Theo một tuyên bố hôm 13/6 của chính quyền Đan Đông - thành phố Trung Quốc giáp biên giới Triều Tiên - Thị trưởng Hao Jianjun đã công khai xin lỗi về cách chống dịch trong thời gian qua. Ông không nêu chi tiết nhưng thừa nhận hoạt động của chính quyền thành phố và các dịch vụ thiết yếu “không đạt yêu cầu”.
Việc một quan chức cấp cao của đảng Cộng sản Trung Quốc công khai nhận lỗi rất bất thường, đặc biệt là khi liên quan đến chính sách chống dịch cứng rắn Zero Covid-19, theo AP.
Trong lời xin lỗi, ông Hao thừa nhận sự hy sinh của 2,4 triệu công dân thành phố và thấu hiểu những "lời phàn nàn" về cách làm việc của chính quyền. Ông khẳng định giờ đây, Đan Đông sẽ chuyển sang giai đoạn kiểm soát đại dịch “chủ động, tích cực và hiệu quả hơn”.
Mặc dù chỉ ghi nhận một số ít ca mắc Covid-19, thành phố Đan Đông đã áp đặt một trong những đợt phong tỏa nghiêm ngặt nhất ở Trung Quốc. Theo một số nguồn tin, thậm chí việc giao thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác cũng bị cấm.
Người dân Trung Quốc xếp hàng chờ xét nghiệm vào ngày 14/6. Ảnh: AP. |
Trước đó, do không thể truy quét tận gốc nguồn dịch, giới chức Đan Đông đã thực hiện các biện pháp ngày càng cực đoan, trong đó có một số khuyến cáo được cho là phản khoa học. Đó là kêu gọi người dân đóng cửa sổ để ngăn virus từ Triều Tiên thổi sang, mặc dù khả năng lây lan trong không khí là rất hạn chế.
Các nhà chức trách cũng đã trấn áp hoạt động buôn lậu với Triều Tiên qua sông Áp Lục, treo thưởng cho những người cung cấp thông tin về hoạt động này.
Giới chức thành phố cũng từng vận chuyển toàn bộ cư dân của một khu chung cư đến cách ly ở thành phố Thẩm Dương, cách Đan Đông khoảng 250 km về phía bắc. Sau khi hết cách ly, người dân phát hiện ra rằng ca nhiễm ban đầu thực chất xuất phát từ một tòa nhà lân cận. Điều này thổi bùng sự giận dữ đối với chính quyền.
Li Yueqing, chủ một nhà máy chế biến gỗ ở Đan Đông, chia sẻ qua điện thoại rằng hiện nay, người dân đã được phép ra ngoài mua sắm nhưng vẫn chưa biết khi nào có thể trở lại công việc.
“Chúng tôi hiểu tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố vẫn chưa ổn định. Chúng tôi không biết chính xác khi nào sẽ được phép tiếp tục sản xuất”, ông nói.
Trong khi đó, một nhân viên nhà hàng cho biết 50 ngày phong tỏa ảnh hưởng lớn đến thu nhập của họ.
“Cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ chỉ thị nào từ chính phủ về việc bắt đầu lại hoạt động kinh doanh. Thu nhập của chúng tôi bị ảnh hưởng vì không làm được gì”, người này cho biết.