Thông tin trên được Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề cập khi trình bày tờ trình về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, sáng 5/1.
Ghi nhận những kết quả đã đạt được trong công tác quy hoạch, song báo cáo Chính phủ đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém khi không gian phát triển bị chia cắt theo địa giới hành chính, liên kết vùng còn bất cập, đầu tư dàn trải, chưa hình thành khung kết cấu hạ tầng, đô thị phân bổ chưa hợp lý, ô nhiễm môi trường…
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nguyên nhân của những hạn chế này do tư duy phát triển còn dàn trải, thiếu trọng tâm; thiếu quy hoạch mang tính tổng thể quốc gia, chưa dành nguồn lực thích đáng để đầu tư hình thành khung kết cấu hạ tầng quốc gia…
Do vậy, quy hoạch tổng thể quốc gia lần này đưa ra quan điểm về tổ chức không gian phát triển hiệu quả, có trọng điểm, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, hạ tầng đồng bộ, hiện đại…
Thu nhập bình quân đầu người đạt 7.500 USD vào 2030
Bộ trưởng KH&ĐT cho biết mục tiêu đến giai đoạn 2021-2030, GDP bình quân đạt 7%; đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD. Giai đoạn 2031-2050, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7,5%/năm, GDP bình quân đầu người khoảng 27.000-32.000 USD vào 2050.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Phạm Thắng. |
Theo tờ trình, trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay, Chính phủ lựa chọn một số địa bàn có điều kiện thuận lợi nhất để hình thành các vùng động lực quốc gia, bao gồm: Vùng động lực phía bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh); vùng động lực phía nam (TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu); vùng động lực miền Trung (khu vực ven biển Thừa Thiên - Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi) và vùng động lực Đồng bằng sông Cửu Long với các cực tăng trưởng tương ứng của mỗi vùng là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ.
Đến 2023, Chính phủ ưu tiên phát triển các hành lang kinh tế Bắc - Nam và 2 hành lang kinh tế Đông - Tây là Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Mộc Bài - TP.HCM - Vũng Tàu.
Trong dài hạn, Chính phủ từng bước hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc - Nam phía tây qua địa bàn Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và 6 hành lang kinh tế Đông - Tây, bao gồm: Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội; Cầu Treo - Vũng Áng; Lao Bảo - Đông Hà - Đà Nẵng; Bờ Y - Pleiku - Quy Nhơn; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Hà Tiên - Rạch Giá - Cà Mau.
Về định hướng phát triển với các ngành, lĩnh vực, Chính phủ tập trung phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên công nghệ cao, công nghệ số, công nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn; mở rộng không gian phát triển công nghiệp về khu vực phía tây của đường cao tốc Bắc - Nam phía đông, vùng trung du.
Với ngành dịch vụ, sẽ xây dựng các trung tâm thương mại, tài chính... mang tầm khu vực và thế giới; xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung gắn với phát triển các trung tâm công nghiệp chế biến; tăng tỷ trọng thủy sản, trái cây, giảm tỷ trọng lúa gạo, nông nghiệp hữu cơ…
Đối với các ngành hạ tầng kỹ thuật, Bộ trưởng Dũng cho biết Chính phủ sẽ tập trung nguồn lực phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng để hỗ trợ hình thành các hành lang kinh tế và sớm hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tại các vùng động lực.
Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ xây dựng đường bộ cao tốc kết nối với các trung tâm kinh tế lớn, gắn với các vùng động lực, các hành lang kinh tế; nâng cấp, xây dựng các cảng biển, cảng hàng không cửa ngõ quốc tế; đẩy nhanh xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam…
Làm rõ nguồn lực để thực hiện quy hoạch
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, có ý kiến trong cơ quan thẩm tra cho rằng để bảo đảm tính khả thi của quy hoạch, cần tránh việc xây dựng kịch bản tốc độ tăng trưởng cao vượt quá khả năng đáp ứng nguồn lực đầu tư.
Theo đề nghị của Ủy ban Kinh tế, Chính phủ cần làm rõ nguồn lực để đảm bảo tính khả thi khi thực hiện quy hoạch tổng thể quốc gia.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Phạm Thắng. |
Riêng định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội, Chính phủ đưa ra định hướng phát triển 4 vùng động lực quốc gia, 10 hành lang kinh tế, 2 khu vực lãnh thổ cần bảo tồn và vùng hạn chế phát triển và 3 ngành quan trọng cần phát triển.
Tuy nhiên, theo Ủy ban Kinh tế, các giải pháp đưa ra chưa cụ thể hóa các định hướng phát triển.
Chẳng hạn, giải pháp về huy động vốn đầu tư, với mục tiêu tăng trưởng 7% giai đoạn 2021-2030 thì quy hoạch tổng thể quốc gia dự kiến cần 48,3 triệu tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với giai đoạn 2011-2020 (khoảng 15 triệu tỷ đồng).
Tuy nhiên, giải pháp cơ chế, chính sách đưa ra còn chung chung, chưa mới, chưa đột phá. Ông Thanh đề nghị Chính phủ cần tính toán kỹ lưỡng, cân đối các giải pháp, nguồn lực để đảm bảo khả thi.
Sách hay về xã hội
Văn minh Việt Nam - nhà dân tộc học Georges Condominas từng nhận xét tác phẩm này là “Cửa sổ để thế giới hiểu về Việt Nam”.
Sách Bàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệm là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Nghiên cứu Văn minh vật chất của người Việt ngược dòng thời gian, tái hiện quá khứ, ngọn nguồn văn hóa Việt qua đời sống vật chất phong phú, đầy biện chứng khoa học.