Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đấu tranh quyền lực, Eximbank đang kéo dài sự bất an

Đại hội cổ đồng thường niên 2016 lần 2 Eximbank lại không được tổ chức thành công. Tình trạng này kéo dài từ năm này qua năm khác đã làm cho cả HĐQT và cổ đông nối dài sự bất an.

Cảnh tượng cổ đông vây kín bàn chủ tòa đoàn khiến đại hội cổ đồng (ĐHCĐ) thường niên lần thứ 2 năm 2016 của ngân hàng Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) lại một lần nữa đổ vỡ. Đây không phải lần đầu tiên diễn ra những xung đột giữa nhiều nhóm cổ đông cùng với việc phân phối quyền lực trong thành viên hội đồng quản trị (HĐQT). Nhiệm vụ của ngân hàng là duy trì tốt hoạt động kinh doanh thì việc loay hoay với nhân sự cấp cao đang đưa ngân hàng này lún sâu vào bi kịch.

Nồi da xáo thịt

Sự bất an đến ngay từ phút đầu tiên, khi cổ đông còn chưa thể tìm được chỗ ngồi. Cảnh tượng cổ đông náo loạn, chạy lên bao vây bàn chủ tọa để phản đối, vì cho rằng đại hội tiến hành không đúng quy chế, số liệu kiểm phiếu cũng không minh bạch.

Lần đầu đầu tiên người ta chứng kiến, 5 người trong ban chủ tọa đã yên vị trên sân khấu, nhưng cổ đông liên tục phản ứng đòi xuống. Và sự việc chỉ lắng xuống khi HĐQT ngân hàng phải mời 2 vị rời khỏi bàn chủ tọa.

dai hoi co dong eximbank anh 1
Cổ đông vây kín bàn chủ tọa đoàn trong ĐHCĐ năm 2016 của Eximbank. Ảnh: V.Dũng

Năm 2015, Eximbank cũng 2 lần tổ chức ĐHCĐ, trong đó lần tháng 12/2015 là bất thường để giải quyết việc của ĐHCĐ trước đó chưa làm được, là bầu ra HĐQT. Tuy nhiên, khi đã tìm ra HĐQT thì bất cập lớn nhất của Eximbank chính là sự mất cân bằng về tỷ lệ nhóm cổ đông tham gia vào bộ máy này.

Cụ thể, tại đại hội bất thường đó, nhóm cổ đông có vốn lớn đã bị gạt ra ngoài, trong khi một nhóm cổ đông doanh nghiệp lại tham gia vào HĐQT. Tình hình cơ cấu tổ chức trong ĐHCĐ đang mắc kẹt vào một tình huống “dở khóc dở cười”. Người điều hành không có quyền quyết định, trong khi người quyết định lại không có quyền điều hành. Đây là lý do khiến mỗi lần tổ chức ĐHCĐ là một lần “vỡ trận”, và kéo dài đến lần đại hội gần nhất của năm 2016.

Rất nhiều cổ đông, chuyên gia nói rằng, quan trọng nhất hiện nay không phải là HĐQT có bao nhiêu người, mà là có đủ đại diện của những nhóm nắm nhiều cổ phiếu mà pháp luật cho phép họ có quyền tham gia công tác quản trị. Và quyền quyết định ai là người vào HĐQT để lèo lái Eximbank đi lên không thuộc về HĐQT hiện nay hay nhóm cổ đông nào, mà thuộc về mọi cổ đông đã góp vốn vào ngân hàng. Tuy nhiên, hoàn cảnh “nồi da xáo thịt” như hiện nay thì đường hướng giải quyết vẫn còn bỏ ngỏ.

Nghị quyết của ĐHCĐ vẫn chưa thể thông qua, đồng nghĩa với cơ hội đang dần trôi qua với Eximbank. Những khó khăn trong hoạt động kinh doanh vẫn treo lơ lửng trên đầu. Cổ đông của ngân hàng này đang chịu thiệt hại khi bỏ vốn nhưng không được chia cổ tức. Trong khi đó, nỗi bất an trong tiến trình tái cơ cấu ngân hàng lại ngày một lộ rõ, khi nội bộ hình thành phe phái đối lập tự kéo lùi mình trong đà phát triển.

Hiểm họa từ những kế hoạch còn bỏ ngỏ

Câu chuyện đấu tranh quyền lực đã được đẩy lên cao trào khiến nhiều cổ đông không còn để ý đến những kế hoạch kinh doanh, phương hướng giải quyết nợ xấu. Nhiều chuyên gia cho rằng, càng kéo dài tình trạng này, cơ hội của Eximbank càng mất đi. Cổ đông không thể bàng quan khi con số lợi nhuận hàng năm của Eximbank sụt giảm quá khủng khiếp qua các năm. Từ 3.000 tỷ đồng năm 2011 còn hơn 2.000 tỷ năm 2012, tiếp tục giảm xuống 658,7 tỷ năm 2013, và chỉ vẻn vẹn 57 tỷ đồng năm 2014.

Trước đó, theo lãnh đạo Eximbank, ngân hàng sa sút mạnh lợi nhuận do mức lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh vàng, ngoại hối và từ chứng khoán đầu tư. Cùng với đó là việc trích lập dự phòng 20% trên tổng số nợ đã bán cho VAMC, nên lợi nhuận hợp nhất cuối năm của Eximbank đạt thấp.

Theo giải trình của HĐQT, hiện tại Eximbank đã xử lý hơn 2.800 tỷ đồng nợ xấu, trong đó hơn 2.200 tỷ đồng là nợ đã bán cho VAMC. Đến 30/9/2015, Eximbank đã bán 6.800 tỷ đồng cho VAMC. Đến nay, ngân hàng còn 5.600 tỷ đồng nợ xấu chờ bán cho VAMC.

Từ đầu năm đến nay, tổng nợ xấu đã thu hồi khoảng 950 tỷ đồng, trong đó gần 300 tỷ đồng nợ xấu bán cho VAMC. HĐQT sẽ tiếp tục xử lý rủi ro, giải quyết hàng loạt yêu cầu xử lý nợ của khách hàng.

Theo phương án khắc phục sau thanh tra được HĐQT Eximbank trình ra ĐHCĐ thường niên 2016, Eximbank sẽ thực hiện một số việc, như làm văn bản gửi cơ quan thuế xin được hướng dẫn và khấu trừ số thuế đã nộp vào số thuế phải nộp của các năm sau, cũng như bù đắp từ lợi nhuận sau thuế hàng năm sau khi trích lập các quỹ theo quy định,….

Ngoài ra, trong lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 720 tỷ đồng trong năm 2016 của Eximbank, lợi nhuận sau thuế dự kiến 580 tỷ đồng sẽ được dùng để tiếp tục khắc phục nợ lũy kế. Theo đó, số nợ lũy kế 817 tỷ đồng tính đến cuối năm 2015 dự kiến sẽ được xử lý hết trong năm 2016. Động thái này sẽ giúp đưa cổ phiếu Eximbank ra khỏi diện cảnh báo.

Tuy vậy, những kế hoạch vực dậy Eximbank dường như cũng chỉ làm đối phó, khi mà các nhóm cổ đông vẫn đang “nổi loạn” với việc đấu tranh quyền lực. Rõ ràng, tại Eximbank đang công khai diễn ra cuộc đấu tranh quyền lực. Còn vấn đề đến bao giờ ngân hàng sẽ vực dậy, trở lại quỹ đạo dẫn đầu trong top các ngân hàng thương mại cổ phần chưa phải là điều mà các cổ đông quan tâm.

Theo một chuyên gia kinh tế, tình trạng này càng kéo dài càng nguy hiểm. Bởi những gì đang diễn ra ở Eximbank không còn là việc riêng của ngân hàng hay nhóm cổ đông nào mà liên quan đến nền kinh tế. Bởi tái cơ cấu ngân hàng và tái cơ cấu nền kinh tế là hai việc phải làm quyết liệt, để đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững.


Bình Nguyên

Bạn có thể quan tâm