Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đã tạm dừng khai thác 9 đường bay nối TP.HCM với các tỉnh thành

Sang tới tháng 7 khi dịch bệnh tiếp tục lây lan mạnh tại TP.HCM, hàng loạt đường bay nội địa liên quan đến địa phương này đã được yêu cầu dừng khai thác.

Từ 0h ngày 5/7, TP.HCM - Huế là đường bay tiếp theo được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) yêu cầu dừng khai thác nhằm phòng chống dịch bệnh Covid-19. Đây là đường bay thứ 9 liên quan đến TP.HCM phải tạm dừng khai thác cho đến khi có thông báo tiếp theo của nhà chức trách.

Danh sách tiếp tục nối dài

Mở đầu cho chuỗi đóng cửa các đường bay với TP.HCM là việc tạm dừng các chuyến bay từ TP Hải Phòng đi TP.HCM và ngược lại ngày 3/6 theo đề xuất của UBND TP Hải Phòng.

Đến ngày 5/6, Bộ GTVT đã có văn bản thống nhất chủ trương tạm dừng các chuyến bay chở khách đi khỏi và đến Côn Đảo, trừ chuyến bay trực thăng từ Vũng Tàu đi Côn Đảo và ngược lại theo đề xuất của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Việc tạm dừng các chuyến bay này áp dụng từ 17h chiều 5/6 cho đến khi có thông báo mới.

Đường bayHãng khai thácNgày tạm dừng
TP.HCM - Hải PhòngVietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways3/6
TP.HCM - Côn ĐảoVasco, Bamboo Airways5/6
TP.HCM - PleikuVietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways5/6
TP.HCM - Quảng NinhVietnam Airlines, Vietjet Air5/6
TP.HCM - Đồng HớiVietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways23/6
TP.HCM - VinhVietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways2/7
TP.HCM - Thanh HóaVietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways4/7
TP.HCM - HuếVietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Vietravel Airlines5/7

Cũng trong ngày 5/6, bộ này đã có văn bản về việc tạm dừng các chuyến bay từ Quảng Ninh, Gia Lai đi TP.HCM và ngược lại từ ngày 5/6 cho đến khi có thông báo mới. Yêu cầu này xuất phát từ đề xuất của UBND 2 tỉnh trên.

Tới ngày 23/6, Bộ GTVT thống nhất chủ trương về việc tạm dừng các chuyến bay chở khách giữa TP.HCM và Đồng Hới (Quảng Bình) theo đề xuất của UBND tỉnh Quảng Bình từ 0h ngày 23/6 đến khi có thông báo mới.

Sang tới đầu tháng 7, Bộ GTVT đã giao Cục Hàng không thông báo tới các hãng hàng không và đơn vị liên quan về việc tạm dừng các đường bay tới sân bay Thọ Xuân từ 0h ngày 4/7.

Đường bay TP.HCM - Vinh (Nghệ An) cũng đã được đề nghị tạm dừng khai thác từ 0h ngày 2/7. Gần nhất, Bộ này đã có văn bản chấp thuận đề xuất của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc ngừng khai thác đường bay TP.HCM - Huế từ 0h ngày 5/7.

Cục Hàng không Việt Nam cũng vừa có thông báo khẩn tạm dừng khai thác chở khách từ Tân Sơn Nhất - Chu Lai và ngược lại.Thời gian áp dụng từ 0h ngày 4/7.

Ngoài những đường bay trên, hàng loạt đường bay khác cũng đang trong giai đoạn cân nhắc dừng khai thác theo đề xuất của UBND các địa phương.

Lý do mà các địa phương đưa ra đề xuất tạm dừng khai thác đường bay với TP.HCM đến từ việc TP.HCM là địa phương có nhiều ca lây nhiễm mới trong cộng đồng nhất cả nước trong suốt tháng 6. Nhiều nơi như Côn Đảo lo ngại nguy cơ lây nhiễm khi vận chuyển hành khách từ TP.HCM cao hơn nhiều so với lợi ích kinh tế của việc duy trì các đường bay.

Sân bay Tân Sơn Nhất ế ẩm kỷ lục

Hàng loạt đường bay phải dừng khai thác đã khiến sân bay Tân Sơn Nhất rơi vào cảnh vắng khách chưa từng có. Từ đỉnh khách dịp cao điểm nghỉ lễ 30/4 - 1/5, sân bay Tân Sơn Nhất chịu ảnh hưởng nặng nề từ đợt bùng phát thứ 4 của dịch Covid-19 với lượng khách giảm chỉ bằng số lẻ của các đợt cao điểm.

Cụ thể, chia sẻ với Zing, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết số lượng chuyến bay tại sân bay Tân Sơn Nhất chỉ còn khoảng 59 chuyến mỗi ngày. Cụ thể, ngày 28/6 sân bay này ghi nhận thực hiện 38 chuyến bay; từ ngày 29/6 đến 1/7, trung bình mỗi ngày còn 59 chuyến.

dung bay tphcm anh 1

Từ quá tải vào cuối tháng 4, sân bay Tân Sơn Nhất đang ế ẩm kỷ lục vì hàng loạt đường bay dừng khai thác. Ảnh: Hoàng Hà.

Lãnh đạo doanh nghiệp cũng cho biết tổng lượng khách qua cảng tại sân bay Tân Sơn Nhất cuối tháng 6, đầu tháng 7 chỉ đạt 3.000 khách/ngày. Con số này tiếp tục giảm mạnh so với lượng khách giữa tháng 5 khi dịch Covid-19 tái bùng phát mạnh tại TP.HCM. Thời điểm đó, sân bay này đón 18.367 lượt khách trong ngày 13/5; 18.051 lượt trong ngày 14/5; 17.791 lượt trong ngày 15/5 và 19.650 lượt trong ngày 16/5.

Con số này cho thấy lượng khách bay tại sân bay lớn nhất cả nước đã xuống dốc không phanh kể từ mức đỉnh 108.451 khách của ngày 29/4, ngày cao điểm nhất trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và là ngày ghi nhận lượng khách kỷ lục của sân bay Tân Sơn Nhất.

Theo lãnh đạo Cục Hàng không, với 2 đợt dịch bùng phát mạnh vào đúng thời điểm bắt đầu giai đoạn cao điểm nội địa là Tết Nguyên đán và nghỉ hè (từ dịp lễ 30/4 - 1/5, đặc biệt từ ngày 31/5 khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố), hoạt động vận chuyển hành khách nội địa bằng đường hàng không sụt giảm nghiêm trọng với sản lượng hàng ngày chỉ còn 20 - 30% so với giai đoạn tháng 3 - 4. Thậm chí, hai tuần đầu tháng 6 ghi nhận lượng khách mỗi ngày chỉ tương đương 5-10% trung bình tháng 4.

Có nên tiếp tục đầu tư vào cổ phiếu hàng không?

Báo cáo của Agriseco Research cho rằng khó có thể kỳ vọng các doanh nghiệp hàng không hồi phục mức lợi nhuận về gần mức trước dịch ngay trong năm 2021.

Ngô Minh

Bạn có thể quan tâm