Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phát hiện bất ngờ về cái chết của người gốc Á bị sát hại dã man ở Mỹ

Sau khi Dal Keun Lee, người nhập cư từ Hàn Quốc, bị đâm chết một cách dã man tại thành phố Los Angeles, Mỹ, con gái ông lên đường tìm lời giải cho cái chết của cha mình.

Suốt 30 năm qua, Dal Keun Lee hiếm khi nghỉ làm. Trước khi nhập cư vào Mỹ cùng gia đình vào năm 1991, Lee là một kỹ sư điện với chuyên môn trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, vốn tiếng Anh hạn chế đã khiến ông khó tìm được công việc khi đến Mỹ.

Thay vì vậy, giống nhiều người nhập cư khác, ông Lee đã chọn cách khởi nghiệp và tự mình xây dựng một doanh nghiệp kinh doanh lắp đặt điện và giặt là, phần lớn bằng cách lao động từ sáng sớm tới đêm.

Chỉ đến một vài năm gần đây, khi đã ở độ tuổi 70, ông Lee mới giảm cường độ làm việc mỗi ngày và dành thời gian cho con cháu của mình.

"Đó là thứ khó khăn nhất mà tôi phải đối mặt. Cha tôi đã làm việc chăm chỉ. Đáng lẽ đây là thời điểm mà ông được nghỉ ngơi. Khoảng thời gian ông còn lại để ở bên gia đình giờ đã bị ai đó lấy đi mất", cô Cathy Lee, con gái ông Lee cho biết.

Vào trưa ngày 5/5, ông Lee đang ngồi trong ôtô trước cửa tiệm giặt là của mình thì bị một người đàn ông dùng dao đâm vào cổ từ phía sau. Video tại hiện trường cho thấy ông Lee đã sống sót sau khi bị đâm và cố gắng tìm người trợ giúp. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng nên ông đã qua đời tại bệnh viện không lâu sau đó.

Co gai nguoi My goc A di tim loi giai cho cai chet cua cha anh 1

Ông Dal Keun Lee cùng con gái Cathy Lee tại lễ cưới của cô vào năm 2013. Ông Lee bị sát hại bên ngoài cửa hàng giặt là của mình ở phía Nam thành phố Los Angeles vào tháng 5. Ảnh: Los Angeles Times.

Cathy đã rất bàng hoàng khi biết được cách cha cô bị sát hại và không thể tin được điều đó là sự thật.

"Tôi không thể hình dung ra viễn cảnh này", cô Cathy chia sẻ.

Cathy sau đó biết được nghi phạm trong vụ sát hại cha cô được cho là đã từng tấn công một người gốc Á khác chỉ vài ngày trước đó. Cô cũng nhận định rằng cái chết của ông Lee là một phần của làn sóng bạo lực và thù ghét mới đang ngày càng lan rộng tại Los Angles, ảnh hưởng tới cuộc sống của rất nhiều người dân, trong đó có cộng đồng người gốc Á.

Theo Cathy, cái chết của cha cô là trường hợp mới nhất trong số những vụ tấn công ngày càng gia tăng nhằm vào cộng đồng gốc Á. Cô đổ lỗi cho những người lãnh đạo của thành phố, đặc biệt là người đứng đầu Văn phòng Công tố hạt Los Angeles George Gascón vì đã không đảm bảo được sự an toàn của người dân.

"Cha tôi không phải nạn nhân duy nhất của làn sóng bạo lực này", cô Cathy nói.

Giống như những người con khác của người nhập cư có khả năng ngôn ngữ tốt hơn cha mẹ mình, Cathy đã nhiều lần phải làm phiên dịch, hay đối phó với những người muốn lợi dụng cha mẹ cô.

"Tôi luôn là người bảo vệ cho cha từ ngày đầu tiên. Từ khi còn bé, tôi đã nhiều lần phải đóng vai trò luật sư cho cha mình. Trong khi cha tôi biết rằng ông cần một ai đó nói cho mình biết những quyền mà người nhập cư được hưởng để ông không người khác lợi dụng", cô Cathy chia sẻ.

Giờ đây, Cathy sẽ là luật sư cho ông Lee sau khi ông qua đời và cô có rất nhiều câu hỏi cần lời giải đáp.

Một phát hiện bất ngờ

Theo Sở Cảnh sát thành phố Los Angeles (LAPD), cái chết của ông Lee là một trong số 175 vụ án mạng ở thành phố kể từ đầu năm nay, nhiều hơn 2 vụ so với cùng thời điểm năm 2021, năm có số vụ án mạng cao nhất tại Los Angeles trong 15 năm.

Co gai nguoi My goc A di tim loi giai cho cai chet cua cha anh 2

Sau khi tìm kiếm khu vực xung quanh hiện trường, cảnh sát đã tìm thấy video ghi lại hình ảnh nghi phạm đã giết hại ông Lee. Ảnh: Los Angeles Police Department.

Tình trạng bạo lực gia tăng đã trở thành chủ đề nóng bỏng trong cuộc chạy đua cho vị trí thị trưởng tiếp theo của Los Angeles, đồng thời cũng làm rộ lên phong trào đòi bãi nhiệm chức vụ đối với ông Gascón, người bị chỉ trích là quá "nhẹ tay" với tội phạm.

Bên cạnh đó, sự gia tăng số lượng các hành vi thù ghét nhằm vào người gốc Á ở cả Los Angeles và tại nước Mỹ trong những năm gần đây đã khiến cộng đồng người Mỹ gốc Á và gốc Thái Bình Dương cảm thấy lo sợ cho an nguy của bản thân, đồng thời đặt ra những câu hỏi về quy trình điều tra, buộc tội xét xử của những vụ việc trên.

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp Mỹ, số các vụ tấn công có động cơ thù ghét tại bang California đã liên tục tăng trong 3 năm qua. Trong đó các vụ tấn công nhằm vào cộng đồng người Mỹ gốc Á đã tăng 177% trong năm 2021.

Sau khi ông Lee bị tấn công, cảnh sát Los Angeles đã tìm kiếm khu vực xung quanh hiện trường và phát hiện một video có ghi lại hình ảnh của nghi phạm, một người đàn ông mặc áo trùm đầu màu trắng và đeo khẩu trang xanh. Cảnh sát đã đăng tải hình ảnh này vào tháng 5 và nhờ tới sự trợ giúp của công chúng để xác định danh tính của nghi phạm.

Không lâu sau đó, cảnh sát đã nhận được tin báo xác định danh tính của nghi phạm là Keonte Woods, 25 tuổi.

Trả lời phỏng vấn tờ Los Angeles Times, ông Travis Jones, chú của nghi phạm cho biết ông và Woods sống cùng nhau tại một ngôi nhà cách tiệm giặt là của ông Lee khoảng 500 m.

"Woods là một người ít nói và thích ở một mình. Tuy vậy, gần đây, Woods đột nhiên gặp vấn đề về tâm lý", ông Jones nói.

Ông Jones cho biết bà của Woods đã báo cảnh sát sau khi được những người bạn gửi cho bức ảnh mà cảnh sát Los Angeles đăng tải. Bà gọi cảnh sát vì muốn giúp đỡ Woods và xem anh đang gặp phải vấn đề gì.

Vào ngày 12/5, Woods đã bị bắt tại nhà và các công tố viên cáo buộc tội danh giết ông Lee vào ngày 16/5. Sau khi quá trình xét xử bắt đầu, cô Cathy đã tìm đọc tất cả tài liệu của vụ án mà cô được phép tiếp cận, bao gồm bản cáo trạng buộc tội của Woods.

Trong bản cáo trạng, cô phát hiện một chi tiết bất thường khi bên cạnh tội danh giết người, Woods còn bị cáo buộc thêm tội danh tấn công một người khác bằng vũ khí chết người một vài ngày trước khi giết hại ông Lee.

Ban đầu, Cathy nghĩ rằng tòa án đã ghi sai thông tin về vụ án trong bản cáo trạng sau khi hỏi ý kiến một số người bạn là luật sư của cô. Nhưng sự thực không phải như vậy.

Cáo buộc thứ hai liên quan đến một vụ tấn công mà Woods thực hiện khoảng một tuần trước khi sát hại ông Lee. Cả cảnh sát và những công tố viên của vụ án đã không thông báo cho gia đình cô biết về chi tiết này.

Sau cảm giác bất ngờ ban đầu, Cathy ngày càng cảm thấy tức giận khi tìm hiểu thêm về vụ tấn công thứ 2 mà Woods gây ra trong khuôn viên trường Đại học Nam California (USC), nơi cô từng theo học.

Vụ tấn công trong khuôn viên trường đại học

Vào đêm ngày 30/4, một sinh viên ngành toán học 20 tuổi từ thành phố Thượng Hải, Trung Quốc có tên Jamie đang ngồi học ở sân trường thì phát hiện một người đàn ông mặc áo trùm đầu đang lảng vảng ở gần đó.

Co gai nguoi My goc A di tim loi giai cho cai chet cua cha anh 3

Một cuộc biểu tình chống nạn phân biệt đối xử và tấn công thù ghét với người gốc Á tại bang California. Ảnh: Shutterstock.

Jamie cho biết anh thường học ở sân trường do tin tưởng USC và lực lượng an ninh trong trường. Do bên cạnh anh cũng có một sinh viên khác đang ngồi học nên Jamie nghĩ rằng người đàn ông mặc áo trùm đầu có thể là sinh viên hoặc đang đợi bạn.

"Tôi nghĩ rằng anh ta tuy là một người lạ trong trường nhưng không có ý định xấu", Jamie nhớ lại. Anh đã giữ lối suy nghĩ đó ngay cả khi người đàn ông trên biến mất khỏi tầm mắt.

Ngay sau đó, Jamie đột nhiên cảm thấy người đàn ông này chạy nhanh ra phía sau và chuẩn bị đâm một vật sắc nhọn vào cổ anh. Jamie cho biết anh đã dùng tay phải để cản được vật nhọn này và người đàn ông đã chạy đi.

Jamie, bị thương ở bàn tay sau vụ tấn công, nghĩ rằng người đàn ông này muốn giết anh.

Jamie cho biết anh và sinh viên còn lại trong sân trường đã đến đồn cảnh sát trong trường để trình báo về vụ tấn công. Không lâu sau đó, lực lượng an ninh tại USC thông báo đã bắt giữ một nghi phạm. Jamie sau đó đã đi cùng lực lượng an ninh và xác nhận nghi phạm trên, sau đó được xác định là Woods, là người đã tấn công anh.

Jamie mừng là Woods đã bị bắt cùng với một chiếc trâm cài tóc nhọn. Do tính chất nghiêm trọng của vụ tấn công, Jamie đã nghĩ rằng Woods sẽ bị giam giữ cho đến ngày ra tòa. Thay vào đó, Woods đã được trả tự do.

Theo LAPD, lực lượng được cảnh sát trong trường đại học mời tham gia điều tra vụ tấn công, các thám tử đã đệ trình hồ sơ xét xử vụ án với tội danh tấn công bằng một vũ khí chết người đối với Woods lên văn phòng của ông Gascón, nhưng ông này đã từ chối khởi tố vụ án. Thay vào đó, hồ sơ được chuyển xuống văn phòng công tố thành phố Los Angeles với tội danh nhẹ hơn.

Xu hướng hành xử bạo lực

Khi cảnh sát và các công tố viên nhận ra Woods là nghi phạm đã sát hại ông Lee, cuộc điều tra vụ tấn công nhằm vào Jamie đã diễn ra theo một hướng mới.

Thám tử Larry Burcher thuộc LAPD đã nhận ra những điểm giống nhau giữa 2 vụ tấn công và đề nghị các công tố viên gộp 2 cáo trạng làm một khi tiến hành xét xử.

"Việc gộp hai vụ án làm một sẽ làm rõ hơn xu hướng hành xử bạo lực của Woods, giúp tăng sức nặng của những cáo buộc trong quá trình xét xử", ông Burcher giải thích.

Các công tố viên đã đồng ý với đề nghị và liên lạc với văn phòng luật sư thành phố vào hôm 16/5 để yêu cầu trả lại hồ sơ vụ tấn công tại USC. Hồ sơ của cả hai vụ án được gộp làm một và được đệ trình lên tòa án vào cùng ngày hôm đó.

Trong một tuyên bố gửi đến tờ Los Angeles Times, văn phòng của ông Gascón đã gọi vụ sát hại ông Lee là một hành động "tàn bạo" và cam kết sẽ buộc Woods đối diện với hậu quả.

Cơ quan này cũng cho biết vụ tấn công tại USC ban đầu không được coi là trọng tội là do Jamie chỉ bị thương nhẹ và vũ khí duy nhất trên người Woods khi bị bắt là một cái trâm cài tóc.

Các công tố viên cho biết họ dùng những tiêu chí tương tự trong quá khứ để quyết định vụ tấn công nào là nghiêm trọng. Những người này cho biết nếu như tác động của Woods là đủ để gây ra những chấn thương nghiêm trọng hoặc sử dụng vũ khí nguy hiểm thì đây sẽ là tội nghiêm trọng. Vào thời điểm đó, các công tố viên không thể xác định được liệu trâm cài tóc có phải là vũ khí chết người.

Trong khi những chi tiết về vụ tấn công đối với anh Jamie không thay đổi sau khi ông Lee bị sát hại, các công tố viên coi vụ tấn công thứ 2 là bằng chứng cho thấy đối tượng Woods có xu hướng hành xử bạo lực khiến cho mức độ nghiêm trọng của vụ án đầu tiên tăng lên mức trọng tội.

Tuy cảnh sát không tìm thấy bằng chứng cho thấy các vụ tấn công có động cơ thù ghét với người gốc á, Văn phòng Công tố hạt Los Angeles cho biết đang xem xét khả năng đây là những vụ án mang tính phân biệt chủng tộc.

"Giống như cộng đồng người Mỹ gốc Á, chúng tôi cũng tỏ ra lo ngại đối với xu hướng tấn công dường như nhắm vào người gốc châu Á của nghi phạm Woods", Văn phòng Công tố hạt Los Angeles cho biết.

Ông Jones cho biết mình không biết về vụ tấn công đầu tiên tại USC của Woods. Ông đã bày tỏ sự tiếc nuối khi cháu mình không nhận được sự giúp đỡ tâm lý sau khi bị bắt lần đầu tiên.

Theo ông Jones, Woods sau khi tốt nghiệp trung học đã đi học đại học nhưng đã bỏ học giữa chừng. Ông Jones cho biết Woods gần đây thường đi ngủ và ra đường vào những thời gian bất thường. Ông Jones cảm nhận được một điều gì đó kỳ lạ ở Woods.

"Không phải một vụ cướp"

Jamie cho biết anh chỉ biết việc Woods được thả và ông Lee bị sát hại sau khi được Cathy liên hệ trên mạng và gặp trực tiếp.

Sau khi biết về vụ sát hại ông Lee, anh Jamie càng cảm thấy nhận định ban đầu về ý đồ của Woods là chính xác.

"Nghi phạm, anh ta không hỏi tội gì và cũng không nói gì. Đây không phải một vụ cướp và giống như một loại thù ghét", anh Jamie nói.

Cathy nói rằng vụ tấn công nhằm vào Jamie đáng nhẽ phải được xem trọng hơn. Theo cô, việc Jamie là một sinh viên quốc tế từ Trung Quốc không được pháp luật coi trọng là lý do duy nhất khiến cho vụ tấn công bị bỏ qua.

Theo Cathy, việc Woods chỉ bị phạt nhẹ cho hành vi của mình đã khiến đối tượng này càng tự tin tìm kiếm một nạn nhân người châu Á khác.

Cathy tin rằng cái chết của cha cô bên ngoài cửa tiệm giặt là của ông ở phía Nam Los Angeles có thể được ngăn chặn. Cô tin rằng hệ thống tư pháp và hình sự cần được cải cách. Đặc biệt sau khi George Floyd bị giết hại vào năm 2020. Cô tin rằng hệ thống tư pháp vẫn tồn tại sự phân biệt đối với người da màu và da nâu.

Co gai nguoi My goc A di tim loi giai cho cai chet cua cha anh 4

Cathy tin rằng cái chết của cha cô bên ngoài cửa tiệm giặt là của ông ở phía Nam Los Angeles có thể được ngăn chặn. Ảnh: Los Angeles Times.

Cathy cũng không biết liệu những người đứng đầu Văn phòng Công tố trước Gascón sẽ có cách xử lý khác đối với vụ án này. Tuy nhiên, cô đổ lỗi cho Gascón vì đã để cho người giết cha cô được tự do và tham gia vào phong trào đòi bãi nhiệm chức vụ của ông này.

Trong những ngày gần đây, Cathy luôn nghĩ hành trình của gia đình cô từ vùng nông thôn thuộc tỉnh Chungcheongbuk của Hàn Quốc cho tới thành phố Bucheon, nơi cô lớn lên và cuối cùng là thành phố Los Angeles. Cô cũng nghĩ về lời hứa của ông Lee về một cuộc sống tốt đẹp hơn cho Cathy và anh trai của cô, điều mà cô nói rằng ông Lee xem trọng hơn tất cả mọi thứ.

Cô nghĩ về việc ông đáng ra có thể dành thời gian cho gia đình và tận hưởng những thành quả công việc của mình.

"Cha đáng lẽ ra nên ở cạnh chúng tôi vào lúc này, dành thời gian với chúng tôi và với các cháu của ông. Ăn những món mà ông yêu thích và đi chơi golf với bạn bè. Nhưng chỉ trong một khoảnh khắc, ông đã ra đi mãi mãi. Còn chúng tôi không cuộc sống của mình giờ sẽ đi về đâu", điếu văn của cô Cathy trong đám tang ông Lee có viết.

Người phụ nữ gốc Á bị đạp lên đầu giữa phố ở New York Người đàn ông giẫm đạp người phụ nữ châu Á (65 tuổi) ngã xuống vỉa hè ở New York, Mỹ. Các nhân viên chứng kiến sự việc đã bị đình chỉ công tác vì không giúp đỡ nạn nhân.

Bị đập đá vào đầu, cụ bà gốc Á tử nạn ở New York

GuiYing Ma, một phụ nữ gốc Á từng bị người đàn ông dùng đá tấn công liên tiếp vào đầu ở New York, Mỹ vào năm ngoái, đã qua đời, gia đình bà cho biết.

Người đàn ông gốc Á bị đấm chết giữa phố ở Mỹ

Một người đàn ông gốc Á đã thiệt mạng vì bị tấn công bất ngờ trên đường phố Philadelphia, Mỹ khi anh đang giúp nhân viên nhà hàng xử lý một vụ tai nạn xe cộ nhỏ.

An Bình

Theo Los Angeles Times

Bạn có thể quan tâm