Tối muộn 6/10, chuyến bay từ Seoul đưa những thành viên cuối cùng của đoàn đàm phán TPP về sân bay Nội Bài. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh dẫn đầu đoàn, trở về trong sự chào đón của người thân, đồng nghiệp, và giới truyền thông.
Ông Khánh đã trả lời các câu hỏi của Zing.vn ngay tại sân bay.
Ông Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán TPP trở về trong sự chào đón của đồng nghiệp, người thân. Ảnh: Lê Hiếu. |
- Đàm phán TPP đã kết thúc, lợi ích lớn nhất của Việt Nam khi gia nhập hiệp định này là gì?
- Việt Nam có nhiều lợi ích với TPP. Chúng ta có cơ hội để tăng trưởng xuất khẩu, tham gia vào chuỗi cung ứng mới sẽ hình thành trong khu vực TPP.
Việt Nam cũng sẽ có cơ hội thu hút thêm nguồn vốn từ nước ngoài, tạo thêm công ăn việc làm trong nước, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Những điều này sẽ giúp chúng ta không bị phụ thuộc quá mức vào thị trường Đông Á.
Với TPP, chúng ta cũng sẽ mở cửa thị trường sang các nước TPP, đặc biệt là Mỹ. Cùng hiệp định thương mại tự do (FTA) với liên minh châu Âu, Việt Nam sẽ đa dạng hóa được thị trường xuất khẩu. Đó đều là các cơ hội rất lớn.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, lần gặp nhau tại Atlanta (Mỹ) của các bộ trưởng là để xử lý những vấn đề còn lại sau hội nghị vào cuối tháng 7.
Trước đó, hiệp định chưa kết thúc được do những vấn đề liên quan đến quy tắc xuất xứ của ôtô, thời gian bảo hộ dữ liệu thử nghiệm cho sinh dược, các cuộc đàm phán song phương về mở cửa thị trường trong đó có dệt may giày da.
Về việc bảo mật thông tin đàm phán, ông Khánh cho hay, đây là thỏa thuận của các nước tham gia TPP. Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán, đoàn thường xuyên tham vấn ý kiến hiệp hội doanh nghiệp, các bên liên quan. Do đó, ông tự tin kết quả đàm phán sẽ thể hiện được mong muốn, ưu tư của doanh nghiệp và mong muốn của các vị đại biểu Quốc hội.
- Với xuất phát điểm tương đối thấp, Việt Nam sẽ gặp những khó khăn gì khi vào TPP?
- Khó khăn lớn, theo tôi, vẫn là sức ép cạnh tranh. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên ta hội nhập. Việt Nam đã hội nhập cách đây 20 năm, và có ngần đó thời gian hành trang và chuẩn bị. Do đó, tôi cho rằng chúng ta đủ sức để tiến vào cuộc chơi mới này.
Tuy nhiên, vào TPP, Việt Nam cũng sẽ có những ngành khó khăn, đặc biệt là nông nghiệp, chăn nuôi. Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định lúc này đàm phán chưa được công bố nên chăn nuôi Việt Nam có ít nhất 10 năm để chuẩn bị trước khi thuế được hạ về 0%.
Tôi rất hy vọng trong thời gian đó chúng ta sẽ nỗ lực tái cơ cấu nông nghiệp, công nghiệp hóa nông nghiệp để ngành này có sức cạnh tranh lớn hơn nữa, có thể chiến thắng trên sân nhà. Không có lý do gì chúng ta là một nước nông nghiệp mà lại không chiến thắng.
Ông Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán TPP tại sân bay Nội Bài tối 6/10. Ảnh: Lê Hiếu. |
- Khi TPP được đàm phán xong, cũng không ít người băn khoăn rằng doanh nghiệp trong nước sẽ làm như thế nào để tận dụng lợi thế từ hiệp định thế kỷ này. Ông có thể nói gì về băn khoăn đó?
- Thực sự thì rất khó để trả lời câu hỏi trên. Bởi mỗi doanh nghiệp lại nhìn đàm phán TPP dưới một góc độ khác nhau. Không thể có một câu trả lời chung cho doanh nghiệp thủy sản, dệt may.
Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ, doanh nghiệp Việt Nam rất năng động. Nếu họ có một tư duy đúng đắn, tiến công, xác định sẽ tự làm tất cả trước khi kêu gọi sự giúp đỡ, tôi nghĩ rằng với tinh thần đó, chắc chắn doanh nghiệp sẽ thành công. Còn dĩ nhiên, Nhà nước cũng sẽ hỗ trợ.
- Nhiều người nói đến sự hưởng lợi của ngành dệt may, da giày. Quan điểm của ông?
Cơ hội cho các ngành dệt may và da giày của Việt Nam là rất lớn khi chúng ta vào TPP. Bởi thuế nhập khẩu trên một số thị trường quan trọng, trong đó có Mỹ, sẽ được đưa về 0%. Đây chính là cơ hội lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam. Và thách thức ở đây chính là khả năng nắm bắt cơ hội của họ.
- Cảm xúc của ông lúc này là gì?
- Mong muốn lớn nhất của tôi là được về nhà với gia đình và dành nhiều thời gian hơn nữa cho gia đình.
- Xin cảm ơn ông!