Lo nhất có lẽ là những cổ đông của Eximbank (Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu). Chưa đầy ba năm trở lại, họ liên tiếp đón nhận những tin không vui: sụt giảm tổng tài sản, cho vay, huy động vốn, lợi nhuận nợ xấu tăng…
Tại sao Eximbank từ một ngân hàng có khả năng gây ảnh hưởng lớn đến thị trường tiền tệ trong nước lại trở nên yếu đuối đến mức bị đánh bật khỏi tốp các ông lớn ngân hàng Việt?.
Nỗi buồn lớn mang tên nhân sự
Câu chuyện sa sút ở Eximbank khiến nhiều người bất ngờ. Trong vài năm trở lại đây, Eximbank luôn nằm trong tâm điểm của thị trường. Mỗi động tĩnh của Eximbank đều được thị trường và cổ đông hồi hộp dõi theo.
Việc Eximbank liên tục “lỡ hẹn” tổ chức đại hội đồng cổ đông khiến cổ đông không khỏi lo lắng. Theo kế hoạch, đại hội cổ đông Eximbank sẽ được tổ chức vào tháng 4/2015, nhưng bị dời lại đến cuối tháng 6, rồi khất lại cuối tháng 7. Tháng 7 qua đi và xuất hiện thông tin rằng, đại hội sẽ được tổ chức vào tháng 10. Tháng 10 lẳng lặng trôi và sự kiện được nhiều người mong chờ và theo dõi sát sao ấy được diễn ra vào tháng 12 trong không khí… vô cùng căng thẳng.
Eximbank đang trên đà sa sút với hàng loạt dấu trừ về chỉ số kinh doanh. |
Trong đại hội cổ đông bất thường tháng 12/2015, lần đầu tiên người ta chứng kiến sự bức xúc đến như vậy của cổ đông Eximbank.
Đa số cổ đông đều trong tậm trạng gay gắt trước tình hình “bết bát” của ngân hàng. Khi con số lợi nhuận sau thuế năm trước chỉ 56 tỷ đồng được công bố, không ít cổ đông bàng hoàng. Hàng trăm cổ đông đứng bật dậy chất vấn nguyên nhân lợi nhuận sụt giảm, nợ xấu vì sao tăng… Thậm chí cả các vấn đề được coi là nhạy cảm, như tiền chi trả thù lao hội đồng quản trị, tiền thuê tư vấn, năng lực điều hành cũng được cổ đông thẳng thắn đòi giải đáp.
Nhiều người có mặt tại đại hội hôm đó cho hay, trước đây các đại hội cổ đông thường niên Eximbank thường khá bình lặng, dù vài năm trở lại việc kinh doanh của ngân hàng có sa sút, song cổ đông hầu như chỉ bức xúc chuyện chia cổ tức chứ ít khi có biểu hiện mãnh liệt.
Dường như những lời hứa hẹn về tăng trưởng của lãnh đạo Eximbank đã khiến cổ đông thất vọng, khi con số lợi nhuận hàng năm của Eximbank sụt giảm quá khủng khiếp qua các năm: Từ 3.000 tỷ đồng năm 2011 còn hơn 2.000 tỷ năm 2012, tiếp tục giảm xuống 658,7 tỷ năm 2013 và chỉ vẻn vẹn 57 tỷ đồng năm 2014.
Trước đó, theo lãnh đạo Eximbank, ngân hàng sa sút mạnh lợi nhuận do mức lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh vàng, ngoại hối và từ chứng khoán đầu tư. Cùng với đó, việc trích lập dự phòng 20% trên tổng số nợ đã bán cho VAMC nên lợi nhuận hợp nhất cuối năm của Eximbank đạt thấp. Song dường như các cổ đông vẫn chưa thấy hài lòng. Của đau con xót, có lẽ chính những con số có đôi phần “tàn nhẫn” đó đã khiến đa số cổ đông không nén nổi cảm xúc và bật thành những câu chất vấn chát chúa.
Khi những “điểm nóng” về kinh doanh được đem ra mổ xẻ, trách nhiệm đương nhiên bị quy về những người điều hành. Kết quả, danh sách HĐQT và BKS nhiệm kỳ mới chỉ được thông qua với tỷ lệ trúng cử chưa đến 70%.
Bức tranh u ám của kỳ đại hội năm trước dường như phủ bóng lên đại hội năm nay. Theo kế hoạch, ngày 29/4 vừa qua, Eximbank tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2016. Tuy nhiên, đến phút cuối, đại hội bất thànhm do tổng số cổ đông dự họp thấp hơn tỷ lệ 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Theo ông Ngô Thanh Tùng, thành viên HĐQT Eximbank, hai nhóm cổ đông lớn trên 10% đã không làm thủ tục đăng ký dự họp. Lý do cho việc này có thể do đề xuất bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị của hai nhóm cổ đông này đã không được chấp nhận.
Trước đó, tờ trình chuẩn bị đại hội cho biết: Hôm 14/3, nhóm cổ đông do bà Nguyễn Thị Xuân Loan đại diện 11,82% cổ phần, và hôm 28/3, nhóm cổ đông do ông Phạm Hữu Phương đại diện 10,42% cổ phần, đã gửi thư yêu cầu bầu bổ sung hai người này vào HĐQT. Yêu cầu này sau đó đã không được HĐQT Eximbank chấp thuận, do “chưa phải thời điểm thích hợp để bầu thành viên mới”.
Những dấu trừ đáng suy ngẫm
Những biến động về nhân sự của Eximbank những năm gần đây có thể là nguyên nhân đẩy tới những sa sút về kinh doanh. Nhìn vào bức tranh tài chính của Eximbank trong 2015, người ta rất dễ thấy những dấu trừ.
Dấu trừ đầu tiên là sự sụt giảm tổng tài sản. Hiện, tổng tài sản Eximbank đạt 124.850 tỷ đồng, giảm 22% so với cuối năm 2014 và hoàn thành 69% kế hoạch. Theo Eximbank, tổng tài sản giảm chủ yếu từ nguồn vốn huy động trên thị trường liên ngân hàng giảm 81% so với năm 2014.
Một trong những khó khăn nữa của Eximbank là ngân hàng này đang đối mặt với việc hồi tố bán bất động sản cho Eximland và cho Eximland vay. Về phương án khắc phục, Eximbank cho biết, sẽ trình cổ đông thông qua phương án hạch toán hồi tố đúng theo nguyên tắc kế toán.
Theo Eximbank, số tiền phải điều chỉnh tại ngày 31/12/2014 là 948,57 tỷ đồng, bao gồm 831,83 tỷ đồng thu nhập đã hạch toán từ năm 2010 đến năm 2013. Khoản thu nhập này đã được phân phối như sau: Nộp thuế 207,92 tỷ đồng, trích quỹ dự trữ bồ sung vốn và quỹ dự phòng tài chính 91,55 tỷ đồng, trích quỹ khen thưởng và phúc lợi 45,54 tỷ đồng, chia cổ tức 486,82 tỷ đồng, phần còn lại là các khoản chi phí liên quan.
Dấu trừ kế tiếp là lợi nhuận. Lợi nhuận trước dự phòng của ngân hàng này đạt 1.495 tỷ đồng nhưng sau khi trích lập, con số lợi nhuận trước thuế chỉ còn 61 tỷ đồng, hoàn thành 6% kế hoạch năm. Với mức lợi nhuận như trên, việc lãnh đạo Eximbank đề xuất không chia cổ tức cho năm này là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Thêm dấu trừ mà không mấy cổ đông hài lòng là sụt giảm huy động vốn và dư nợ cho vay. Theo số liệu của Eximbank, trong 2015, huy động vốn đạt 98.431 tỷ đồng, giảm 3% và hoàn thành 78% kế hoạch. Dư nợ cho vay đạt 84.760 tỷ đồng, giảm 3% và hoàn thành 84% kế hoạch. Nợ xấu giảm từ 2,46% cuối năm 2014 về mức 1,86% tại thời điểm cuối năm 2015.
Từng có tên trong top ngân hàng cổ phần mạnh, được coi là định chế tài chính có khả năng tác động tới thị trường, nắm trong tay nhiều hào quang, song hoạt động kinh doanh đi xuống mạnh trong các năm qua đã khiến Eximbank trở nên có phần yếu đuối...