Với riêng chăn nuôi, nhiều chuyên gia quan ngại, TPP sẽ “bóp chết ” gà và bò. Bởi đây là ngành đang gặp nhiều khó khăn và cũng khá nhạy cảm với những biến động của thị trường.
Gà và bò gặp khó, heo “dễ thở” hơn
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, cho biết, hiện tỷ lệ chăn nuôi tại Đồng Nai theo thứ tự là heo chiếm 75%, gà 15% và bò 10%. Dù chiếm số lượng ít hơn, nhưng bò và gà sẽ khó khi vào TPP, trong đó con gà dễ “chết” hơn cả. Theo ông Đoán, nếu chưa kể các nước châu Âu, Mỹ, chỉ vòng vòng quanh Đông Nam Á với Indonesia, Singapore, Thái Lan thì Việt Nam đã cạnh tranh mệt nghỉ nếu thuế nhập khẩu thịt được ưu đãi.
“Gà không phải vật nuôi nhiều nước thải, nên ngay cả Singapore hiện cũng có rất nhiều trang trại với lượng nuôi cả triệu con. Họ nuôi công nghiệp, quy mô lớn, dẫn đến giá thành thấp hơn Việt Nam 10-20%. Đây là ưu thế giúp thịt gà của Singapore và các nước dễ tiến vào Việt Nam”, ông Đoán chia sẻ.
Còn theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam Bộ, nguyên nhân con gà dễ “chết” hơn cả vì nghề nuôi gà trong nước rất nhạy cảm với những tác động bên ngoài, do hình thức nuôi gia công khá phổ biến. “Chỉ tại Đồng Nai, hiện hơn 90% số hộ nuôi là gia công cho các công ty. Khi công ty thua lỗ, điều tất yếu tác động tiêu cực tới rất nhiều người nông dân phía sau họ”, ông Ngọc nói.
Hãy chọn giống gà đặc trưng.
Theo TS. Giáp, hiện mỗi địa phương dựa vào điều kiện thổ nhưỡng đều sản sinh ra được những giống gà đặc trưng như gà đồi Yên Thế, gà Đông Tảo… Để hạn chế sự cạnh tranh với thịt nhập, ngoài nâng cao năng lực, tham gia vào các chuỗi sản xuất giúp hạ giá thành sản phẩm, người nuôi gà có thể đẩy mạnh phát triển các giống gà đặc trưng này.
Với con bò, TS. Nguyễn Văn Giáp, Phó giám đốc Trung tâm chính sách và chiến lược nông nghiệp nông thôn miền Nam, lo lắng, hiện Việt Nam không có những đồng cỏ lớn, bò nuôi manh mún với số lượng ít, nên chuyện thịt bò ngoại xâm chiếm thị trường đang hiện ra trước mắt. Thời gian qua, dù phải chịu thuế nhập khẩu nhưng bò Úc đã vào Việt Nam với số lượng lớn. Nếu giảm thuế thì bò Việt chắc chắn không cạnh tranh nổi.
Ông Ngọc nói thêm, hiện bò Úc tăng trọng mỗi ngày gần 1 kg, trong khi với bò Việt cao lắm chỉ 0,5 kg. “Việc tăng trọng nhanh khiến nhiều doanh nghiệp rất chuộng nhập bò Úc về vỗ béo để bán thịt mà bỏ rơi bò trong nước”, ông Ngọc nói.
Khả năng người nuôi gà nhỏ lẻ đang đối mặt với nhiều khó khăn khi gia nhập TPP. Trong ảnh: Một trang trại gà qui mô nhỏ tại Thống Nhất, Đồng Nai. Ảnh: N.Trí. |
|
Trong khi đó, chăn nuôi heo lại được đánh giá với nhiều thuận lợi khi gia nhập sân chơi TPP.
Ông Đoán chia sẻ, hiện chủ yếu chỉ có heo Thái Lan và Trung Quốc đang cạnh tranh với heo trong nước. Nhưng do giá thức ăn tăng mạnh nên giá heo hơi Trung Quốc trung bình 68.000-75.000 đồng/kg, cao hơn 5.000-8.000 đồng/kg so với heo Việt Nam. Còn giá heo Thái Lan lại ngang ngửa Việt Nam. Nhưng yếu tố quan trọng nhất là thịt heo nhập về Việt Nam chủ yếu theo dạng đông lạnh, trong khi người dân quen sử dụng thịt nóng (heo tươi), điều này là nguyên nhân giúp thị phần cho heo Việt Nam còn nhiều.
TS. Nguyễn Văn Giáp chia sẻ thêm, thực tế không phải tất cả đều khó. Hiện phần lớn ngành chăn nuôi bị các công ty nước ngoài thâu tóm, nên khi TPP ký kết thì cũng chỉ người nước ngoài cạnh với nhau, họ sẽ có cách làm hài hòa lợi ích.
Cơ hội tái cơ cấu
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, dù khó khăn, nhưng xét trên bình diện chung, TPP sẽ đem nhiều cơ hội lớn cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Trong đó, thị trường xuất nhập khẩu sẽ được mở rộng ra 11 nước thành viên trong TPP, đồng thời sẽ giúp ngành nông nghiệp Việt Nam giảm áp lực phụ thuộc vào thị trường truyền thống là Trung Quốc.
Thứ trưởng cho hay, TPP có 12 quốc gia tham gia với tổng dân số khoảng 600 triệu người, chiếm 40% GDP toàn cầu và 26% giá trị hàng hóa luân chuyển thương mại. Theo đó, TPP như một đòn bẩy kinh tế, ngành nông nghiệp sẽ có 4 cơ hội lớn.
Thứ nhất, TPP chính thức ký kết sẽ mở ra thị trường mới rộng mở hơn rất nhiều, giúp Việt Nam điều chỉnh cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp. Cơ hội thứ hai là khi TPP có hiệu lực, hầu hết các mặt hàng nông sản đã giảm thuế xuất khẩu xuống hơn 90%, và có mặt hàng xuống 0%. Đây là lợi thế lớn cho nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu lợi thế của Việt Nam như đồ gỗ, thủy sản…
Hai cơ hội nữa là giúp thu hút được vốn đầu tư từ các quốc gia trong TPP vào lĩnh vực nông nghiệp và thúc đẩy tái cấu trúc ngành. Khi hội nhập mạnh mẽ, ngày càng nhiều các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam sẽ đem theo cả công nghệ cũng như phương thức quản lý hiệu quả hơn.
Khi hội nhập TPP, ngành nông nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội nhưng cũng có rất nhiều thử thách để cạnh tranh thị trường với những nước mạnh. Ảnh: N.Hữu. |
|
Tuy nhiên, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng nhận định, ngành nông nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.
Hiện nay, cả nước có khoảng 3.500 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 1,01% tổng số doanh nghiệp cả nước. Phần lớn là doanh nghiệp nhỏ. Các doanh nghiệp có vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm tới 65% nên rất khó trong cạnh tranh khi hội nhập sâu.
Ngoài ra, nông nghiệp Việt Nam vẫn sản xuất theo quy mô hộ gia đình là chính, công nghệ kém nên sẽ có mặt hàng sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi mở cửa.
"Nhưng TPP chính là liều thuốc thử cho tái cơ cấu nông nghiệp Việt Nam. Đã là sân chơi chung, luật chung ai mạnh người ấy thắng. Nếu vẫn duy trì quản lý và không thay đổi kịp thời cách sản xuất như hiện nay thì rất khó khăn. Đặc biệt, ngành chăn nuôi rất dễ thua trên sân nhà”, Thứ trưởng Tuấn nói.
Ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cũng cho biết, yếu thế nhất của nước ta khi gia nhập TPP là chăn nuôi, bởi các thị trường khác như Mỹ, Canada, Úc,... phát triển hơn rất nhiều.
"Tuy nhiên, nếu chúng ta lấy doanh nghiệp là trung tâm, sau là hợp tác xã,... liên kết theo chuỗi, đảm bảo sản xuất trước hết phải sạch, an toàn, phù hợp với người Việt và duy trì được thói quen sử dụng gà nội, lợn nội,... thì chắc chắn sẽ cạnh tranh được", ông cho hay.
Theo ông Từ Minh Thiện, Phó trưởng ban quản lí Khu nông nghiệp công nghệ cao TP HCM, ngày càng nhiều hiệp định thương mai được ký kết, viễn cảnh một thị trường chung đã hiện ra trước mắt. “Chúng ta nên chuẩn bị tâm lí cạnh tranh và nâng cao năng lực, bằng việc cải thiện chất lượng sản phẩm, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp. Đây là lĩnh vực mà chúng ta đi sau khá nhiều nước. Hãy lấy TPP làm động lực để đổi mới ngành nông nghiệp vốn quen xem nhẹ chất lượng”, ông Thiện nói.
Không biết làm gì với TPP.
Khi được hỏi về TPP, nhiều người chăn nuôi vẫn khá mơ hồ.
“Bình thường nuôi gia công đã khó. Giờ thịt nhập vào nhiều thì chắc khó gấp bội. Nghe nói TPP ký kết, thịt nhập giá rẻ 'đè' thịt trong nước thì cũng chỉ biết vậy, chứ không biết làm gì bây giờ”, ông Ngô Minh Thuận, chủ trang trại nuôi hơn 8.000 con gà thịt tại xã Gia Tân 2, Thống Nhất, Đồng Nai, nói.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam Bộ, cho biết, hiện hiệp hội cũng không biết phải làm gì khi chăn nuôi trong nước quá nhiều lỗ hỏng. Theo ông Ngọc, giá thức ăn và thuốc thú y là hai khâu chiếm hơn 70% giá thành sản xuất, nhưng hầu như bị bỏ ngõ. Với tình trạng nhà nước không kiểm soát các công ty thức ăn, giống và vật tư, việc phát triển chăn nuôi ổn định còn khó, đừng nói đến cạnh tranh.
Ngay cả nhiều công ty trong lĩnh vực chăn nuôi cũng rối với TPP. Theo đại diện Công ty Bình Minh (Trảng Bom, Đồng Nai), thời gian qua ngành gà trong nước đã khốn khó với thịt nhập của Mỹ. Để cạnh tranh với gà nhập, công ty không biết làm gì thêm ngoài chủ động hơn trong việc kiểm soát chất lượng gà thịt và hạ bớt giá thành, bằng cách đẩy mạnh nuôi gia công với nông dân và đi thuê lại trang trại để tự nuôi, tự quản lí.