Chiều 20/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), UBND tỉnh Lạng Sơn cùng với Tham tán Thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đã có cuộc trao đổi xung quanh tình trạng ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu chính ở Lạng Sơn như Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma... kéo dài khoảng nửa tháng qua.
Phòng chống dịch tốt mới có thể thông quan
Ông Hồ Tỏa Cẩm, Tham tán thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, cho biết Trung Quốc cũng đang tìm giải pháp tháo gỡ ùn tắc ở cửa khẩu. Việc ùn tắc hàng hóa dịp Tết hàng năm vẫn có nhưng do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn.
Vị này cũng thông tin do dịch Covid-19, 2 bên khó gặp gỡ trao đổi và tiến tới ký kết Nghị định thư để xuất khẩu nhiều loại hoa quả chính ngạch hơn. Ông Cẩm đề nghị Bộ NNPTNT Việt Nam nghiên cứu làm việc trực tuyến với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để thúc đẩy nội dung này.
Về phía Bộ NNPTNT, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết sau khi có thông tin về việc ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, Bộ đã cử đoàn công tác, phối hợp với UBND tỉnh và các đơn vị chức năng tại các cửa khẩu trên địa bàn khẩn trương nắm bắt tình hình cũng như làm rõ các nguyên nhân, từ đó khẩn trương có các giải pháp phối hợp với các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố.
Trung Quốc ngày càng thắt chặt việc kiểm soát dịch bệnh tại cửa khẩu. Ảnh: Thạch Thảo. |
Bộ NNPTNT khuyến cáo các doanh nghiệp cần phối hợp chặt với cơ quan chức năng, nhất là cơ quan chức năng Việt Nam tại cửa khẩu các địa phương có đường biên giới như Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh…
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, một trong những nguyên nhân chính gây ùn tắc hàng tại cửa khẩu là trong lúc phía Trung Quốc ngày càng thắt chặt việc kiểm soát dịch bệnh thì một số tài xế chưa thực hiện tốt việc phòng dịch, nhất là quy định “5K”.
Bộ NNPTNT đã thống nhất định kỳ 6 tháng sẽ làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để thúc đẩy xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản giữa hai nước, đồng thời giải quyết khó khăn, vướng mắc xảy ra ở cửa khẩu.
“Chúng tôi đánh giá rất cao sự phối hợp của các cơ quan chức năng phía bên kia cửa khẩu trong việc tạo điều kiện để thông quan hàng hóa 2 nước. Rất mong doanh nghiệp kinh doanh nông sản cố gắng thực hiện đúng các quy định đã được 2 bên thông báo và thực hiện biện pháp “5K” bảo đảm phòng chống dịch”, Thứ trưởng Nam nhấn mạnh.
Nên có kế hoạch tiêu thụ và xuất khẩu nông sản từ đầu năm
Tại cuộc họp, ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, cho biết đến ngày 20/12, có 4.598 xe container vận chuyển hàng đang tập kết tại các cửa khẩu trên địa bàn của tỉnh để chờ thông quan sang Trung Quốc.
Hiện nay, chỉ còn duy nhất cửa khẩu Hữu Nghị còn thông quan, số lượng thông quan ở mức khoảng 100 xe mỗi ngày, bằng khoảng một phần năm so với công suất trước đây.
“Việc ách tắc hơn 4.000 xe tương đương với khoảng gần 9.000 người đang lưu trú trên địa bàn tỉnh tạo áp lực rất lớn về việc bố trí sinh hoạt cho lái xe và người đi cùng, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự và đặc biệt là công tác phòng, chống dịch… Nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ lái xe nội địa vào địa bàn tỉnh Lạng Sơn rất cao và thực tế đã xảy ra ở nhiều khu vực”, ông Thiệu nói.
Trước tình hình đó, tỉnh Lạng Sơn đã bố trí các khu vực dừng đỗ dành riêng cho phương tiện chờ xuất qua từng khu vực cửa khẩu để chia nhỏ số lượng phương tiện chờ xuất, sau đó điều tiết dần vào khu vực cửa khẩu với số lượng phù hợp; chỉ cho phép 1 lái xe sinh hoạt trên xe để vận hành xe, bảo vệ hàng hóa, người đi cùng phải vào khu sinh hoạt tập trung.
Việc ùn tắc nông sản do Trung Quốc siết biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Thạch Thảo. |
Ông Thiệu đề xuất Bộ NNPTNT nên tổ chức một hội nghị triển khai kế hoạch tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trên phạm vi cả nước ngay từ đầu năm để có những phương án, giải pháp chủ động hơn cũng như những định hướng, khuyến cáo kịp thời cho bà con nông dân, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Cùng với đó, Bộ NNPTNT cần sớm ký kết Nghị định thư với phía Trung Quốc về kiểm dịch thực vật đối với các loại hoa quả để giảm bớt các thủ tục kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu.
Ông Thiệu nhấn mạnh việc cần thiết trước mắt là Bộ NNPTNT sớm trao đổi với cơ quan chức năng của Trung Quốc thống nhất phương pháp khử khuẩn, xét nghiệm và kiểm dịch thực vật, hướng dẫn việc xét nghiệm, khử khuẩn đối với hoa quả, nông sản Việt Nam trước khi xuất khẩu sang Trung Quốc để nhanh chóng thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.