang lại. Tuy nhiên, thực tế 8 năm tham gia WTO chưa mang lại cho Việt Nam những thành công như mong đợi.
Điều đó chủ yếu do những vấn đề lớn của kinh tế trong nước, từ mô hình tăng trưởng không hợp lý, đến những bất ổn kinh tế vĩ mô, tác động xấu đến môi trường kinh doanh của doanh nghiệp làm cho hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam phải ngừng hoạt động.
Mặt khác, tuy có thu hút được FDI với khối lượng lớn và vai trò của đầu tư nước ngoài tăng lên, nhưng dường như khu vực doanh nghiệp nhà nước và đầu tư nước ngoài lại đang chèn lấn đông đảo doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam hơn là mang lại sự hỗ trợ hoặc những tác động lan tỏa tích cực.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan trả lời trực tuyến độc giả Zing.vn. Ảnh: Mạnh Thắng Điều này khiến cho dù chúng ta có thành tích tăng trưởng GDP hay thành tích xuất khẩu tăng cao nhưng thực tế lợi ích mà đông đảo doanh nghiệp và người dân nhận được lại không tương xứng.
Trong những năm gần đây, các vấn đề như nhóm lợi ích, tình trạng tham nhũng, lãng phí, nợ công... lại trở nên nghiêm trọng hơn.
Vì vậy, tôi lo nếu chúng ta không thực hiện được những biện pháp cải cách vô cùng cấp thiết thì nên kinh tế và doanh nghiệp Việt nam sẽ khó nắm bắt được những cơ hội từ TPP cũng như khó đương đầu với những thách thức mà TPP và các FTA khác mang lại.
-
Trong cuộc chơi TPP nước lớn sẽ lợi hơn nước nhỏ và người giàu sẽ có lợi hơn người nghèo. Bà nghĩ gì về điều này?
- Theo tuyên bố của các nhà lãnh đạo, TPP cố gắng tạo ra cuộc chơi công bằng và mang lại cơ hội cho tất cả các nước cho cộng đồng dân cư ở mọi quốc gia bất kể lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo.
Tuy nhiên, trên thương trường, chúng ta thường thấy, kẻ mạnh vẫn có ưu thế hơn so với những người yếu. Là một nước tương đối yếu hơn về kinh tế, với những doanh nghiệp có vị thế cạnh tranh thấp hơn tương đối so với các nước khác, chúng ta không có cách nào khác là cố gắng hết mình để đạt được những lợi ích cao nhất.
Cuộc chơi toàn cầu nhiều khi cũng cho phép những người nhỏ hơn có thể mượn thế của những kẻ lớn hơn hoặc như người ta thường gọi là "đứng trên vai người khổng lồ" để vượt lên. Tôi mong, nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ làm được điều đó.
-
Ông lo lắng hay vui mừng với TPP? TPP được ví như một WTO mở rộng ở tầm mức rất cao, làm thế nào để chúng ta tận dụng được cơ hội này để TPP không bị bỏ lỡ như WTO cách đây gần 10 năm?
Cá nhân tôi nhìn việc này như một tín hiệu rất tốt lành cho sự phát triển kinh tế ở Việt Nam. Tôi còn nhớ cách đây 15 năm, khi ký BTA với Hoa Kỳ, chúng ta đã lo ngại nên rất khó để tiếp cận được thị trường này - thị trường cao cấp.
Nhưng sau đó, Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của VN. Sau 15 năm, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng chưa cao, nhưng đã gấp 30 lần.
Và cũng chính hiệp định ấy, đã góp phần rất sâu sắc cho việc bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp định, khuôn khổ pháp lý của Việt Nam đúng với chuẩn mực quốc tế.
Với TPP, hội nhập sâu rộng hơn nói chung, chúng ta đều hy vọng nó là 3 chất xúc tác lớn cho VN. Xúc tác trong mở rộng xuất khẩu, xúc tác cho thu hút đầu tư và quan trọng nhất là chất xúc tác và cả áp lực cho cải cách thể chế trong nước. Điều này cũng là 1 nhu cầu thiết yếu cho VN hiện nay, đang muốn chuyển đổi, cải cách, nâng cao chất lượng. Tất nhiên, hội nhập không có nghĩa là tất cả các nước hội nhập đều được hưởng lợi. Có những ngành, nhóm XH phải chịu thiệt thòi.
Ngoài ra, điều chỉnh luật lệ, hành vi ứng xử của Nhà nước, cũng cần tổn phí nhất định. Chính vì vậy, để tận dụng tốt cơ hội này, cần có 3 việc phải làm: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tái cấu trúc kinh tế VN (VN đang nỗ lực làm), cải cách thể chế. Làm sao đưa những cơ hội ấy trở thành hiện thực hóa. Có những cách thức hỗ trợ nhất định để giảm thiểu tổn phí cho người lao động đỡ thiệt thòi, chi phí điều chỉnh giáo dục, thông tin....
-
Tranh luận TPP đang nghiêng giữa hai thái cực “mở cửa vậy là chết hết” với “TPP là tuyệt vời”. Thực tế của gia nhập TPP nên hiểu thế nào cho đúng? Những tâm lý bi quan về những ngành có thể chết như chăn nuôi, nông nghiệp có xác đáng?
Tôi nghĩ các xúc cảm ấy có phần hơi cực đoan. Nhưng đằng sau nó cũng có lý. Đơn giản là vì hội nhập nói chung, việc thực thi đòi hỏi yêu cầu, tiêu chuẩn cao đều có 2 hiệu ứng: tích cực và tiêu cực.
Nhưng ở đây, có 2 vấn đề chủ chốt. Thứ nhất, không có gì là hoàn hảo, nhưng điều đầu tiên để chọn chơi là hiệu ứng tích cực phải lớn hơn tiêu cực rất nhiều. Nếu chúng ta tận dụng tốt cơ hội, Việt Nam được hưởng lợi rất nhiều. Đó là lợi ích dòng (tích cực trừ tiêu cực) rất lớn.
Những lập luận này cũng có ý nghĩa cả góc độ tiêu và tích cực để nhận rõ hơn năng lực, thực trạng, qua đó có giải pháp góc độ Chính phủ, doanh nghiệp, người dân, nhằm tìm ra cách tận dụng tốt nhất cơ hội, giảm thiểu tác động tiêu cực.
Nếu nhìn nhận như vậy, quan trọng nhất là kinh nghiệm mở cửa ở VN cũng cho thấy như vậy. Chúng ta có khả năng và cái cần hơn là tự tin, bình tĩnh và đằng sau đó là khát vọng mang tính hiện thực.
Tôi không thích dùng chữ chết, mặc dù nông nghiệp và một số ngành khác được xem là ảnh hưởng tiêu cực từ hội nhập TPP. Vấn đề ở đây là làm sao giảm thiểu quá trình chuyển đổi, điều chỉnh những lĩnh vực này.
Có nhiều cách như: Cách 1 là chính sự phát triển, mở rộng của những ngành nghề có lợi thế cạnh tranh được hưởng lợi từ TPP sẽ là địa chỉ thích hợp hấp thụ, thu hút những nhóm dễ bị tổn thương. Cho nên, tận dụng tốt cơ hội, lợi thế của mình là điều rất quan trọng.
Cách thứ 2, về tổng thể là khó khăn nhưng điều đó không có nghĩa là không có những phân khúc, phân đoạn trong lĩnh vực ấy doanh nghiệp Việt vẫn có khả năng có sức sống và tạo ra cạnh tranh.
Ví dụ, trong chăn nuôi vẫn có những loại hình sản phẩm, nếu do thị hiếu, cách thức tiêu dùng mà để thay thế nó là rất khó. Một ví dụ khác, như công ty Việt cùng tham gia vào chuỗi giá trị của những mặt hàng mà đối tác có lợi thế cạnh tranh, ví dụ như nhập bê Australia để vỗ lên thành bò.
Thứ 3, là TPP mở ra thị trường rất rộng lớn nên không thể nhìn cạnh tranh với hàng nhập khẩu mà mình vẫn còn những thị trường có thể cạnh tranh. Ví dụ ngành thép, được xem là sức cạnh tranh chưa tốt nhưng nhiều doanh nghiệp đang xuất khẩu thép ra bên ngoài. Như vậy, trong khó khăn vẫn còn những yếu tố để tồn tại.
-
Gia nhập TPP thì bão hàng Trung Quốc giá rẻ có đỡ hơn không?
Bão hàng giá rẻ của Trung Quốc tràn vào Việt nam không trực tiếp liên quan tới những cam kết hội nhập mà chúng ta đã có hoặc sẽ có với các đối tác mới như TPP.
Để cho hàng Trung Quốc giá rẻ, chất lượng thấp, thậm chí gây độc hại cho người tiêu dùng tràn vào Việt Nam quá nhiều trong thời gian qua, trước hết là lỗi của chính chúng ta đã không tự bảo vệ được mình.
TPP cũng như những công cuộc hội nhập khác như FTA vơi EU, FTA với Hàn Quốc, AEC... mở ra cho chúng ta những cơ hội lớn để tiếp cận với các sản phẩm từ các thị trường này. Chúng ta rất cần tận dụng cơ hội đó để sắp xếp lại một cách hợp lý quan hệ thương mại của chúng ta với các đối tác khác, tránh làm cho chính mình bị tổn thương vì những luồng hàng giá rẻ như kiểu Trung Quốc.
-
Có khoảng cách rất lớn giữa hệ thống luật VN với những thoả thuận TPP. Chúng ta liệu có kịp để dung hoà khoảng cách luật lệ này?
Sau khi ký với Hoa Kỳ, VN đã bổ sung hoàn thiện khung pháp luật rất mạnh mẽ, gần 30 bộ luật đã được soạn thảo và thông qua. Khung pháp lý này về cơ bản tương thích hơn với thị trường và hội nhập. Tuy nhiên, cũng phải nói rất thật trong thời gian qua, sau khi gia nhập WTO, tâm huyết để phù hợp hội nhập sâu rộng hơn có phần không được như trước. Chính vì nhận ra điều này, khoảng 2-3 năm trở lại đây VN đã có nỗ lực hơn.
Bằng chứng rõ nhất, VN vừa thông qua luật doanh nghiệp, đầu tư, đầu tư công cũng như văn bản liên quan khác như mua sắm Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước. Vẫn còn rất nhiều thách thức ở phía trước, nhưng hy vọng cùng với cải cách thể chế, trong thời gian sắp tới, trước khi TPP có hiệu lực, VN sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn các văn bản pháp lý cho phù hợp với các cam kết.
Nhưng quan trọng hơn nữa, là sự đảm bảo tính nhất quán với cam kết, quá trình cải cách thể chế xây dựng Nhà nước hiện đại, tính xây dựng cao, minh bạch cơ chế thị trường cũng như thực thi nghiêm túc.
-
Sau khi TTP được ký kết, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ vào Việt Nam nhiều hơn. Vậy xin hỏi các chuyên gia, nguồn nhân lực của Việt Nam có đủ trình độ để làm việc ở các công ty nước ngoài? Nếu chưa đủ trình độ thì sinh viên, cử nhân cần trang bị cho mình những kiến thức gì là phù hợp nhất?
Lâu nay ở Việt Nam chúng ta vẫn thường nói đến tình trạng nguồn nhân lực dồi dào nhưng chất lượng chưa cao, tỷ lệ được đào tạo thấp, tính kỷ luật hạn chế ở lực lượng lao động Việt Nam.
Cũng có người nói là Việt Nam thừa thầy thiếu thợ nhưng tôi cho rằng, Việt Nam thiếu nghiêm trọng cả thầy lẫn thợ. Nghĩa là, chúng ta thiếu cả những lao động có trình độ bậc cao cũng như những lao động ở trình độ bậc thấp hơn. Nghịch lý như năm nay Việt Nam có tới 187.000 có bằng cử nhân trở lên không kiếm được việc làm cho thấy, chất lượng của ngay cả nguồn nhân lực được coi là cao ở Việt Nam cũng còn có những chỗ hạn chế như thế nào.
Bởi vì, chí ít những người đó chưa đáp ứng được yêu cầu của những người muốn tuyển dụng họ. Nhìn chung, hệ thống giáo dục đào tạo của Việt Nam rất cần gắn với nhu cầu của thị trường lao động. Và bản thân mỗi người muốn có việc làm hay muốn xin việc ở đâu đó cũng rất cần biết người ta đòi hỏi những gì ở mình.
Tại các doanh nghiệp thì nhìn chung người ta rất thực tế: Họ không chỉ nhìn vào bằng cấp của bạn, mà thông qua phỏng vấn và các phương pháp tuyển dụng, họ đo xem bạn có đáp ứng được yêu cầu của họ hay không để quyết định tuyển dụng bạn hay không và sử dụng bạn như thế nào.
Trong điều kiện Việt Nam thỏa thuận với cộng đồng kinh tế ASEAN về việc dịch chuyển tự do nguồn lao động có kỹ năng trong một số ngành nghề thì người Việt Nam trong các ngành nghề đó rất cần quan tâm tới chuẩn ASEAN của các ngành nghề này để tự đánh giá mình cho hợp lý. Nhìn chung, hội nhập và TPP có thể tạo những cơ hội việc làm mới và rộng lớn cho đông đảo người lao động Việt Nam.
Và chúng ta cũng rất kỳ vọng tận dụng được cơ hội dân số còn đang trong thời kỳ vàng hiện nay để phát triển.
Mong mỗi bạn sinh viên hiểu và cố gắng tận dụng cơ hội đó cho bản thân mình. Về ngoại ngữ, thì tùy, xem bạn muốn làm việc với đối tượng nước ngoài nào để chọn lựa ngôn ngữ phù hợp. Tiếng Anh là thứ tiếng phổ biến nhất hiện nay, nhưng hiệp định TPP cũng coi bản tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha là có giá trị chính thức. Có nghĩa, trong TPP, khả năng sử dụng tiếng Pháp, Tây Ban Nha không hề nhỏ. Bên cạnh đó, trong TPP còn có Nhật Bản - là đối tác kinh tế lớn nhất của Việt Nam. Vì thế, nếu cố gắng học thứ tiếng này có thể sẽ tạo thêm cơ hội lớn cho bạn.
Có điều, khi học ngoại ngữ, các bạn phải lưu ý, không phải chỉ để đạt được trình độ giao tiếp mà còn phải cố gắng học ngôn ngữ chuyên môn trong lĩnh vực của mình thì mới có cơ hội cao để làm việc với đối tác bên ngoài.
-
Vào TPP, sức ép cho bộ máy quản lý nhà nước sẽ lớn hơn rất nhiều và khi gia nhập cũng đồng nghĩa với việc cam kết phải đẩy nhanh cải cách nhiều hơn. Bà nghĩ gì về điều này?
Tôi tán thành nhận xét của bạn và tôi cũng mong chờ điều đó nhất ở TPP. Hệ thống hành chính của chúng ta hiện nay còn đang gây quá nhiều trở ngại cho phát triển của nền kinh tế, cho hoạt động của doanh nghiệp và cuộc sống của người dân.
Chúng ta đã nhiều lần đề ra chủ trương cải cách hành chính, chính phủ năm nào cũng đưa ra chủ trương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng kết quả đạt được còn khá hạn chế.
TPP có thể tạo nên động lực và sức ép để thúc đẩy chúng ta thực hiện tốt hơn, triệt để hơn công cuộc cải cách hành chính và thể chế nói chung để mở đường cho sự phát triển của đất nước, nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam.
-
Tôi sống ở nước ngoài nhiều năm, thấy nhiều cái ở Việt Nam rất khác so với họ. Như kiểu tư duy tiểu nông là một ví dụ điển hình. Liệu TPP có giúp tư duy tiểu nông, chỉ đòi bảo hộ biến mất hay không?
Tôi nhớ một câu nói rất nổi tiếng của Paul Krugman, đại ý là doanh nghiệp nói chung rất ủng hộ thị trường tự do nhưng lại sợ hãi khi phải đối mặt với nó (cạnh tranh). Điều này cũng là một điều bình thường xét từ cấp độ vi mô, đặc biệt nước đang phát triển ngày càng hội nhập sâu rộng hơn, ngày càng khốc liệt hơn.
Đó là chưa nói đến một nền kinh tế như VN, lịch sử gắn liền với nông dân, nông nghiệp. Tuy nhiên, cuộc chơi hội nhập có TPP, mà cuộc chơi con người VN, doanh nghiệp VN đối mặt với thị trường toàn cầu, với thị trường các nước lớn, với những người chơi mạnh về vốn, công nghệ, kỹ năng quản lý, với những cái tiêu chuẩn cao (như trong TPP gắn với những vấn đề thương mại của thế kỷ 21).
Tôi rất hy vọng cùng quá trình cải cách trong nước, cùng với việc hoàn thiện những tương thích cam kết quốc tế, con người, doanh nghiệp Việt Nam sẽ thay đổi và thích ứng được. Vẫn là VN nhưng tương thích với khu vực, thế giới hiện nay. Đặc biệt chúng ta phải cạnh tranh nhưng cũng biết học hỏi để vươn lên.
-
Lâu nay ta đã nói nhiều đến TPP, nhưng theo ông nội dung quan trọng nhất của TPP là gì và nội dung nào tác động đến Việt Nam nhiều nhất?
TPP là hiệp định toàn diện không chỉ là liên quan đến tự do hóa, thương mại, đầu tư mà còn có những cái đòi hỏi rất sâu sắc đối với thể chế, chính sách sau đường biên giới, hay trong lòng một quốc gia cũng như cách giám sát thực thi tranh chấp. Nó tác động đến hoạt động kinh tế của VN: xuất, nhập, đầu tư, và đặc biệt là cải cách thể thế của VN.
Cái có thể nhìn được ngay là lợi ích xuất khẩu, thu hút đầu tư. Nhưng qua trọng nhất là nó đồng hành, vừa là chất xúc tác, áp lực với quá trình cải cách nói chung cũng như cải cách thể chế ở VN.
-
Từ quan điểm của một người nước ngoài, sau khi gia nhập TPP, lợi ích nào là quan trọng nhất đối với một nước đang phát triển như Việt Nam?
Giáo sư Peter Petri đã phân tích rất chi tiết những lợi ích của TPP đối với Việt Nam.
Đó là (1) xuất khẩu hàng chế tạo nhiều hơn (34%); (2) nhập khẩu hàng tiêu dùng và chế biến tăng (27%); (3) luồng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đổ về nhiều hơn do sự lạc quan của nhà đầu tư; (4) những mối liên kết vững chắc hơn với các chuỗi cung ứng quốc tế; (5) gia tăng năng suất do cạnh tranh; và (6) xu hướng cải cách để thúc đẩy tăng trưởng lẫn cơ hội.
Với kinh nghiệm cá nhân, tôi quan tâm hai điều mà tôi đánh giá là quan trọng nhất. Đầu tiên, các doanh nghiệp trong nước sẽ có cơ hội học hỏi và tiếp cận với những chuỗi cung ứng quốc tế. Cần nhớ rằng giá trị xuất khẩu của Việt Nam phần lớn là từ doanh nghiệp FDI, rất ít sự tham gia của những doanh nghiệp sản xuất nội địa.
Kế đến, Việt Nam sẽ có động lực cải cách để thích ứng với những “luật chơi” mới tiêu chuẩn cao, đơn cử như lĩnh vực hải quan. AmCham và các công ty thành viên, cùng với những cơ quan của chính phủ Mỹ như Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới (CBP), rất mong muốn giúp đỡ và hỗ trợ kỹ thuật đối với Việt Nam về hai điểm này.
-
TPP là "kỳ tích lịch sử" nhưng ông nghĩ nó sẽ là kỳ tích lịch sử gì với VIệt Nam về thành tựu phát triển kinh tế?
Tôi chưa dám nói là là kỳ tích hay chưa nhưng rõ ràng tham gia TPP, hội nhập sâu rộng hơn đang rất ngắn với bước ngoặt phát triển của VN.
Dù còn nhiều khó khăn, song tổng thể hội nhập sâu rộng hiện nay thực thi TPP rất nhất quán, với nhu cầu cải cách, cacsnh thức cải cách, đặc biệt là cải cách tái cấu trúc của VN hiện nay.
Và nếu nhìn góc độ như vậy, thì rất hy vọng và chún ta nên hy vọng TPP hội nhập sâu rộng hơn cùng cải cách VN tạo ra được cái kỳ tích trong phát triển của VN.
-
Ngành nông nghiệp và thực phẩm Việt Nam dự kiến sẽ đối mặt với nhiều thách thức do phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu nhiều hơn sau khi tham gia TPP.
Chuyện thịt gà đông lạnh giá rẻ nhập khẩu từ Mỹ vừa qua là ví dụ mới nhất. Ông có lời khuyên gì đối với những doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này?Vấn đề này có nhiều luồng ý kiến khác nhau, tùy vào từng lĩnh vực. Đối với cây ăn quả, một nữ quan chức VCCI tỏ ra rất lạc quan về tương lai tươi sáng do người dân đã bắt đầu thích nghi với các biện pháp nông nghiệp chất lượng cao. Bà cho biết nhiều loại trái cây và sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đã gia nhập thị trường nước ngoài, do vậy họ cũng sẽ tận dụng được lợi thế từ TPP.
Đối với ngành chăn nuôi, ông Văn Đức Mười (Tổng giám đốc Vissan) cho rằng việc tham gia TPP là thời điểm để ngành này buộc phải thay đổi nhằm cho ra sản phẩm có thể cạnh tranh đối với đối thủ nước ngoài.
Trong một hội nghị do AmCham đồng tổ chức, ông Mười thừa nhận Việt Nam không có đủ nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và kỹ năng để bảo đảm hoàn toàn tuân thủ về TBT (Hàng rào kỹ thuật đối với Thương mại) và SPS (Biện pháp kiểm dịch động thực vật).
Do vậy, vị tổng giám đốc Vissan cho rằng, giải pháp là doanh nghiệp phải đề nghị các nước phát triển là đối tác cam kết về hỗ trợ kỹ thuật theo hình thức cụ thể, khả thi và có hiệu quả để thực hiện SPS, TBT.
AmCham hoan nghênh cơ hội hợp tác các hiệp hội doanh nghiệp và chính quyền Việt Nam, nhằm cung cấp hỗ trợ kỹ thuật về SPS, TBT theo TPP; qua đó hỗ trợ ngành công nghiệp thực phẩm và nông nghiệp của Việt Nam.
-
Chuyện độc quyền điện, xăng có hết khi vào TPP hay không?
Có lẽ, các cam kết trong TPP không quá trực tiếp liên quan đến 1 số lĩnh vực. Tuy nhiên, TPP có thể có ảnh hưởng rất tích cực đến tái cấu trúc, cải cách lĩnh vực này.
Ví dụ như yêu cầu về minh bạch hóa, điều khoản TPP về doanh nghiệp Nhà nước phải cạnh tranh bình đẳng trong cơ chế thị trường. Hay là chương về mua sắm Chính phủ, ở đó không chỉ doanh nghiệp Việt Nam, mà cả các công ty nước ngoài cũng có thể tham gia. Đây sẽ là bước đệm quan trọng để cải cách các doanh nghiệp Nhà nước và những ngành có tính độc quyền.
-
Các nhà quan sát cho rằng TPP thể hiện một cam kết chính trị lớn của Việt Nam cho đổi mới và hộp nhập bởi lẽ TPP đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi luật chơi trong nước để thích ứng với luật chơi mới của thế giới. Quan điểm của cá nhân ông với tư cách là một nhà quan sát chính trị Việt Nam?
Tôi nghĩ các lãnh đạo Việt Nam dù có thể có quan điểm khác nhau thì cùng chia sẻ mong muốn cho thấy một Việt Nam cởi mở, hội nhập vào cộng đồng quốc tế. Thông điệp đó đã được thể hiện rất rõ.
Việc có những tranh luận này khác trong nước là điều bình thường. Con đường sẽ không dễ dàng. Nhưng TPP, dù không thể khẳng định chắc chắn, nhưng có thể giúp Việt Nam trong quá trình cải cách, mở cửa và hội nhập.
-
Với tư cách là chuyên gia quốc tế về Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa chiến lược của TPP mà Việt Nam là một trong những thành viên tham gia xây dựng luật chơi ngay từ đầu?
Nhìn chung, có thể khẳng định TPP có ít nhất 3 tác động chính: một là nó mở rộng sự tiếp cận của các nhà sản xuất tại Vn với các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản. Hai là, nó kích thích đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI vào Việt Nam, giúp Việt Nam hấp dẫn hơn so với trước đây, nhờ việc tiếp cận dễ dàng với các thị trường lớn.
Thứ ba và quan trọng nhất, đó là cơ hội tạo đột phá cho quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam. Ở Việt Nam, các ngành vẫn chủ yếu dừng ở mức mô hình lắp ráp, phụ thuộc vào nước ngoài. Công nghiệp sâu chưa có. TPP đặt yêu cầu cao về xuất xứ để hưởng các ưu đãi thuế quan. Vì thế, các nước đều có nhu cầu tổ chức sản xuất tại các nước thành viên, thay vì giới hạn trong việc lắp ráp. Đây là cơ hội để Việt Nam nâng cao, mở rộng, làm sâu ngành công nghiệp của mình.
-
Theo bà, lợi ích của TPP là mở cửa thị trường cho hàng xuất khẩu là chủ yếu hay là một động lực buộc Việt Nam phải đổi mới nhanh hơn cho phù hợp với mặt bằng chung là chủ yếu?
Nói chung, quá trình hội nhập quốc tế và các FTA đều mang lại cơ hội mở cửa thị trường xuất khẩu cho Việt Nam. Nhưng cơ hội cải cách thì chỉ được một số cam kết quốc tế mang lại. Ví dụ như WTO, FTA với EU và TPP. Trong đó, có nhiều cam kết liên quan đến hệ thống thể chế và chính sách.
Vì vậy, đối với tôi, cơ hội TPP đối với Việt Nam ở cả hai mặt nhưng tôi coi cơ hội về cải cách là quan trọng hơn vì nó có thể mang lại những thay đổi rất cơ bản tạo nền tảng cho sự phát triển dài hạn của Việt Nam.
Nói một các khác, nếu cải cách tốt, chúng ta sẽ có thể vừa tăng trưởng mạnh xuất khẩu sang các nước TPP cũng như các thị trường khác trên thế giới, vừa thúc đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội ở trong nước và đưa Việt Nam lên một nền tảng cao hơn trong phát triển dài hạn.
-
- Chưa vào TPP mà thấy gà Mỹ giá rẻ đã tràn vào Việt Nam khiến người nuôi gà sợ rồi, vào TPP rồi thì ra sao?
- Trong thời gian gần đây, các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam chịu nhiều sức ép không phải chỉ từ sản phẩm nhập khẩu từ bên ngoài vào mà còn yêu cầu tăng lên của người tiêu dùng và mối lo về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tôi tin khi chúng ta thực hiện tốt công cuộc tái cơ cấu nông nghiệp hiện nay, đặc biệt trong lĩnh vực chăn nuôi thì những người chăn nuôi có thể cải thiện một cách cơ bản năng lực cạnh tranh của mình bằng các nhân tố: chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm, giá cả cũng như cách thức tiêu thụ; tạo niềm tin trong người tiêu dùng.
Chắc chắn đông đảo người tiêu dùng Việt Nam sẽ ủng hộ sản phẩm gia cầm trong nước là sản phẩm tươi, chất lượng hơn hẳn so với sản phẩm đông lạnh từ những thị trường đông lạnh Mỹ - Australia sang Việt Nam.
Bản thân tôi rất ghét ăn gà đông lạnh. Chúng ta cũng có lộ trình để thực hiện việc mở cửa thị trường, mong rằng các nhà chăn nuôi Việt Nam và các ngành liên quan khẩn trương thực hiện những công việc cần thiết để kịp đón đầu những cơ hội và thách thức của TPP trong lĩnh vực của mình.
-
Khi TPP hoàn tất, tôi thấy ông Johnathan Hạnh Nguyễn - còn gọi là vua hàng hiệu Việt Nam, nói là "Tôi mừng nhất", còn tôi chưa thấy đại diện ngành nông nghiệp nào nói tương tự vậy cả. Cá nhân bà nghĩ gì về điều đó?
- Không chỉ ông Johnathan Hạnh Nguyễn mà rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam mừng vì TPP mở ra những cơ hội lớn cho họ. Các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, đặc biệt trong nông nghiệp có thái độ dè dặt hơn cũng là vì họ thấy được tuy có cơ hội lớn những chưa chắc họ đã là người có thể nắm bắt được ngay. Sức cạnh tranh của họ hiện nay vẫn yếu tương đối so với các đối thủ bên ngoài và môi trường kinh doanh ở Việt Nam vẫn thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp FDI so với các doanh nghiệp tư nhân trong nước.
-
Ông kỳ vọng như thế nào về làn sóng đầu tư mới, đặc biệt từ Mỹ, vào Việt Nam sau khi tham gia TPP?
Vốn FDI thực chất từ Mỹ đầu tư vào Việt Nam đã rất nhiều, thường là thông qua các công ty chi nhánh của Mỹ ở Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Hà Lan hoặc Anh… Mỹ cũng là nhà đầu tư FDI lớn nhất ở ASEAN với hơn 200 tỷ USD đến năm 2013. Nếu tỷ lệ nguồn vốn mà Việt Nam nhận được trong số này không đáng kể, chúng ta phải nghiên cứu những lý do.
Gần đây, chúng tôi tiếp đón một phái đoàn quy mô từ AmCham Singapore đến tìm hiểu và làm việc. Họ rất quan tâm đến cơ hội đầu tư ở Việt Nam. Tuy nhiên, họ thận trọng vì cho rằng Việt Nam là thị trường đang phát triển, đang trong quá trình hội nhập, Hiệp định Thương mại song phương với Mỹ (BTA) có hiệu lực từ năm 2011, gia nhập WTO năm 2007.
Thời gian qua, những dự án FDI vào Việt Nam để đón đầu TPP đã lên đến 3 tỷ USD. Thành công của những dự án này đến đâu; Việt Nam thực hiện các cam kết quy định theo TPP cũng như cải cách thế nào… sẽ ảnh hưởng đến việc thu hút FDI, không chỉ từ Mỹ mà còn là từ nhiều nền kinh tế khác.
-
Theo ông/bà, điểm hạn chế của xuất khẩu Việt Nam vào thị trường Mỹ là gì?
Điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp thường không nhận thức đầy đủ về hàng loạt tiêu chuẩn mà họ phải đáp ứng khi muốn gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như khi muốn xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ. Do vậy, họ cần được cung cấp thông tin, huấn luyện và các chính sách hỗ trợ, ưu đãi.
- Ông Võ Trí Thành: Hạn chế xuất khẩu VN vào Mỹ là: Từ khi ký BTA, bình thường hóa quan hệ với Hoa kỳ, thì mức tăng xuất khẩu là kỳ diệu.
Điều ấy nói lên rằng chúng ta có lợi thế, khả năng tiếp cận tốt và cạnh tranh tốt trên thị trường Hoa Kỳ. TPP mở ra thêm cả cơ hội này . Rất nhiều nghiên cứu đánh giá VN là thành viên được hưởng lợi nhất về tốc độ tăng trưởng XK nhờ hiệp định TPP.
Nói như vậy, không có nghĩa xuất khẩu giữa VN và Hoa Kỳ không có vấn đề. Có 3 vấn đề lớn nhất: Tạo dựng hình ảnh và thương hiệu cùng gắn kết với các chuỗi phân phối. Vấn đề đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định, đòi hỏi đặc biệt là nằm trong các cam kết quốc tế.
Liên quan đến nhận thức, hiểu biết, học hỏi pháp lý để bảo vệ lợi ích của mình tránh thiệt hại không đáng có - do đối tác có thể phản đối, kiện cáo, đưa những thông tin bất lợi. Hi vọng, đạt được 3 điểm này thì hiệu quả sẽ trở thành hiện thực.
- Bà Phạm Chi Lan: Trong những năm qua, kể từ khi có hiệp định thương mại song phương FTA với Mỹ cũng như khi tham gia WTO, xuất khẩu của VN sang Mỹ đã tăng trưởng rất mạnh mẽ.
Các sản phẩm xuất khẩu cũng được đa dạng hóa với nhiều chủng loại phong phú. Không chỉ các nhà đầu tư nước ngoài tận dụng được cơ hội của thị trường Mỹ mà các doanh nghiệp Việt Nam, kể cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa và ngành hàng nông thủy sản của Việt Nam cũng nắm bắt được khá nhiều cơ hội trên thị trường lớn nhất thế giới này.
Tuy nhiên, những điểm yếu lớn nhất của Việt Nam trong xuất khẩu sang Mỹ là:
1. Phần lớn hàng của chúng ta là hàng thô, sơ chế hoặc gia công nên giá trị gia tăng khá thấp.
2. Vị thế của Việt Nam trong các chuỗi giá trị ở Mỹ cũng còn thấp và chưa vững chắc bởi cơ cấu hàng hóa của chúng ta chỉ dừng ở mức như tôi vừa nói.
3. Những DN thành công lớn nhất trong chuỗi XK sang thị trường Mỹ và tham gia vào chuỗi giá trị tốt nhất chủ yếu là các DN FDI.
Vì vậy, lợi ích thực sự chúng ta đạt được chưa tương ứng với tốc độ tăng về kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Để đạt được lợi ích tối đa trong TPP, chúng ta thực sự rất cần quan tâm tới việc khắc phục những điểm yếu trên chứ đừng ham chạy theo số lượng hay theo tốc độ tăng trưởng không thôi.
-
Tôi đọc báo thấy nhiều người nói TPP cứ như là “chiếc đũa thần” vậy, kiểu vào TPP thì là doanh nghiệp sẽ mạnh lên, rồi người dân được hưởng lợi nọ kia. Là một người chứng kiến quá trình hội nhập Việt Nam nhiều năm, bà có thấy vậy không?
- Tôi nghĩ chúng ta không nên trông đợi ở chiếc đũa thần TPP hay bất cứ một hiệp định FTA nào khác. Doanh nghiệp có mạnh lên hay không, người dân Việt Nam có được hưởng lợi hay không, trước hết phải dựa vào sức của chính mình. Nếu nền kinh tế chúng ta thực hiện được cuộc đổi mới lần thứ 2, tập trung cải thiện chất lượng hiệu quả năng suất lao động và năng lực cạnh tranh thì nền kinh tế sẽ vượt lên.
Các doanh nghiệp Việt Nam cũng vậy, phải tự vươn lên, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình nếu không muốn là kẻ bại trận trên thương trường. Chỉ trong điều kiện nền kinh tế của doanh nghiệp chúng ta mạnh lên thì người dân Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam mới thực sự được hưởng lợi.
"Chiếc đũa thần" nằm trong tay chính chúng ta chứ không phải ai khác.
-
Có quá nhiều việc lúc này để hội nhập TPP. Đâu là những việc VN nên làm ngay khi vào TPP?
Việc số 1 Việt Nam phải tập trung làm là cải cách thể chế, cải cách hệ thống hành chính ở Việt Nam. Đại hội Đảng lần thứ 11 đã coi cải cách thể chế là 1 trong 3 đột phá chiến lược của nước ta nhưng cho đến nay, kết quả đạt được trong cải cách thể chế vẫn còn rất khiêm tốn.
Nếu không cải cách mạnh mẽ về thể chế và hệ thống hành chính thì chúng ta tự đẩy mình vào vị thế bất lợi so với các quốc gia khác có hệ thống thể chế và hành chính hiện đại hơn ta. Và do đó, có môi trường tốt hơn cho doanh nghiệp và người dân của họ phát triển.
Việc thứ 2 không thể chần chừ, là cả ở cấp vĩ mô cũng như vi mô, phải tập trung hết sức cải thiện năng lực cạnh tranh của các ngành, các sản phẩm và doanh nghiệp Việt Nam. Nếu không cải thiện được năng lực cạnh tranh thì chúng ta khó nắm bắt được cơ hội xuất khẩu khi các thị trường khác mở cửa cho ta, khó tận dụng được tốt nhất dòng đầu tư nước ngoài sẽ tràn mạnh vào Việt Nam cũng như khó chống chọi với sức ép cạnh tranh của hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam khi chúng ta mở cửa thị trường cho họ.
-
Tôi nghe nói là vào TPP thì giá ôtô sẽ giảm mạnh nhưng mà trước tôi cũng như tương tự như với WTO. Chẳng biết điều này sẽ ra sao nhỉ?
- Khi tham gia WTO, thuế nhập khẩu ô tô của chúng ta có cam kết giả nhưng với một lộ trình rất dài. Vì vậy, người tiêu dùng chưa thực sự được hưởng lợi nhiều từ WTO.
Đối với TPP, do biểu thuế của các sản phẩm chưa được công bố nên tôi không biết thuế với ô tô ở Việt Nam sẽ ra sao. Tuy nhiên, với WTO, lộ trình giảm thuế nhập khẩu ô tô của chúng ta sắp kết thúc, ngoài ra, theo cam kết trong cộng đồng kinh tế ASEAN thì thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN vào Việt Nam sẽ về mức 0% vào năm 2018.
Các dòng ô tô của các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước phương Tây đầu tư ở các nước ASEAn sẽ được vào Việt Nam qua kênh đó. Vì vậy, tôi tin, người tiêu dùng Việt Nam sẽ được mua ô tô với giá rẻ hơn trong những năm tới, chưa cần chờ TPP sẽ áp thuế thế nào đối với Việt Nam.
Điều này là hợp lý bởi vì không có lý gì mà Việt Nam có mức thu nhập bình quân thấp hơn đáng kể so với các nước ASEAN tiên tiến mà lại phải chịu mức giá ôtô cao hơn rất nhiều so với người dân các nước đó.
Đối với các doanh nghiệp đang tham gia sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước, tôi mong, sức ép cạnh tranh sẽ thúc đẩy họ cố gắng cao nhất để hạ giá thành, tăng năng lực cạnh tranh cho họ cũng là làm lợi cho người tiêu dùng và nền kinh tế Việt Nam.
-
Hội nhập sẽ làm cho Việt Nam mạnh lên, tăng sức cạnh tranh nhưng mà tôi tự nhiên lại nghĩ là không cẩn thận nó làm cho người nghèo nghèo hơn và chỉ lợi cho người giàu. Chị Lan nghĩ gì về điều này?
- Hội nhập kinh tế quốc tế cũng như phát triển kinh tế trong nước bao giờ cũng được kỳ vọng mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, đặc biệt là giảm bớt khó khăn cho những người nghèo, nâng cao mức sống của toàn xã hội.
Tuy nhiên, thực hiện được điều đó đến đâu, phụ thuộc vào chính sách và việc thực thi các chính sách ở trong nước.
Mô hình chúng ta đang theo đuổi hiện nay là phát triển một cách công bằng, bao trùm, có nghĩa là mọi người dân đều có thể tiếp cận với các cơ hội và được hưởng lợi từ công cuộc phát triển.
Việt Nam đã đạt được những thành tựu tốt về xóa đói giảm nghèo trong những năm đổi mới vừa qua, song tỷ lệ nghèo vẫn còn cao và khoảng cách giàu nghèo lại đang giãn ra khá rộng ở nước ta.
Những năm tới, nhà nước, các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội đều rất cần quan tâm và chung sức khắc phục tình trạng đó.
Đặc biệt, mạng lưới an sinh xã hội của nhà nước rất cần được phát triển rộng khắp và không để xót những đối tượng còn đang bị thua thiệt hiện nay, nhất là ở các vùng miền núi và đồng bào các dân tộc ít người.
-
Những chứng bệnh nào của doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam cần được điều trị dứt điểm để có thể cạnh tranh ở thị trường trong nước sau khi TPP có hiệu lực? Phao cứu sinh nằm ở đâu?
Trong quá trình phát triển ở nước nào cũng vậy, doanh nghiệp vừa và nhỏ luôn chiếm vị trí áp đảo. Ở Việt Nam, con số là khoảng 96-97%.
Nói về doanh nghiệp nhỏ thường nhắc tới những yếu điểm. Trong đó, nổi bật nhất là việc thiếu bản lĩnh, tầm nhìn và cách làm ăn chuyên nghiệp. Thậm chí, doanh nghiệp nhỏ còn thiếu khả năng kết nối và chia sẻ.
Trong khi đó, đây lại là những yếu tố cần thiết để doanh nghiệp có thể tham gia có hiệu quả trong quá trình hội nhập sâu rộng. Sản xuất kinh doanh của thế giới hiện mang tính phân khúc, phân mảng rất cao, tạo thành những chuỗi giá trị mang sản xuất có tính khu vực, toàn cầu.
Để chữa căn bệnh này, phao cứu sinh chính là bản thân doanh nghiệp và vai trò của Chính phủ, hiệp hội. Với TPP, dưới những áp lực của một hiệp định tự do đầy ràng buộc, tôi hi vọng nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ nhận ra điều này và tự thay đổi để chữa được căn bệnh cố hữu của mình.
-
Các chuyên gia có thể cho tôi hỏi là khi tham gia hiệp định TPP thì tất cả các mặt hàng của 12 nước thành viên khi xuất sang nhau thì thuế sẽ được tính gần như bằng 0 hay chỉ là các mặt hàng trong thỏa thuận của các nước? Thứ 2 là sự tác động của nó đến các nghành nào là có lợi nhất. Thứ 3 kinh tế của chúng ta sẽ đi theo chiều hướng nào nếu chúng ta tận dụng được lợi ích này và nếu ngược lại thì sẽ ra sao. Xin cảm ơn các vị !
TPP là hiệp định mức tự do hóa rất cao về thương mại, hàng hóa, dịch vụ, đầu tư. Chúng ta chưa biết được kết quả cam kết cuối cùng, nhưng về cơ bản các dòng thuế sẽ về 0. Tuy nhiên, cũng còn những mặt hàng thời gian về 0 là có lộ trình và lộ trình này có thể kéo dài 5-15 năm.
Với tự do hóa cao như vậy, về cơ bản những ngành Việt Nam có lợi thế cạnh tranh như dệt may, da giầy, đỗ gỗ, nông sản (loại cây trồng, thủy sản) được xem là những ngành được hưởng lợi rất lớn. Những ngành Việt Nam vốn không có khả năng cạnh tranh được bảo hộ nhiều năm có thể chịu tác động tiêu cực gồm chăn nuôi, thép, ôtô, ....
Rất nhiều dự báo cho thấy, Việt Nam là nước hưởng lợi lớn nhất theo nghĩa mức tăng GDP và xuất khẩu, rồi đến những dòng vốn đầu tư. Đơn cử như dệt may, 5-10 năm tới chúng ta có thể hi vọng TPP sẽ giúp giá trị ngành này tăng lên hàng chục tỷ đôla.
Cái này phụ thuộc và việc tận dụng cơ hội và cải cách thể chế của Việt Nam. TPP hội nhập chỉ là điều kiện cần cho tăng trưởng, phát triển. Điều kiện đủ phụ thuộc vào chính chúng ta, cải cách của Việt Nam.
-
TPP sẽ yêu cầu các luật lệ rất riêng về quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền mà Việt Nam thì rất ẩu về điều này. Bà nghĩ chuyện này sẽ dẫn tới điều gì?
- Không phải chỉ đến TPP mà từ WTO, yêu cầu về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đã được đưa ra và là một cam kết của việt Nam với các nước thành viên.
Nước ta cũng đã có luật về bảo hộ sở hữu trí tuệ được ban hành từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, việc thực thi luật bảo hộ sở hữu trí tuệ ở nước ta, nói thẳng là rất kém, tạo nên tình trạng vi phạm có thể nói là diễn ra ở khắp nơi, trên mọi lĩnh vực. Điều đó không những gây thua thiệt cho những người chủ của các tài sản trí tuệ mà còn trở thành một vấn nạn lớn cho đông đảo doanh nghiệp Việt Nam.
Nhiều điều tra trong doanh nghiệp Việt Nam cho thấy. hàng giả, hàng nhái là một trong những vấn nạn lớn đối với đông đảo doanh nghiệp. Nó gây thiệt hại về kinh tế cho họ và làm triệt tiêu những động lực đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp Việt Nam, trong khi đổi mới sáng tạo lại là nhân tố vô cùng quan trọng để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Tôi mong với yêu cầu của TPP, Việt Nam sẽ phải có thay đổi mạnh mẽ để nghiêm túc thực hiện luật bảo vệ sở hữu trí tuệ cũng như các cam kết quốc tế.
-
“Tốc độ và cách thức Việt Nam tiến hành đổi mới cần phải song song với các cuộc đàm phán” cựu Bộ trưởng Trương Đình Tuyển từng nói như vậy. Bà nghĩ gì về TPP với tốc độ và cách thức đổi mới của chúng ta?
Theo tôi, chúng ta nên đặt một cách tiếp cận tích cực hơn, là thúc đẩy mạnh mẽ, triệt để nhất cuộc cải cách bên trong dù có đàm phán và cam kết quốc tế hay không.
Quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam cho thấy rất rõ: khi chúng ta có BTA với Mỹ, đồng thời, có luật doanh nghiệp 1999 và cải thiện nhiều luật pháp chính sách trong nước thì nền kinh tế đã tăng trưởng được với tốc độ cao và chất lượng tốt.
Khi có WTO, chúng ta cũng có những cam kết cải cách nhưng trên thực tế, không thực hiện thực sự đầy đủ những cam kết đó. Ví dụ, như việc đặt doanh nghiệp Nhà nước vào môi trường cạnh tranh bình đẳng. Do đó, kết quả việc tham gia WTO thực sự thấp hơn so với kỳ vọng của chúng ta.
Hiện nay, Việt Nam đã hoàn tất và đang chuẩn bị hoàn tất các đàm phán để rồi chúng ta sẽ có FTA với tất cả khoảng 57 nước trên thế giới.
Thành công hay không trong công cuộc hội nhập mới này phụ thuộc trước hết vào cải cách nhanh và triệt để của chúng ta chứ không phải vào tốc độ của các đàm phán và ký kết đó.
-
Xin chào quý chuyên gia! Liên quan đến vấn đề môi trường trong TPP, tôi muốn được hỏi rằng: TPP có cơ chế kiểm soát các dự án đầu tư có tác động nghiêm trọng tới môi trường hay không? Cụ thể cơ chế này như thế nào? Xin cảm ơn.
Trong hiệp định TPP có một chương về môi trường. Trong đó, các nước thành viên cam kết thực hiện bảo vệ môi trường và thực thi luật pháp về bảo vệ môi trường một cách nghiêm túc. Việc thực thi và kiểm soát đầu tư về môi trường sẽ được thực hiện ở từng quốc gia và chịu sự kiểm soát của các quốc gia đó là chính.
Tôi kỳ vọng với cam kết như vậy thì các nước thành viên TPP sẽ có trách nhiệm khi đi đầu tư ở nước khác tuân thủ các yêu cầu về môi trường một cách nghiêm túc.
Và đối với Việt Nam, tôi cũng kỳ vọng Nhà nước sẽ thực sự quan tâm và nghiêm khắc trong việc bảo vệ môi trường. Chúng ta ai cũng biết Việt Nam là một trong 5 nước chịu tác động tiêu cực nhiều nhất về biến đổi khí hậu, nên phải ý thức rất rõ về việc tự bảo vệ mình trong lĩnh vực này.
Mong chính quyền các cấp, các ngành không vì lợi ích ngắn hạn của những dự án đầu tư mà bắt đất nước trả giá về môi trường.
-
Mấy năm trước, cháu thấy cô phát biểu là tham gia các hiệp định thương mại ở mức thấp hơn mà Việt Nam còn mệt, vẫn xin ưu đãi, hỗ trợ thêm. Vậy thì tham gia TPP thì sao hả cô?
- Tôi vẫn luôn trăn trở và không hài lòng về việc sau 20 năm tham gia Asean chúng ta vẫn tiếp tục duy trì vị thế trong nhóm 4 nước Asean kém phát triển hơn, và tiếp tục mong muốn Asean có những ưu đãi, hỗ trợ đối với Việt Nam cùng 3 nước kia. Tôi cho rằng, lẽ ra Việt Nam phải chấp nhận vượt ra khỏi 4 nước kém phát triển hơn trong Asean từ cách đây 5,7 năm rồi để tự mình vượt lên. Đặc biệt, khi Việt Nam bắt đầu tham gia nhiều đàm phán FTA với những đòi hỏi cao hơn nhiều Asean.
Đối với TPP, các nước đều công nhận đây là hiệp định của thế kỷ 21, hiệp định FTA chất lượng cao, đòi hỏi rất cao ở tất cả các nước thành viên. Là thành viên duy nhất còn ở tình trạng đang phát triển với mức thu nhập trung bình thấp, cũng như đang chuyển đổi sang kinh tế thị trường, Việt Nam hoàn toàn có thể yêu cầu các thành viên khác của TPP chấp nhận những điều kiện hợp lý hơn cho Việt Nam. Kết quả đàm phán TPP cũng đã cho thấy các nước thừa nhận sự chênh lệch về trình độ phát triển và có những nhân nhượng hợp lý cho chúng ta.
Tôi mong, với những gì đã đạt được, Việt Nam sẽ tận dụng cơ hội TPP để vượt lên.