Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cổ đông Eximbank náo loạn ngay giờ khai mạc Đại hội cổ đông

Sau lần tổ chức bất thành ngày 29/4, sáng nay ĐHCĐ lần 2 của Eximbank (EIB) nóng ngay giờ khai mạc, vì cổ đông không đồng ý thông qua đoàn chủ tọa chủ trì đại hội.

Ngay giờ khai mạc đại hội cổ đông (ĐHCĐ), một nhóm cổ đông nhỏ không đồng ý thông qua quy chế đại hội, vì cho rằng tỷ lệ biểu quyết có sự không chính xác và thiếu minh bạch. Đồng thời họ cũng không đồng ý với số lượng thành viên chủ tọa đoàn (tăng hai người so với số lượng ban đầu lên 5 thành viên).

Câu chuyện bắt đầu nóng lên khi nhóm cổ đông nhỏ không còn đủ bình tĩnh, họ đứng dậy khỏi chỗ ngồi và tiến tới bàn chủ tọa phản ánh trực tiếp. Tình hình trở nên gay cấn, Hội đồng quản trị (HĐQT) phải sử dụng lực lượng bảo vệ để giữ gì trật tự.

Đến 9h, mọi chuyện tạm thời lắng xuống khi HĐQT rút bớt hai thành viên chủ tọa đoàn và tiến hành bầu lại ban kiểm phiếu có sự tham gia của cổ đông.

Co dong nao loan dai hoi Eximbank anh 1
Cổ đông kéo lên bàn chủ tọa phản đối, HĐQT phải sử dụng lực lượng bảo vệ để ổn định trật tự. Ảnh: V.Dũng

Các cổ đông bức xúc cho rằng, họ phản đối việc có 5 người trong ban chủ tọa đại hội, vì quy chế chỉ 3 người. Lãnh đạo EIB giải thích, để giúp chủ tọa đoàn làm việc nên Chủ tịch HĐQT Lê Minh Quốc có mời thêm 1 thành viên HĐQT và 1 thành viên BKS. Tuy nhiên trước sự phản đối của cổ đông, 2 ông Naoki Nishizawa - thành viên HĐQT và ông Trần Văn Quyết - Trưởng BKS đã buộc phải rời khỏi bàn chủ tọa.

Cổ đông còn yêu cầu cần có đại diện của KPMG hoặc ngân hàng nhà nước, cổ đông bất kỳ tự ứng cử tham gia ban kiểm phiếu, tránh trường hợp kết quả kiểm phiếu không rõ ràng.

 Khi mọi việc lắng xuống, chương trình Đại hội tiến hành biểu quyết để thông qua thì vấp phải sự phản đối khá gay gắt từ một số nhóm cổ đông khác, tương ứng tỷ lệ không đồng ý quy chế đại hội là 28,03%. Họ thể hiện sự bức xúc đối với kết quả kiểm phiếu, khi thấy bảng kiểm soát hiển thị ngay lập tức tỷ lệ đồng ý thông qua quy chế đại hội đạt 71,97% mà không hề có động thái quét mã vạch. Sau khi nhóm cổ đông này phản ứng dữ dội, HĐQT mới cho thực hiện việc quét mã vạch thì số phiếu không đồng ý tăng lên đến 50,2%.

Đến hơn 10h, ĐHCĐ lần 2 của Eximbank vẫn loay hoay thông qua việc bỏ phiếu bầu các vị trí chủ tọa, ban kiểm phiếu, chưa thể tiến hành như lịch trình.

Một trong những cổ đông sáng lập thể hiện sự thất vọng khi chưa bao giờ thấy Đại hội EIB lộn xộn như vậy. Ông yêu cầu các nhóm cổ đông phản đối trên tinh thần tôn trọng Đại hội, không nên làm ảnh hưởng thời gian của nhiều cổ đông lớn khác.

Co dong nao loan dai hoi Eximbank anh 2
Câu chuyện phân chia quyền lực khiến khó khăn bao vay Eximbank từ 2015 đến nay. Ảnh: EIB

Gần 1 tháng trước, ngày vào 29/4, ĐHĐCĐ thường niên 2016 của Eximbank lần thứ nhất đã không thể diễn ra, do không đủ tỷ lệ cổ đông tham dự. Đặc biệt là việc mặc dù các cổ đông lớn có mặt nhưng lại không được đăng ký tham dự. 

Câu chuyện phân chia quyền lực từ ĐHCĐ bất thường năm 2015 vẫn tiếp tục được kéo dài. Cụ thể là việc hai nhóm cổ đông lớn muốn đề cử hai ứng viên bầu bổ sung cho HĐQT Eximbank, là bà Nguyễn Thị Xuân Loan - nguyên là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Nam Á (NamABank) và ông Phạm Hữu Phương - nguyên Trưởng VPĐD NHNN tại TP HCM (ông Phương về làm Trưởng VPĐD – NHNN tại TP HCM từ năm 2004), đại diện 2 nhóm cổ đông nắm giữ 22,2% cổ phần. Tuy nhiên, việc bầu bổ sung này lại không nhận được sự đồng thuận của HĐQT hiện tại.

Eximbank hiện có 9 thành viên HĐQT, trong đó chỉ có 3 thành viên đại diện nhóm cổ đông nắm giữ cổ phiếu, gồm ông Naoki Nishizawa, Yasuhiro Saitoh (Nhật Bản), Ngô Thanh Tùng (không tính ông Cao Xuân Ninh đã từ nhiệm) và bà Ngô Thu Thúy. Các thành viên còn lại đều không nắm giữ cổ phần.

Các cổ đông cũng không đồng tình việc HĐQT Eximbank thuê 2 cố vấn là bà Ngô Thu Thúy, ông Đặng Phước Dừa trong thời điểm chưa tìm được sự đồng thuận của các cổ đông lớn.

Năm 2015, Eximbank đạt tổng tài sản 124.850 tỷ đồng, giảm 22% so với cuối năm 2014 (chủ yếu do giảm 81% nguồn vốn huy động trên thị trường liên ngân hàng). Huy động vốn của Eximbank cũng giảm 3% xuống 98.431 tỷ đồng và tổng dư nợ cấp tín dụng giảm 1,8% xuống 96.188 tỷ đồng. Nợ xấu đến cuối 2015 của Eximbank là 1.575 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,86% trên tổng dư nợ.

Mặt khác, lãi từ hoạt động kinh doanh năm qua đạt 1.495 tỷ đồng nhưng Eximbank đã dành ra 1.434 tỷ đồng để trích lập dự phòng. Theo đó, lãi sau thuế hợp nhất chỉ còn 61 tỷ, giảm 83% so với năm trước, tương đương 6% kế hoạch năm. Lãi sau thuế của ngân hàng đạt 40 tỷ đồng, giảm gần 30%. Tính đến 31/12/2015, Eximbank vẫn còn lỗ lũy kế hơn 817 tỷ đồng. Với yêu cầu cần giữ lợi nhuận còn lại cho đến khi hết lỗ lũy kế, ngân hàng sẽ không chia cổ tức 2015.


Bình Nguyên

Bạn có thể quan tâm