Tuần trăng mật của ông Joe Biden với Nhà Trắng đã chính thức khép lại. Hàng loạt vấn đề đang bủa vây Washington, mà nghiêm trọng nhất là làn sóng ca mắc biến chủng Delta tăng mạnh, khiến ông Biden trải qua một tuần lễ tồi tệ nhất từ khi đắc cử.
Tuần lễ thảm họa
Hôm 2/8, Nhà Trắng tuyên bố đã đạt mục tiêu tiêm chủng ít nhất một liều vaccine cho 70% người dân, trễ hẹn gần một tháng so với mục tiêu ban đầu là ngày quốc khánh 4/7.
Thế nhưng, trong bảy ngày qua, nước Mỹ có trung bình 85.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày. Trong khi 3 tuần trước, số ca mắc mỗi ngày là khoảng 23.000.
Chính quyền ông Biden cũng phải đối mặt khuyến cáo không lấy gì làm lạc quan từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC), rằng giờ đây khẩu trang một lần nữa là thứ bắt buộc dành cho các sự kiện trong không gian kín, bất kể đã tiêm vaccine hay chưa.
Tình hình càng tồi tệ hơn khi thống đốc Texas và Florida - hai bang chiếm khoảng 1/3 tổng số ca Covid-19 mới ở Mỹ, quyết chống lệnh đeo khẩu trang của CDC.
Khẩu trang đã quay trở lại Nhà Trắng. Ảnh: Reuters. |
Hôm 1/8, lệnh cấm trục xuất người thuê nhà chưa trả tiền trọ đã hết hạn, điều này đồng nghĩa hàng triệu người có nguy cơ bị đuổi ra lề đường nếu không thể đóng đầy đủ tiền thuê trọ. Và đây là nguồn cơn cho cuộc đổ lỗi lẫn nhau của đảng Dân chủ.
Các thành viên Dân chủ tại Hạ viện, dẫn đầu bởi bà Nancy Pelosi và Nghị sĩ Alexandria Ocasio-Cortez, cho biết họ không có đủ thời gian để giải quyết vấn đề này trước khi lưỡng viện Quốc hội Mỹ tạm nghỉ vào tháng 8. Phe cấp tiến kêu gọi Tổng thống Biden dùng quyền lực hành pháp để gia hạn lệnh cấm trục xuất. Thế nhưng, Nhà Trắng khẳng định Tổng thống Biden không có thẩm quyền này.
Dù Nhà Trắng cuối cùng công bố quyết định kéo dài lệnh cấm trục xuất tới 3/10, những bất đồng và màn đổ lỗi qua lại giữa Nhà Trắng và Hạ viện hé lộ chia rẽ sâu sắc giữa Tổng thống Biden và các thành viên cấp tiến trong đảng Dân chủ.
Tuần qua, số liệu thống kê được công bố cho thấy số trẻ vị thành niên không có người lớn đi kèm vượt biên vào Mỹ đạt mức cao kỷ lục. Và chính sách nhập cư của Tổng thống Biden trở thành mục tiêu công kích của phe bảo thủ.
"Sự gia tăng đột biến so với tháng 6 là điều đáng kinh ngạc, bởi thông thường người vượt biên sẽ ít hơn trong những tháng mùa hè", AP bình luận.
Tất cả phụ thuộc vào Covid-19
Sự kiện hiếm hoi có thể coi là một chiến thắng dành cho Tổng thống Biden là việc hai phe tại Thượng viện đạt được thỏa thuận về dự luật phát triển cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD, vốn là một trong các ưu tiên của Nhà Trắng.
Tuy nhiên, việc Thượng nghị sĩ Lindsey Graham dương tính với Covid-19, và một nhóm thượng nghị sĩ khác trở thành F1, làm trì hoãn thời gian dự luật này được đưa ra bỏ phiếu ở Thượng viện.
Nhưng ngay cả khi dự luật qua được cửa Thượng viện, phe cấp tiến Dân chủ tại Hạ viện đã công khai thể hiện sự không hài lòng về một số nội dung của dự luật.
"Chúc các ông may mắn có thể sống sót được với chênh lệch 3 phiếu tại Hạ viện, đặc biệt sau khi loại bỏ các thành viên da màu khỏi cuộc đàm phán dự luật và gọi đó là 'thành tựu lưỡng đảng'', bà Ocasio-Cortez viết trên Twitter, sau khi Thượng nghị sĩ Kyrsten Sinema tuyên bố sẽ không ủng hộ một dự luật chi tiêu khác trị giá 3.500 tỷ USD mà phe Dân chủ tại Hạ viện đang thúc đẩy.
Hạ nghị sĩ Ocasio-Cortez. Ảnh: AP. |
Để trấn an các thành viên cấp tiến tại Hạ viện về dự luật cơ sở hạ tầng, Tổng thống Biden phải viết trên Twitter rằng thỏa thuận lưỡng đảng sẽ trao thêm cơ hội cho tầng lớp lao động.
Dù rằng một bộ phận lớn công chúng vẫn đang ủng hộ Tổng thống Biden, chủ yếu nhờ cách chính quyền của ông xử lý đại dịch Covid-19, tỷ lệ ủng hộ đang có xu hướng giảm.
Thăm dò hồi tháng 4 của Đại học Monmouth cho thấy 54% người được hỏi ủng hộ ông Biden, số người phản đối là 41%. Tới cuối tháng 7, tỷ lệ ủng hộ giảm rõ rệt xuống 48%, trong khi tỷ lệ phản đối tăng lên 44%.
Như thế, khi mà đại dịch Covid-19 đang quay trở lại, không ai biết tỷ lệ ủng hộ sẽ thay đổi như thế nào trong vài tuần tới.
Giống với phần lớn thời gian 6 tháng đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Biden, mọi thứ giờ đây phụ thuộc vào diễn biến của Covid-19.
Liệu biến chủng Delta có tiếp tục lan rộng trong cộng đồng người chưa tiêm chủng? Liệu số người chết có tăng mạnh? Liệu nước Mỹ có thể tăng tỷ lệ tiêm chủng? Và liệu chính quyền ông Biden có tránh được những bối rối khi khuyến nghị người dân đeo khẩu trang lại?
Câu trả lời cho những vấn đề trên sẽ định đoạt liệu rằng tuần lễ vừa qua chỉ là một chút sẩy chân tạm thời hay là khởi đầu cho một thời kỳ lao dốc của chính quyền Tổng thống Biden.
Ngay lúc này, tình thế của ông Biden không sáng sủa lắm. Thăm dò dư luận hôm 2/8 cho thấy chỉ 40% người Mỹ tin rằng đại dịch Covid-19 sẽ sớm chuyển biến theo hướng lạc quan hơn. Điều đáng nói là con số này từng ở mức 89% vào tháng 6.
"Tất cả bắt nguồn từ tin tức về Covid-19. Và sự thật là khả năng thay đổi diễn biến dịch bệnh hiện nay của Tổng thống Biden là rất hạn chế", Chris Cillizza, chuyên gia phân tích của CNN, bình luận.