Sau thời gian ngắn ngủi số ca mắc có dấu hiệu đi xuống vào đầu mùa hè, Covid-19 lúc này một lần nữa quay trở lại, với sự lây lan không thể kiểm soát của biến chủng Delta. Chính phủ một loạt quốc gia, từ châu Á tới Tây Âu và Bắc Mỹ, đang phải vật lộn tìm cách ứng phó với làn sóng dịch bệnh mới nhất.
Ca nhiễm tăng đáng kể ở nhiều nước
Quốc gia đông dân thứ 4 thế giới là Indonesia đã vượt Ấn Độ để trở thành tâm dịch nguy hiểm nhất ở châu Á, khi ghi nhận hơn 50.000 ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày.
Trong 3,54 triệu ca mắc Covid-19 ở Indonesia, có đến 1,2 triệu trường hợp được ghi nhận trong vòng 30 ngày qua. Hôm 4/8, Indonesia ghi nhận thêm 35.867 ca mắc mới, trong khi số người tử vong là 1.747. Indonesia là nước châu Á thứ hai có số người chết vì Covid-19 vượt mốc 100.000 trường hợp.
Nếu tình trạng lây nhiễm vẫn tiếp tục lan rộng, các chuyên gia cảnh báo hệ thống y tế của Indonesia sẽ rơi vào thảm họa.
Một số lo sợ tình hình có thể tồi tệ hơn những con số chính thức, bởi Indonesia không tiến hành đủ xét nghiệm cần thiết. Một nghiên cứu cho thấy 10,6 triệu người chỉ riêng ở thủ đô Jakarta có thể đã mắc Covid-19.
Nhân viên một nghĩa trang tại Bogor, Indonesia. Ảnh: Reuters. |
Làn sóng dịch bệnh thứ 3 đang đẩy Thái Lan vào thách thức chưa từng có, khi số ca mắc theo ngày và tử vong liên tục phá kỷ lục.
Hôm 4/8, Bộ Y tế Thái Lan thông báo số ca dương tính với virus trong vòng 24 giờ đạt mốc kỷ lục mới là 20.920 trường hợp. Đây đã là ngày thứ hai liên tiếp số ca mắc Covid-19 tại quốc gia này vượt 20.000.
Trong 24 giờ, Thái Lan cũng có thêm 160 trường hợp tử vong, nâng tổng số người chết vì Covid-19 lên 5.663.
Quốc gia láng giềng của Thái Lan là Myanmar đang bên bờ vực sụp đổ toàn bộ hệ thống y tế. Từ mức 100 ca mới mỗi ngày đầu tháng 6, Myanmar liên tục ghi nhận số ca dương tính virus SARS-CoV-2 ở ngưỡng 5.000 trong tuần qua.
Tới nay, Myanmar đã chính thức ghi nhận 315.000 trường hợp mắc Covid-19 và 10.373 ca tử vong. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế tin rằng tình hình thực tế tồi tệ hơn rất nhiều bởi tình trạng ca bệnh không được khai báo.
Tại Iran, làn sóng dịch bệnh mới đã ập đến. Với 39.357 ca mắc Covid-19 trong 24 giờ, 4/8 đã trở thành ngày có nhiều bệnh nhân mới nhất được ghi nhận từ khi dịch bệnh bùng phát. Đây cũng là ngày thứ 3 liên tiếp số ca mắc Covid-19 phá kỷ lục, nâng tổng số người đã mắc bệnh ở Iran lên hơn 4 triệu.
Số ca mắc Covid-19 hàng ngày ở Ấn Độ đang gia tăng trở lại sau nhiều tuần giảm ổn định, làm dấy lên lo ngại về làn sóng thứ ba.
Hệ số lây nhiễm Covid-19 (số người trung bình bị lây virus từ một ca dương tính) đã tăng trên một, cho thấy căn bệnh này một lần nữa bước vào giai đoạn lây lan mới ở Ấn Độ. Hệ số này vào khoảng 0,7 hồi cuối tháng 5, Financial Times đưa tin vào ngày 4/8.
Với các hạn chế được nới lỏng và hoạt động kinh doanh quay trở lại mức trước đại dịch, số ca mắc mới theo ngày trung bình của Ấn Độ đã tăng 6%, lên 40.460 trường hợp mỗi ngày, từ ngày 26/7 đến ngày 1/8.
Đã tiêm chủng cũng không thể mất cảnh giác
Biến chủng Delta đang cho thấy ngay tại các nước đã đạt tỷ lệ tiêm chủng rất cao, dịch bệnh cũng đang quay trở lại.
Đã hai tuần qua, Pháp liên tiếp chứng kiến số ca mắc Covid-19 trong ngày theo chiều hướng đi lên. Tuần qua, số ca mắc trung bình mỗi ngày ở Pháp là 21.000 trường hợp, theo New York Times. Đáng nói là, Pháp đã tiêm ít nhất một liều vaccine cho 64% dân số.
Diễn biến dịch bệnh tương tự được ghi nhận ở hàng loạt quốc gia Tây Âu khác khi số người dương tính với virus mỗi ngày tuần qua đã tăng gấp nhiều lần so với cuối tháng 6.
Đức ghi nhận 3.659 bệnh nhân mắc Covid-19 trong ngày 4/8, trong khi con số này ngày 4/7 chỉ là 411. Ở Italy, số người mắc Covid-19 mới trong ngày 4/8 là 6.590, tăng gấp 8 lần so với một tháng trước đó. Tỷ lệ tiêm chủng ở Đức và Italy đều là 62%.
Một bệnh nhân được điều trị trong phòng chăm sóc tích cực, bệnh viện St. John's ở California. Ảnh: New York Times. |
Trong khi đó, nước Mỹ đã quay trở lại thời kỳ dịch bệnh đáng lo ngại mới. Trong một tháng qua, số ca mắc Covid-19 trung bình mỗi ngày tại Mỹ là hơn 85.000, vượt qua dữ liệu của mùa hè năm 2020. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 2, khi dịch bệnh đạt đỉnh.
Hiện khoảng 50.000 bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại bệnh viện, tăng gấp đôi chỉ trong 14 ngày.
Tại Trung Quốc, nhà chức trách ngày 5/8 cho biết ghi nhận thêm 94 ca lây nhiễm cộng đồng. Sau thời gian dài dịch bệnh yên ắng, trong hai tuần qua, hơn 500 ca nhiễm biến chủng Delta đã được ghi nhận tại 13 tỉnh và thành phố của Trung Quốc, dù nước này đã tiêm hơn 1,5 tỷ liều vaccine cho người dân.
"Tiêm chủng không đồng nghĩa tuyệt đối an toàn hay được coi là lá bùa hộ mệnh. Các biện pháp phòng ngừa chưa thể được nới lỏng", Qi Jinli, phó giám đốc nhóm công tác ứng phó Covid-19 của Bắc Kinh, cho biết.
Các biện pháp chống dịch mạnh mẽ nhất
Lúc này, các bệnh viện ở Indonesia đã bị đẩy tới ngưỡng giới hạn. Các nghĩa trang liên tục được mở rộng để chôn người chết vì Covid-19.
Các chuyên gia cho biết Indonesia đang phải trả giá vì không sớm áp đặt các biện pháp phong tỏa chặt chẽ, cũng như thiếu đầu tư cho hệ thống truy vết ca bệnh.
Hôm 2/8, chính phủ Indonesia phải kéo dài biện pháp hạn chế ở cấp độ cao nhất ở nhiều khu vực, trong đó có thủ đô Jakarta, đảo Java và Bali thêm một tuần.
Tại Thái Lan, chính phủ đã gia hạn quyết định phong tỏa toàn quốc cho tới cuối tháng 8 để làm chậm sự lây lan của virus. Hiện nay, 29 tỉnh cùng 40% dân số đang bị đặt dưới các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất.
Sân bay Don Muang ở thủ đô Bangkok đã được cải tạo thành bệnh viện dã chiến 1.800 giường bệnh để chăm sóc bệnh nhân Covid-19 triệu chứng nhẹ. Bangkok cũng biến 15 tàu chở khách thành cơ sở cách ly người mắc Covid-19 đang chờ nhập viện.
Sân bay Don Muang biến thành bệnh viện dã chiến. Ảnh: Reuters. |
Làn sóng dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng hiện nay, cùng tốc độ tiêm chủng chậm chạp, càng khiến người dân Thái Lan lo ngại.
Trong khi đó, chính quyền Trung Quốc đã liên tiếp phong tỏa các thành phố phát hiện ca mắc Covid-19 và xét nghiệm diện rộng. Vũ Hán, nơi sinh sống của 12 triệu dân, là thành phố mới nhất phải xét nghiệm toàn dân vì sự xuất hiện của biến chủng Delta.
Nhà chức trách Trung Quốc cũng kêu gọi người dân hủy bỏ các chuyến đi không cần thiết, đồng thời siết chặt kiểm soát người nhập cảnh từ nước ngoài. Nhiều trường học đã yêu cầu học sinh chưa trở lại trường vì lo ngại dịch bệnh bùng phát.
Tại Mỹ, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh đã cập nhật khuyến cáo y tế, theo đó người đã tiêm đủ liều vaccine vẫn cần đeo khẩu trang khi tham dự các sự kiện trong nhà.
Trước nguy cơ từ biến chủng Delta, Mỹ, Đức và Israel đã có kế hoạch tiêm liều vaccine thứ 3 bổ sung cho những người đã tiêm đủ 2 liều. Trước sức ép từ WHO, Washington tuyên bố việc tiêm liều bổ sung là cần thiết, và Mỹ có đủ khả năng vừa phục vụ nhu cầu trong nước, vừa viện trợ vaccine cho các nước nghèo.