Dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nội dung quan trọng được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ sáng 6/1.
Dù đặt nhiều kỳ vọng vào các mục tiêu đặt ra trong dự thảo, các đại biểu Quốc hội có chung băn khoăn về vấn đề nguồn lực thực hiện, nhất là trong bối cảnh kinh tế đang gặp nhiều khó khăn như hiện tại.
Cần lựa chọn kịch bản tăng trưởng cao
Góp ý về dự thảo này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá đây là vấn đề khó. Với một quy hoạch có tầm nhìn đặt ra rất dài trong một thế giới luôn biến động, theo Chủ tịch nước, cần lưu ý đến yếu tố khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Phát triển đô thị trong trung tâm và hệ thống đô thị phát triển bền vững là xu hướng của thế giới, cũng phù hợp với với nghị quyết của Đảng.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc
“Nếu chúng ta chậm, không cập nhật hàng tháng thì sẽ lạc hậu. Đây là vấn đề rất lớn và là yếu tố quyết định cho sự phát triển”, Chủ tịch nước lo nếu không có nguồn nhân lực tốt thì không thể nào thực hiện được quy hoạch.
Nhìn nhận chung về dự thảo quy hoạch, Chủ tịch nước ví von: “Dù còn mặt này mặt khác, coi như xương sống, xương sườn đã có, bây giờ Chính phủ cần ban hành nghị định để hướng dẫn cụ thể trong quá trình thực hiện”.
Liên quan đến một số mục tiêu cụ thể được đề ra trong quy hoạch, theo Chủ tịch nước, cần phải chọn phương án tăng trưởng cao. Trước đó, Chính phủ đưa ra hai kịch bản tăng trưởng theo hai mức cao - thấp. Với kịch bản thấp, mục tiêu GDP bình quân đạt 7% giai đoạn 2021-2030 và GDP bình quân đầu người khoảng 7.500 USD.
Ở kịch bản cao, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,5-7,5% một năm vào giai đoạn sau 2030, đến 2050. Cùng đó, thu nhập bình quân đầu người đến 2050 đạt 27.000-32.000 USD.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu về dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại phiên họp tổ sáng 6/1. Ảnh: Việt Linh. |
Theo Chủ tịch nước, chỉ có tăng trưởng nhanh chóng mới có thể mở rộng quy mô nền kinh tế, đạt mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước có thu nhập cao; củng cố thế và lực của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế. Ngoài ra, phải có những hành lang mới, đậm nét hơn, trong đó có hành lang kinh tế Đông - Tây.
Với riêng TP.HCM, Chủ tịch nước đề nghị địa phương tập trung nguồn lực, sức lực, trí tuệ để xây dựng nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, vì TP.HCM là vùng trọng điểm của đất nước, phải khai thác được những cái mới.
“Phát triển đô thị trong trung tâm và hệ thống đô thị phát triển bền vững là những xu hướng của thế giới, điều này cũng phù hợp với với nghị quyết của Đảng ta về vấn đề phát triển đô thị, trong đó những đô thị lõi, đô thị trung tâm như TP.HCM, Hà Nội”, Chủ tịch nước nói.
Cũng nói về kịch bản tăng trưởng, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) băn khoăn về tính khả thi của mục tiêu đề ra trong kịch bản tăng trưởng cao. Theo ông, vượt qua bẫy thu nhập trung bình đã khó, việc đề ra mục tiêu như vậy là cả một thách thức.
“Tôi rất băn khoăn về mục tiêu, tầm nhìn này. Mục tiêu thu nhập bình quân đầu người tới 2050 tối đa 32.000 USD là mục tiêu khá khó khăn cho năm 2050”, ông Hùng nhận định.
Phải tính tới nguồn lực của Việt Nam
Tại tổ TP.HCM, đại biểu Trần Hoàng Ngân lo ngại khi quy hoạch giai đoạn 2030-2050 có thể gặp tình trạng “treo”, nên xây dựng quy hoạch cần có tầm nhìn. Với những dự án đưa vào quy hoạch nhưng chưa thực hiện ngay cần đảm bảo quyền lợi người dân.
Chúng ta học tập kinh nghiệm các nước, khi thực hiện, vẽ ra đồ án thì phải đặt trong bối cảnh nguồn lực của Việt Nam.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân
“Đang là quy hoạch và ý tưởng, mà khu nhà dân đã được quy hoạch thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi người dân nên cần phải có tầm nhìn và phân đoạn, thông báo cho người dân để tránh họ phải lo lắng sẽ dính quy hoạch”, ông Ngân nói.
Điều quan trọng hơn, theo ông Ngân, quy hoạch cần đảm bảo tính khả thi, có cơ chế và làm rõ nguồn lực thực hiện quy hoạch. “Mặc dù chúng ta học tập kinh nghiệm các nước, khi thực hiện, vẽ ra đồ án thì phải đặt trong bối cảnh nguồn lực của Việt Nam. “Đừng vẽ như New York hay Paris rồi không thực hiện được”, vị đại biểu lưu ý.
Với vấn đề thể chế để thực hiện quy hoạch, ông Ngân cho rằng do nguồn lực đầu tư công có hạn nên thay vì đầu tư dàn trải trước đây, cần phải chuyển hướng đầu tư trọng điểm. Gắn với đó, thể chế phải khai thác được nguồn lực trong dân, gắn với đẩy mạnh hợp tác công tư, huy động nguồn lực này trong xã hội…
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân. Ảnh: Việt Linh. |
Nhắc tới việc sân vận động Mỹ Đình xuống cấp, ông cho rằng nếu áp dụng đầu tư hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực này sẽ hiệu quả hơn. Tuy vậy, cơ chế hiện nay chưa cho phép đầu tư PPP trong lĩnh vực thể thao văn hóa, nên đề nghị cần áp dụng cơ chế này để khai thác nguồn lực hiệu quả hơn.
Chung quan điểm về hướng tập trung đầu tư thay vì dàn trải, đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) cho rằng quy hoạch phải có độ linh hoạt vì cứng quá rất khó làm.
Nguồn lực ở đâu để thực hiện quy hoạch, theo ông, cũng là vấn đề quan trọng khi Nhà nước rất khó đủ nguồn lực tài chính để thực hiện, mà có thể sẽ phải huy động thêm nguồn lực bên ngoài.
Ông góp ý nên xác định những vùng trọng điểm để thúc đẩy phát triển và kéo theo sự phát triển ở những nơi khác thay vì “dàn đều” cho tất cả địa phương, dù phương án này có thể khiến “nơi vui, nơi buồn”. “Cần phải nhấn một vài chỗ mạnh, còn chỗ khác chấp nhận chậm một bước, nhưng sau đó tiến nhanh, sẽ hiệu quả hơn là dàn trải như hiện tại”, ông Phương nói.
Những cuốn sách hay về xã hội
Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.