Cho đến nay, ít nhất 800 gia đình ở tỉnh Nam Hwanghae đã chịu tác động từ cái mà Triều Tiên gọi là "dịch đường ruột cấp tính", theo Reuters.
Hãng thông tấn nhà nước KCNA ngày 19/6 cũng nêu chi tiết các nỗ lực chống dịch, bao gồm cách ly, "sàng lọc chuyên sâu cho tất cả người dân", điều trị và giám sát đặc biệt đối với những người dễ bị tổn thương như trẻ em và người già.
KCNA cho biết một "đội chẩn đoán và điều trị nhanh" của quốc gia đang làm việc với quan chức y tế địa phương, và đang thực hiện các biện pháp để đảm bảo hoạt động canh tác không bị gián đoạn trong khu vực nông nghiệp trọng điểm.
Các thành viên của quân đội Triều Tiên cung cấp thuốc cho người dân tại một hiệu thuốc ở Bình Nhưỡng, ngày 18/5. Ảnh: Reuters. |
Hãng tin cho biết công tác khử trùng đang được thực hiện, bao gồm khử trùng nước thải và các chất thải khác, nhằm đảm bảo an toàn cho nước uống và nước sinh hoạt.
Triều Tiên không nói rõ “bệnh đường ruột” cụ thể là gì, nhưng các quan chức Hàn Quốc nói rằng đó có thể là bệnh tả hoặc thương hàn.
“Nhà lãnh đạo Kim Jong Un nhấn mạnh sự cần thiết kiểm soát bệnh dịch sớm nhất có thể, thông qua các biện pháp kín kẽ nhằm cách ly các ca nghi nhiễm và ngăn chặn hoàn toàn sự lây lan, cũng như việc xác định ca bệnh bằng kiểm tra dịch tễ học và xét nghiệm khoa học”, KCNA cho biết hôm 16/6.
Đợt bùng phát dịch bệnh, được báo cáo lần đầu vào hôm 16/6, đang gây thêm căng thẳng cho đất nước khi đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực kinh niên và làn sóng nhiễm Covid-19.