Trận lụt năm 1971 (hay còn được biết đến với tên gọi Đại hồng thủy 1971) là một đợt lũ lụt rất lớn xảy ra ở các tỉnh thuộc đồng bằng Sông Hồng và sông Thái Bình vào giữa tháng 8 năm 1971.
Những thiệt hại do trận lụt 1971 gây ra
Đây là cơn lũ lớn nhất trong vòng hơn 250 năm qua ở miền Bắc, gây ra nhiều tổn thất về người vượt quá sức tưởng tượng. Trận lũ năm 1971 được liệt kê trong danh sách các trận lụt lớn nhất thế kỷ 20 của Cơ quan Quản trị Hải dương và Khí tượng Mỹ (“Top Global Weather, Water and Climate Events of the 20th Century”, U. S. National Oceanic & Atmospheric Administration). Lũ lịch sử năm 1971 đứng hàng nhì sau trận lụt năm 1931 ở sông Dương Tử làm thiệt mạng gần 3,7 triệu nguời ở Trung Quốc.
Theo tài liệu của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, từ ngày 12/8-21/8/1971, do tổ hợp tác động của dải hội tụ nhiệt đới, rãnh thấp nóng phía tây kết hợp với cao áp Thái Bình Dương, đã xảy ra mưa to đến rất to ở Bắc Bộ.
Mưa bình quân lưu vực sông Hồng là 255 mm. Mưa rất lớn ở: Sìn Hồ 454 mm, Sa Pa 381mm, Lào Cai 386 mm. Mưa bình quân lưu vực Thái Bình là 247 mm. Mưa ở Thác Giềng 402 mm. Lượng mưa trung bình ở đồng bằng Bắc Bộ khoảng 200 mm.
Hạ lưu sông Hồng, Thái Bình đã xảy ra trận lũ lịch sử. Đỉnh lũ tại Hà Nội là 14,13 m (5 giờ ngày 22/8), vượt báo động 3 là 2,63 m, duy trì trên báo động 3 trong 8 ngày (đỉnh lũ hoàn nguyên là 14,6 m); tại Phả Lại là 7,21 m (9 giờ ngày 22/8), vượt báo động 3 là 1.71 m, duy trì trên báo động 3 trong 12 ngày. Lũ trên hệ thống sông Đáy ở mức trên dưới báo động 3. Trong thời kỳ lũ cao, thuỷ triều giảm dần từ 3,5 m xuống 2,4 m.
Lũ đã gây tràn, vỡ đê ở nhiều nơi: Ngày 19/8, tràn vỡ các đê ở hạ lưu sông Lô, Đà và tả ngạn sông Hồng thuộc huyện Vĩnh Tường, đê bối Thanh Trì phía hữu ngạn sông Hồng; 4 giờ ngày 20/8, phải mở đập Vân Cốc phân lũ vào sông Đáy, cùng lúc đó đã vỡ đê Lâm Thao, đến 6 giờ ngày 21/8 vùng vỡ Lâm Thao mới đầy nước; 5 giờ ngày 21/8, vỡ đoạn dài 693 m đê Vĩnh Lại.
9h ngày 21/8, vỡ 470 m đê Cao Xá và Minh Nông; 1h45 ngày 22/8, vỡ đê Khê Thượng trên sông Đà; 5h ngày 22/8, phải phá đê khu chậm lũ Tam Nông ở hữu ngạn sông Thao; 20h45 ngày 22/8, vỡ đê Cống Thôn ở tả ngạn sông Đuống với chiều rộng 250 m, sâu từ 18,24 m…
Theo thời giá năm 1971, tổng thiệt hại phần tài sản Nhà nước thuộc Trung ương quản lý là khoảng 44.225.000 đồng, trong đó: về nhà cửa, kho tàng bị ngập và trôi là 120.361 cái; về công nghiệp, khoảng 3.670.000 đồng; về nông nghiệp, khoảng 1.140.100 đồng; về công trình thủy lợi, khoảng 8.884.200 đồng, về giao thông bưu điện, khoảng 10.025.000 đồng và nhiều thiệt hại khác. Ngoài ra, thiệt hại của nhân dân và các địa phương do bị ảnh hưởng lũ lụt, dịch bệnh, ngừng trệ sản xuất không thể tính hết được.
Những quyết sách quan trọng, kịp thời của Đảng và Chính phủ
Về giải quyết hậu quả do trận lũ lụt gây ra, theo tài liệu Công báo Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa các số 15, ra ngày 2/9/1971 và số 17, ra ngày 30/9/1971 hiện còn lưu giữ hàng chục văn bản của Đảng và Chính phủ. Mặc dù, không phản ánh toàn bộ quá trình giải quyết hậu quả do trận lụt tháng 8 năm 1971, nhưng các văn bản này cho chúng ta biết những quyết sách quan trọng, kịp thời của Đảng và Chính phủ trong việc khắc phục hậu quả do trận lụt gây ra, ổn định, khôi phục sản xuất, giải quyết căn bản những khó khăn cho đồng bào vùng bị lũ lụt...
Đầu tiên phải kể đến là Nghị quyết số 165-CP ngày 24/8/1971 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Hội đồng Chính phủ về việc khắc phục hậu quả của trận lũ lụt tháng 8.
Nội dung Nghị quyết nêu rõ: Trận lũ lụt tháng 8/1971 đã gây ra nhiều thiệt hại về các mặt. Để khắc phục những hậu quả đó, Chính phủ chỉ thị cho các ngành các địa phương cần phải tiếp tục củng cố và bảo vệ đê điều, nhanh chóng giải quyết các khó khăn trước mắt của đời sống nhân dân những vùng ngập lụt, dập tắt dịch bệnh, khôi phục và ổn định sản xuất, đưa các hoạt động kinh tế và đời sống trở lại bình thường.
Để hoàn thành các nhiệm vụ trên, phải động viên một phong trào lao động sản xuất và tiết kiệm rộng lớn, đều khắp, phát huy cao độ nhiệt tình và năng lực sáng tạo của mọi người hoàn thành công việc trong thời gian ngắn nhất. Nghị quyết kêu gọi cán bộ đảng viên, đoàn viên thanh niên xung phong gương mẫu, nêu cao tinh thần quyết tâm, tinh thần tận tụy hy sinh vì lợi ích của nhân dân, của cách mạng.
Tiếp đó, để giải quyết những khó khăn cho nhân dân vùng bị lũ lụt, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 166-CP ngày 27/8/1971 chỉ thị phải gấp rút giải quyết vấn đề ăn, mặc, ở và chữa bệnh cho nhân dân, tuyệt đối không để xảy ra chết đói. Khi tình hình tạm ổn phải giải quyết một cách căn bản về các nhu cầu thiết yếu cho đời sống và sản xuất trên tinh thần giúp đỡ nhau và giúp đỡ của Nhà nước.
Tiếp đó, ngày 7/9/1971, Chính phủ ban hành Quyết định số 169-CP về một số chính sách với đồng bào vùng bị lũ lụt. Theo đó, Chính phủ quyết định trợ cấp cho bà con lương thực, thuốc men, vải, chất đốt, vật liệu để lợp nhà.
Đối với khôi phục sản xuất nông nghiệp, văn bản cho biết, Nhà nước sẽ cấp giống, phân bón, cho vay không lấy lãi để mua trâu, bò, khôi phục chuồng trại, chăn nuôi, trợ cấp lương thực để làm thức ăn cho gia súc…
Các cơ quan: Ủy ban Nông nghiệp trung ương, các ngành thương nghiệp, y tế, lương thực thực phẩm phải có kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện. Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính các tỉnh chịu trách nhiệm trước Ban Bí thư và Hội đồng Chính phủ về việc triển khai quyết định này.
Bên cạnh việc giải quyết khó khăn trong đời sống của nhân dân vùng bị lũ lụt, Chính phủ còn ra Quyết định số 267-TTg về công tác giáo dục trong việc khắc phục hậu quả lũ lụt tháng 8 gây ra.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu phải tổ chức ngay việc khai trường một cách trọng thể và nghiêm túc đối với những vùng lũ lụt, sau khi nước rút. Nhà nước ưu tiên lấy vật liệu lợp nhà cho các trường học, miễn phí học kỳ I năm học 1971-1972, phát không số sách giáo khoa đã bị mất. Giao Bộ Văn hóa và Bộ Giáo dục in thêm số sách giáo khoa đã bị mất và hư hại trong trận lụt.
Ngoài ra, nhằm khắc phụ hậu quả do trận lụt tháng 8/1971 gây ra, Chính phủ còn ra một loạt văn bản (quyết sách) quan trọng khác như: Huy động lực lượng để khắc phục hậu quả, nhanh chóng khôi phục sản xuất; Nghiêm cấm tự động phá hủy các công trình để tháo lũ, thoát nước; tu bổ đê điều và công trình thủy lợi; Thống kê thiệt hại; Bảo vệ tài sản của Nhà nước, hợp tác xã và nhân dân; Kiểm tra và xử lý tài sản bị tổn thất do lũ gây ra…
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.
Những hình ảnh về trận đại hồng thủy ở miền Bắc năm 1971
Những bức ảnh về trận Đại hồng thủy này đang lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III. Hơn 50 năm đã trôi qua nhưng không ít người vẫn còn nhớ và nhắc lại nó mỗi khi bước vào mùa mưa lũ.
Lũ lụt từng là nỗi ám ảnh của những người làm cầu đường
Theo tác giả Frederic Hulot trong tác phẩm "Đường sắt ở Đông Dương và Vân Nam", lũ lụt, sạt lở là những thử thách lớn trong quá trình xây dựng mạng lưới đường sắt.
Các vua Nguyễn giải quyết ngập lụt ở đồng bằng Bắc Bộ ra sao?
Là vùng đất thấp được bồi đắp bởi phù sa sông Hồng, đồng bằng Bắc Bộ xưa hay xảy ra lụt lội. Để trị thủy khu vực này, các vua Nguyễn đều quan tâm đến việc đắp, tu bổ đê điều.