Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại học Mỹ nhận sai trong vụ nữ sinh Đổng Chí Phàm bị sát hại

Tài liệu do Đại học Utah công bố cho thấy trường đã không hành động kịp thời đáng lẽ có thể ngăn chặn vụ nữ sinh Trung Quốc bị sát hại bằng ma túy.

Chỉ vài tháng sau khi nhập học Đại học Utah, Đổng Chí Phàm, nữ sinh 19 tuổi, cầu cứu về tình trạng của bản thân. Cô báo với nhân viên phụ trách nhà ở tại bộ phận ký túc xá của trường về bạn trai cũ tên Vương Hạo Vũ, người sống cùng tòa nhà. Cả Chí Phàm và Hạo Vũ là sinh viên đến từ Trung Quốc.

Hôm 12/1, bạn trai cũ tấn công Chí Phàm tại một nhà trọ ở thành phố Salt Lake. Khi trò chuyện với người phụ trách của trường hôm 14/1, Chí Phàm nói bạn trai cũ có ý tưởng tự sát, cô đã không nghe tin gì từ Hạo Vũ sau khi bạn trai cũ bị bắt vì vụ tấn công ở nhà trọ.

Khoảng một tháng sau khi báo cảnh sát bắt giữ bạn trai cũ, thi thể Chí Phàm được tìm thấy bên trong một nhà trọ, theo New York Times.

Đại học Utah phản ứng chậm

Trong tài liệu được công bố tuần qua, Đại học Utah thừa nhận đã không xử lý thỏa đáng các dấu hiệu cảnh báo dẫn đến cái chết của Chí Phàm. Các tài liệu bao gồm tin nhắn, thư điện tử, báo cáo nội bộ cho thấy nhân viên bộ phận ký túc xá của trường chậm trễ báo cảnh sát mối đe dọa Chí Phàm gặp phải.

Tuy nhiên, các tài liệu không làm sáng tỏ chuyện gì đã thực sự xảy ra trong những tuần cuối cùng trước khi sinh viên Trung Quốc tử vong. Thời gian này, Chí Phàm không đến lớp, nữ sinh biến mất khỏi phòng ký túc xá.

Tất cả dấu vết của Chí Phàm khoảng thời gian này là một vài tin nhắn mơ hồ gửi từ điện thoại của cô. Qua tin nhắn, nữ sinh từ chối sự giúp đỡ của trường, chỉ nói rằng cô cần "nghỉ ngơi".

Đến 11/2, cảnh sát tìm thấy thi thể Chí Phàm bên cạnh bạn trai cũ Hạo Vũ trong một phòng trọ ở thành phố Salt Lake. Khi đó, Hạo Vũ vẫn còn sống.

Trước đó, qua thư điện tử, Hạo Vũ nói với một nhân viên bộ phận nhà ở của Đại học Utah rằng mình đã giết Chí Phàm bằng cách tiêm ma túy vào cơ thể nữ sinh. Tháng 3 vừa qua, Hạo Vũ bị khởi tố tội giết người.

Theo Salt Lake Tribune, tòa án yêu cầu Đại học Utah cung cấp báo cáo của cảnh sát mà trường thuê liên quan tới Chí Phàm sau khi nữ sinh mất tích, hạn chót là 28/7. Nhưng thay vì cung cấp báo cáo của cảnh sát, Đại học Utah tung ra hơn 100 trang tài liệu khác.

nu sinh trung quoc bi giet hai anh 1

Nữ sinh Đổng Chí Phàm. Ảnh: New York Times.

Các tài liệu này cho thấy sau khi được thông báo về vụ tấn công hồi tháng 1, bộ phận nhà ở của trường mất hơn 3 tuần mới yêu cầu sự tham gia của cảnh sát trường học. Trường cũng không liên hệ được với Chí Phàm mãi tới ngày 6/2.

Trong khoảng thời gian đó, nhân viên của trường chỉ tới phòng của Hạo Vũ một lần hôm 24/1. Nam sinh nói có lịch hẹn với giáo sư và không cần thêm trợ giúp gì khác, tài liệu của Đại học Utah cho thấy.

Vài ngày sau, nhân viên trường gọi một sinh viên khác cũng tên Vương Hạo Vũ mà không nhận ra họ đang liên lạc nhầm người. Hệ quả là nhân viên này không báo cáo việc bạn trai cũ của Chí Phàm mất tích khỏi trường, dù Hạo Vũ đã 7 ngày không dùng thẻ ra vào tòa nhà ký túc xá.

"Tôi đã yêu cầu lãnh đạo trường rà soát mọi thứ nhằm nâng cao hơn nữa an toàn trường học", Chủ tịch Đại học Utah Taylor Randall nói.

Tuần cuối của nạn nhân

Cha mẹ của nữ sinh Trung Quốc, bà Thẩm Tuấn Phương và ông Đổng Minh Sinh, hôm 22/7 nói họ đã tin tưởng giao an toàn của con gái vào tay Đại học Utah, niềm tin của họ cuối cùng bị phản bội.

"Họ biết Chí Phàm gặp nguy hiểm nhưng không bảo vệ khi con gái tôi cần họ nhất. Chúng tôi không muốn cái chết của con gái bị lãng quên", cha mẹ của nạn nhân nói.

Hôm 6/2, bạn cùng phòng của Chí Phàm cho biết cô rất lo lắng khi đã không gặp Chí Phàm hơn một tuần. Ngày hôm sau, nhân viên Đại học Utah xác định Chí Phàm đã không sử dụng thẻ ra vào tòa nhà kể từ 28/1.

Đến 8/2, các bộ phận chức năng của Đại học Utah mới nhóm họp, sau đó gửi thông báo mất tích tới cảnh sát. Đó là lần đầu tiên sở cảnh sát phụ trách Đại học Utah nhận được báo cáo về vụ tấn công nữ sinh Trung Quốc tại phòng trọ hôm 12/1.

Ngay ngày hôm đó, cảnh sát đã trò chuyện qua video với Chí Phàm. Nữ sinh cho cảnh sát xem căn phòng nơi mình đang ở nhưng không tiết lộ địa chỉ, cũng như từ chối gặp cảnh sát.

nu sinh trung quoc bi giet hai anh 2

Đổng Chí Phàm và cha mẹ. Ảnh: New York Times.

Thông qua biện pháp kỹ thuật, cảnh sát kiểm tra 7 khách sạn ở trung tâm thành phố Salt Lake nhưng không xác định được vị trí của Chí Phàm. Sau đó, nữ sinh đồng ý gặp nhân viên của Đại học Utah ngày 11/2.

Ngày 10/2, nhân viên bộ phận nhà ở trò chuyện qua điện thoại với Hạo Vũ. Nam sinh nói cảm thấy bị xúc phạm vì cái mác "bạo lực gia đình" sau khi bị bắt hồi tháng 1. Sau vụ việc hôm 12/1, nhà chức trách Mỹ đã ra lệnh bảo vệ tạm thời cho Chí Phàm, nhưng Đại học Utah không nhận được thông báo.

Trong thư điện tử rạng sáng ngày 11/2 gửi tới nhân viện bộ phận nhà ở Đại học Utah, Hạo Vũ cho biết đã dùng ma túy giết chết Chí Phàm. Cảnh sát lập tức tìm tới phòng trọ mà Hạo Vũ đứng tên thuê từ 3/2, tại đây họ tìm thấy thi thể của Chí Phàm.

Năm 2018, Đại học Utah từng thừa nhận không xử lý thỏa đáng khi nhận được cảnh báo từ một sinh viên tên Lauren McCluskey. Sau đó, McCluskey bị bắn chết bởi một người đàn ông mà nữ sinh này từng hẹn hò.

Cha mẹ của McCluskey cáo buộc nhân viên Đại học Utah không có phản ứng phù hợp sau khi con gái họ đã yêu cầu hỗ trợ. Năm 2020, hai bên đạt được thỏa thuận ngoài tòa trị giá 13,5 triệu USD.

Lúc này, cha mẹ Chí Phàm đã thuê công ty luật từng đại diện gia đình McCluskey.

Brian Stewart, luật sư đại diện cha mẹ nữ sinh Trung Quốc, nói Đại học Utah "đã không có hành động cần thiết để ngăn vụ giết hại Chí Phàm dù nhiều lần nhận được thông tin về đe dọa thực sự mà cô phải đối mặt".

"Đặc biệt sau khi tuyên bố họ đã nhận được bài học từ cái chết của Lauren McCluskey, việc Đại học Utah tiếp tục lặp lai sai lầm tương tự, gây ra hậu quả bi thảm tương tự, là điều không thể bào chữa", luật sư Stewart chỉ trích.

Đa số nạn nhân trong vụ xả súng ở quận Cam là người gốc Á

Theo các quan chức điều tra vụ xả súng tại nhà thờ ở quận Cam hôm 15/5, đa số nạn nhân trong vụ việc được cho là người gốc Á.

Người phụ nữ gốc Á bị đâm chết tại nhà ở New York

Christina Yuna Lee là người gốc Á mới nhất thiệt mạng trong một loạt vụ tấn công ngẫu nhiên ở New York, trong đó nạn nhân không hề quen biết nghi phạm.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm