Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người phụ nữ gốc Á bị đâm chết tại nhà ở New York

Christina Yuna Lee là người gốc Á mới nhất thiệt mạng trong một loạt vụ tấn công ngẫu nhiên ở New York, trong đó nạn nhân không hề quen biết nghi phạm.

Cảnh sát New York cho biết Christina Yuna Lee, 35 tuổi, gốc Á đã bị một người đàn ông đâm chết ngay trong căn hộ của cô tại Lower Manhattan vào sáng sớm 13/2.

Đoạn video giám sát cho thấy cô Lee bị người đàn ông bám đuôi tới tận căn hộ trên phố Chrystie ở khu phố Hoa.

Người này theo dõi, bám lấy cửa do cô Lee mở và vào trong. Trong video, cô Lee bước vào tiền sảnh của tòa nhà chỉ vài phút trước 4h30 và đi dọc hành lang. Sau đó, cô Lee rơi vào điểm khuất của camera khi người đàn ông - được cảnh sát xác định là Assamad Nash, 25 tuổi - bám ngay phía sau cô.

Những người hàng xóm đã gọi điện cho cảnh sát một thời gian ngắn sau đó vì tiếng ồn. Khi cảnh sát đến tòa nhà, cửa căn hộ của cô Lee bị khóa, và Nash chặn ở bên trong.

Khi nhân viên của Đơn vị Dịch vụ Khẩn cấp đến và phá cửa, các quan chức cảnh sát cho biết cô Lee được tìm thấy đã chết trong bồn tắm. Nash cố gắng trốn thoát qua cửa sổ phía sau nhưng bị bắt lại. Nash bị thương và được đưa đến bệnh viện Bellevue.

Cái chết của cô Lee là vụ việc mới nhất tấn công vào người gốc Á một cách ngẫu nhiên ở thành phố New York. Trong số này, nhiều người tấn công bị mắc bệnh tâm thần mức độ nặng, theo New York Times.

Không quen biết nghi phạm

Cô Lee tốt nghiệp Đại học Rutgers và làm việc với tư cách là nhà sản xuất sáng tạo cấp cao tại Splice - nền tảng trực tuyến dành cho âm nhạc kỹ thuật số. Cô cũng từng làm việc trong những chiến dịch quảng bá hình ảnh và video cho các thương hiệu như Marriott International và Equinox.

Theo hồ sơ của tòa án, Nash có tiền sử bị bắt vì tội nhẹ, trong đó có một vụ việc xảy ra hồi tháng 9/2021. Tại nhà ga Grand Street, gần tòa nhà nơi xảy ra vụ giết người, một người đàn ông 62 tuổi nói với cảnh sát rằng Nash đã đấm ông sau khi ông quẹt thẻ MetroCard cho một hành khách khác.

Trích xuất camera cho thấy Nash đã bám theo cô Lee vào bên trong tòa nhà. Ảnh: New York Post.
phu nu goc a bi dam chet tai my anh 1
phu nu goc a bi dam chet tai my anh 1

Trích xuất camera cho thấy Nash đã bám theo cô Lee vào bên trong tòa nhà. Ảnh: New York Post.

Mặc dù cảnh sát không gọi vụ việc giết cô Lee là tội ác do thù hận, các cuộc tấn công nhằm vào người Mỹ gốc Á đã gia tăng kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu.

Tháng 12/2021, Sở Cảnh sát New York báo cáo các cuộc tấn công tương tự tăng 361% so với năm trước. Hồi tháng trước, Michelle Alyssa Go, một phụ nữ Mỹ gốc Á 40 tuổi, đã bị đẩy vào trước mũi tàu điện ngầm và tử vong ngay tại chỗ.

Tuần trước, Jarrod Powell - 50 tuổi - bị buộc tội giết người cấp độ hai và nhận cáo buộc phạm tội do thù hận sau cái chết của Yao Pan Ma. Ông Yao là người nhập cư Trung Quốc, 61 tuổi, tử vong vào ngày 31/12/2021 sau bị tấn công ở East Harlem hồi tháng 4/2021.

Các quan chức cho biết có vẻ như cô Lee không biết người tấn công mình là ai hoặc có bất kỳ liên hệ nào với anh này trước khi Nash bám đuôi cô về nhà.

"Kịch bản ác mộng tồi tệ nhất"

Do tuyết rơi vào chiều 13/2, cảnh sát đã canh gác tòa nhà, chỉ cho phép cư dân và người làm nhiệm vụ vào trong. Cửa hàng tạp hóa nhỏ quảng cáo thuốc lá và nước ngọt bằng tiếng Trung Quốc ngay dưới cũng đóng cửa.

Andrew Oaks - 30 tuổi, sống trong tòa nhà - cho biết anh bị tỉnh giấc lúc 4h30 khi nghe thấy những tiếng la hét “giống như trong phim”. Anh nói thêm mình “không nghĩ gì thêm về điều đó”, cho đến khi có tiếng đập cửa và cảnh sát bắt đầu thẩm vấn cư dân vào cuối buổi sáng.

Một trong số những người hàng xóm sống cùng tầng 6 với cô Lee, người đã gọi 911, kể lại lời kêu cứu tuyệt vọng của nạn nhân.

“Cô ấy kêu cứu, la hét để tìm sự giúp đỡ. Tôi bừng tỉnh vì tiếng động đó. Thật là kinh khủng", New York Post dẫn lời người hàng xóm 21 tuổi. "'Giúp tôi! Hãy gọi 911' - đó chính xác là những gì cô ấy lặp đi lặp lại".

Trên mạng xã hội chiều 13/2, Thị trưởng thành phố New York Eric Adams gọi vụ giết người là “kinh hoàng”, nhấn mạnh “chúng ta cần ở cạnh bên cộng đồng châu Á ngày hôm nay”.

Ông Adams cho biết trong tuyên bố chính thức ngay sau đó: “Trong khi nghi phạm thực hiện hành vi tàn ác này đang bị giam giữ, những gì anh ấy trải qua vẫn còn đó ngoài kia. Nhiệm vụ của chính quyền rất rõ ràng: Chúng tôi sẽ không để tình trạng bạo lực này diễn ra một cách không thể kiểm soát”.

Nghị sĩ Yuh-Line Niou, người đại diện cho khu vực, gọi các chi tiết của vụ tấn công là "kịch bản ác mộng tồi tệ nhất”. “Cô ấy vẫn đang la hét và chiến đấu để giành lấy sự sống của mình, và họ đã không thể tiếp cận cô ấy trong gần 1h30”, cô Niou nói.

Cô cho biết cảm xúc của mình đã “cạn” sau khi cô cùng cộng đồng người Mỹ gốc Á chứng kiến và tham gia hàng loạt cuộc biểu tình trong những tuần gần đây. Chỉ mới 2 ngày trước, một nhà ngoại giao Hàn Quốc đã bị hành hung.

Nash đã bị bắt ít nhất bốn lần vào năm 2021 vì các tội ở mức nhẹ, bao gồm hành hung và quấy rối. Ba vụ trong số này vẫn chưa được giải quyết.

Cảnh sát đã trả tự do cho Nash cùng với giấy trình diện trong một vụ tấn công và một vụ bắt giữ trước đó liên quan đến việc bán thẻ giao thông bất hợp pháp. Vào lần bắt giữ ngày 13/10/2021 về tội hành hung, thẩm phán đã thả Nash mà không cần phí bảo lãnh.

Vào ngày 8/1, Nash bị bắt một lần nữa và nhận tội phá hoại. Theo đơn tố cáo hình sự, anh đã vô hiệu hóa một số máy bán thẻ tự động của MetroCard trong hơn một tháng.

Theo hồ sơ, một thẩm phán đồng ý thả Nash nhưng phải nhận sự giám sát của cảnh sát 3 lần/tháng, trong đó có 2 lần gặp trực tiếp và một lần qua điện thoại.

'Tôi phải lên tiếng, vì họ đối xử với người gốc Á ngày càng tệ hơn'
00:00
/
Có lỗi xảy ra!.
Error code: 4
Video sẽ chạy sau3
'Tôi phải lên tiếng, vì họ đối xử với người gốc Á ngày càng tệ hơn' Theo thống kê của Stop AAPI Hate, từ 19/3/2020 đến 28/2/2021, đã có hơn 3.795 vụ việc có yếu tố thù hận chống lại cộng đồng người Mỹ gốc Á và người dân các đảo Thái Bình Dương.
Bài liên quan

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm