Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại học ở Mỹ

Rất nhiều sinh viên từ các nơi đổ xô đến Mỹ để hưởng nền giáo dục hàng đầu trên thế giới. Trong số 20 triệu sinh viên theo học tại các đại học Mỹ năm 2020, có gần 1 triệu sinh viên ngoại quốc.

Đại học ở Mỹ là một trong những “giá trị Mỹ” được thế giới yêu chuộng. Nguồn: linkedin.

Nhớ hồi làm bên DC, cô bạn email nhờ tìm cho một trường bên Mỹ cho con du học với đầu bài trường nổi tiếng, học phí thấp, chất lượng cao, an ninh tốt, ít tội phạm, tốt nghiệp ra dễ xin việc luôn bên đó, đầu bài dễ không.

Thời xưa (1960-1975), bác Bửu (Tạ Quang Bửu - Bộ trưởng Bộ Đại học) đặt đâu sinh viên vào trường đó. Bảo học toán là học toán dù giỏi sinh, giỏi hóa, giỏi văn vào toán tin học cũng nhắm mắt theo lao, không có sự lựa chọn nào hết. Yêu đương cũng vậy, tìm được người là cưới vội, ít khi nghĩ đến tìm một đối tượng khác để so sánh xem sao, mình và họ có hợp không, nhỡ có rắc rối về giới tính thì sao.

Thời nay khác hẳn. Bọn trẻ yêu đương loạn xị, hàng chục mối tình vắt vai trước khi lập gia đình. Chọn trường cũng dễ hơn, Internet khắp nơi, Google ra hết. Thế mà không hiểu sao, các bậc cha mẹ xứ Việt mình cứ thay con tìm tương lai hộ chúng. Con cái thường bị bố mẹ, người thân giật dây, định hướng theo đúng kiểu từ trên xuống, tới trường làm bài theo mẫu, đồng phục, không được ý kiến. Ra đời mới bỡ ngỡ, chẳng biết lựa chọn thế nào cho đúng.

Từng đưa con tới trường Harvard sờ giầy của ông trong khuôn viên với bao mong ước nhưng trước thực tại không như trong mộng, đau đầu kinh. Anh Luck mê bóng đá tới mức khi tìm trường đại học (2019) chỉ chọn trường nào người ta cho chơi trong đội bóng đá và chọn môn body movement (kiểu bác sĩ thể thao) vì liên quan đến bóng đá. Tháng 10-2018 mình sang đó chơi và mục đích là góp ý để con đi đúng hướng.

Phải hai tuần mới dám hỏi con định chọn trường nào. Nghe nói “body movement” xong mình ok luôn (vì trừng mắt lên quát không đi tới đâu), chỉ dám hỏi, con chọn ngành này và trường này rất tốt vì con thích, con giỏi (Sinh vật luôn học trên một lớp), nhưng nhỡ trường không thích thì sao, họ đủ chỗ và con không được thì nghỉ ở nhà làm gì? Anh Luck nghĩ mãi và chỉ nói “I don’t know… Đằng này không biết” kiểu mặc kệ cho đời trôi.

Mình mới giở chiêu gợi ý, theo bố, con nên chọn thêm vài trường nữa, vài ngành nữa, những ngành mà con thích, con có khả năng, và con chơi được bóng đá… Ví dụ chọn ra 5 ngành, 5 trường, bố đi chơi New Mexico 1 tuần với giáo sư Trần Cao Sơn, rồi về mình nói chuyện.

Một tuần về cũng im ro, chả thấy địa phương báo cáo. Mình đành muối mặt hỏi, tình hình chọn trường thế nào. Lại I don’t know. Cuối cùng mình bảo, bố biết con cực giỏi toán, chuyên học vượt lớp, con nên theo ngành nào mà cần toán giỏi, như IT, thống kê, data processing – xử lý số liệu, big data.

Mình chỉ cho xem những ngành hot nhất nước Mỹ liên quan đến big data. Có job, có tiền con làm gì cũng ok, kể cả chơi bóng đá. Rồi mình liệt kê những ngành hay hay như là gợi ý cho đảng Dân chủ đi đúng hướng hơn là đảng Cộng hòa chỉ lối, nhỡ sai thì bỏ mẹ.

Trước khi về nước, mình có email cho con về tình hình chọn trường, ngành, vài nguyên tắc cơ bản như chọn ngành mình thích, có khả năng, và loại trừ dần những ngành xem chừng chưa nghĩ kỹ. Và quan trọng những gì con chọn hôm nay sẽ ảnh hưởng suốt phần đời còn lại, và bố biết, con trai thông minh sẽ ra những quyết định thông minh.

Chả hiểu sao, sau vài tuần về Việt Nam, nhắn tin hỏi thì cậu chọn IT, lại giống bố. Mẹ cháu hỏi anh nói thế nào mà con chọn IT. Không khuyên gì, chỉ nói về cái được và cái không được, khả năng và yêu thích, tâm sự như người bạn nên con nghe chăng?

Giờ thì anh Luck (Giang Công Minh) học xong năm thứ 4 ở Tennessee, có vẻ vui khi đã lựa chọn đúng, có ngành anh giỏi và thích, có trong đội bóng của trường, được giảm 50% học phí, rất chịu khó luyện tập thể hình để húc tây.

Đại học ở Mỹ là một trong những “giá trị Mỹ” được thế giới yêu chuộng dù giá trị đó cũng tùy tiểu bang, tùy trường và tùy cách mà người ta quảng cáo. Các tổ chức xếp hạng đại học các nơi như THE (Times Higher Education) ở Anh, The Shanghai Rankings ở Trung Quốc, Universitas 21 ở Úc... đều cho Mỹ đứng hàng đầu.

Yếu tố nào đã khiến đại học Mỹ được thán phục và theo đuổi? Các yếu tố đã khiến đại học Mỹ chiếm giải khôi nguyên là các giải thưởng danh giá như Nobel & Fields (Mỹ chiếm 400 giải trong tổng số 860, còn tất cả các quốc gia châu Âu cộng lại được gần 400), các công trình nghiên cứu được học giả dẫn chứng, và các tỷ lệ trên so với ban giảng huấn tại trường (ban giảng huấn trường A có 10 giáo sư nhưng được 3 giải Nobel hay 30 lần dẫn chứng có giá trị hơn trường B cũng có 3 giải Nobel và 30 dẫn chứng nhưng trong trường có đến 100 giáo sư).

Rất nhiều sinh viên từ các nơi đổ xô đến Mỹ để hưởng nền giáo dục hàng đầu trên thế giới. Trong số 20 triệu sinh viên theo học tại các đại học Mỹ năm 2020, có gần 1 triệu sinh viên ngoại quốc. Trong số này sinh viên Trung Quốc và Ấn Độ chiếm gần nửa, và Việt Nam đứng hạng 6 với gần 20 nghìn sinh viên.

Hiệu Minh / NXB Phụ nữ Việt Nam

SÁCH HAY