Khi Triều Tiên báo cáo về đợt bùng phát Covid-19 đầu tiên vào tháng trước, nhà lãnh đạo Kim Jong Un gọi đây là một trong những biến động lớn nhất kể từ khi thành lập đất nước.
Hầu hết trong 26 triệu dân của nước này vẫn chưa được tiêm chủng, trong khi nhiều người phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng. Bên cạnh đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe của đất nước vẫn còn nhiều hạn chế, theo Wall Street Journal.
Số ca mắc đang giảm dần
Tuy nhiên, sáu tuần sau, Triều Tiên báo cáo số lượng ca mắc Covid-19 giảm dần, dường như tránh được một ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh, theo các nguồn tin thân cận.
Các chuyên gia và nhà quan sát cho biết biến chủng Omicron, vốn được coi là ít độc lực hơn, cùng với khả năng áp đặt phong tỏa chặt chẽ và khả năng miễn dịch của người dân, đã trợ giúp Triều Tiên chống đỡ trong đợt dịch này.
Vốn là một quốc gia khá kín tiếng, Triều Tiên có động thái bước ngoặt vào ngày 12/5 khi công khai đợt bùng phát Covid-19. Dữ liệu được công bố kể từ đó, bao gồm cả số ca "sốt" và số ca tử vong.
Với khả năng xét nghiệm PCR hạn chế, Triều Tiên theo dõi các ca mắc bằng cách đếm những ca sốt. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại rằng việc đếm số ca nhiễm theo cách đó sẽ bỏ sót những ca không có triệu chứng.
Triều Tiên đã báo cáo chỉ 73 trường hợp tử vong sau nhiều tuần, với số lượng nhiều nhất được ghi nhận vào ngày thứ hai kể từ khi dịch bùng phát. Bình Nhưỡng cũng không ghi nhận ca tử vong nào kể từ ngày 15/6. Con số đó bằng 1/3 so với số người tử vong vì Covid-19 ở Trung Quốc và 1/600 tỷ lệ trung bình toàn cầu.
Các quan chức y tế đã khử trùng một nơi làm việc ở Bình Nhưỡng ngày 14/6. Ảnh: AP. |
Nhiều công dân ở Bình Nhưỡng ban đầu từng lo lắng về sự lây lan của Covid-19, khi ông Kim Jong Un tuyên bố một "biến động lớn", Kim Sin Gon, giáo sư trường Y thuộc Đại học Hàn Quốc, cho biết.
Tuy nhiên, người dân Triều Tiên nhanh chóng nhận ra rằng Covid-19 ít gây tử vong hơn nhiều so với bệnh khác mà đất nước đã trải qua, chẳng hạn thương hàn, ông Kim nói thêm.
Vị giáo sư cho biết nếu không được điều trị, thương hàn có thể gây ra tỷ lệ tử vong hơn 10%. Trong khi đó, tỷ lệ tử vong vì Covid-19 ở Mỹ là 1,2% và ở Hàn Quốc là 0,1%, theo Đại học Johns Hopkins.
Ở Bình Nhưỡng, nhiều người có triệu chứng sốt rõ rệt, và một số người tìm kiếm thuốc như ibuprofen. Tuy nhiên, loại thuốc này nhanh chóng bị hết hàng tại các hiệu thuốc, theo nguồn tin thân cận. Ông Kim Jong Un công khai thừa nhận tình trạng thiếu thuốc, đồng thời yêu cầu quân đội hỗ trợ phân phát nguồn cung.
Nguyên nhân phía sau
Ngoài ra, phương tiện truyền thông nhà nước Triều Tiên khuyến khích các phương pháp cổ truyền như trà gừng hoặc trà kim ngân cho bệnh nhân "sốt", hoặc thậm chí súc miệng bằng nước muối.
Bên cạnh đó, truyền thông nhà nước Triều Tiên cho biết họ đang đối phó với biến chủng Omicron BA.2, được cho là có độc lực thấp hơn so với các chủng virus corona trước đó.
Paul Hunter, nhà dịch tễ học và giáo sư y khoa tại Đại học East Anglia (Anh), cho biết Triều Tiên có thể có tỷ lệ tử vong thấp hơn so với các quốc gia khác do độc lực thấp hơn của Omicron và cơ cấu dân số tương đối trẻ.
“Họ không phát hiện ra tất cả trường hợp tử vong, nhưng ảnh hưởng của nhân khẩu học và độc lực thấp hơn của Omicron có thể làm giảm tỷ lệ tử vong”, ông Hunter nói.
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un chỉ trích việc thiếu thuốc và yêu cầu quân đội hỗ trợ phân phát thuốc. Ảnh: Reuters. |
Bên cạnh đó, đất nước này chỉ có thể thực hiện khoảng 120 xét nghiệm PCR mỗi ngày, trong khi con số đó ở Hàn Quốc là 800.000.
Mặc dù có tỷ lệ tiêm chủng cao hơn, nhiều quốc gia giàu có đã báo cáo số ca tử vong cao hơn. Điều này một phần vì họ có năng lực xét nghiệm tốt hơn, nhưng cũng vì các quốc gia có thu nhập thấp đã trải qua nhiều đợt bùng phát dịch bệnh khác.
Qua đó, người dân của những nước này có thể xây dựng hệ thống miễn dịch giúp bảo vệ chống lại Covid-19, theo các chuyên gia y tế. Các quốc gia ở châu Phi cận Sahara có tỷ lệ tử vong do Covid-19 tương đối thấp, một phần vì nguyên nhân này, họ nói.
Ngoài ra, Triều Tiên đã không ngần ngại thực hiện các biện pháp y tế cộng đồng mạnh mẽ, trở thành một trong những quốc gia đầu tiên phong tỏa biên giới vào tháng 1/2020. Khi đợt dịch Covid-19 đầu tiên bùng phát, nước này đã nhanh chóng áp đặt lệnh cấm di chuyển giữa các vùng của đất nước.