Trong quyển hồi ký vừa "The Room Where It Happened" (Tạm dịch: Căn phòng nơi mọi chuyện xảy ra), cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton tiết lộ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đích thân nhờ Tổng thống Donald Trump nương tay với hai công ty công nghệ Huawei và ZTE.
Theo lời kể của Bolton, ông Tập đề nghị Tổng thống Trump dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt đối với ZTE và Huawei trong các cuộc điện đàm lần lượt vào tháng 5/2018 và tháng 6/2019. Ông Tập nói sẽ "nợ ông Trump một ân huệ" nếu biện pháp trừng phạt được nới lỏng.
Tổng thống Donald Trump (trái) gặp ông Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản. Ảnh: Reuters. |
Quyển hồi ký cho biết cuộc điện đàm đầu tiên diễn ra vào lúc 20h30 ngày 8/5/2018. Ông Tập Cận Bình chủ động đề cập đến các lệnh hạn chế mà Mỹ áp dụng cho công ty thiết bị viễn thông ZTE.
Các lệnh hạn chế này được Tổng thống Trump mô tả là "rất mạnh tay, thậm chí là khắc nghiệt" do ZTE bị cáo buộc vi phạm lệnh cấm vận kinh tế Iran, theo South China Morning Post.
"Tổng thống Trump nói đã yêu cầu Ross (Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross) tìm giải pháp cho Trung Quốc. Ông Tập trả lời rằng nếu điều đó được giải quyết, ông sẽ nợ ông Trump một ân huệ và TT Trump phản hồi ngay rằng ông ấy làm điều này chỉ là vì ông Tập", John Bolton viết trong hồi ký.
Ngày 13/5, chưa đầy một tuần sau cuộc điện đàm, Tổng thống Trump đăng trên Twitter rằng ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình "đang cùng làm việc để mở ra con đường để ZTE trở lại kinh doanh nhanh chóng" vì Trung Quốc đang mất quá nhiều việc làm. Đến tháng 7 năm đó, Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với công ty viễn thông Trung Quốc.
Cũng trong cuộc điện đàm tháng 5/2018, giữa giai đoạn đàm phán thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra, ông Trump thông báo với ông Tập rằng Mỹ sẽ sớm rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Ông còn hỏi nhà lãnh đạo Trung Quốc có muốn biết trước tuyên bố của mình không. Ông Tập hứa sẽ "giữ bí mật".
Trong cuộc điện đàm thứ hai vào ngày 18/6/2019, trước lần gặp trực tiếp vào thượng đỉnh G20 ở Osaka, ông Tập Cận Bình phản đối quyết liệt việc Mỹ đưa Huawei vào "danh sách đen" vì lý do an ninh quốc gia. Biện pháp này khiến các công ty Mỹ gặp khó khăn khi làm ăn với Huawei.
Cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton (phải) tiết lộ nhiều câu chuyện hậu trường Nhà Trắng trong quyển hồi ký vừa xuất bản. Ảnh: Getty. |
"Ông Tập cảnh báo rằng, nếu không xử lý đúng cách, vấn đề Huawei có thể gây phương hại đến quan hệ song phương", Bolton viết trong hồi ký.
"Ông Tập mô tả Huawei là một công ty tư nhân tuyệt vời của Trung Quốc, quan trọng với Qualcomm và Intel. Ông Tập muốn lệnh cấm đối với Huawei được dỡ bỏ, và nói muốn đích thân làm việc với Tổng thống Trump về vấn đề này. Ông Trump có vẻ bằng lòng", John Bolton kể lại.
Khoảng một tuần sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo ở Osaka, Tổng thống Trump bất ngờ thông báo Mỹ đã bán "một lượng lớn sản phẩm" cho Huawei và cho biết Mỹ "sẽ tiếp tục bán sản phẩm đó".
"Huawei là một vấn đề phức tạp. Các công ty Mỹ thật ra không vui vẻ mấy khi họ không bán được hàng", ông nói.
Quyển sách của của cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ đang gây sóng gió với nhiều hé lộ về hậu trường Nhà Trắng và cách làm việc của Tổng thống Trump. Những câu chuyện của ông cho thấy chính sách của tổng thống Mỹ đối với Trung Quốc có phần thất thường và phụ thuộc vào quan hệ cá nhân giữa lãnh đạo hai nước.
Ông Tập Cận Bình cũng trực tiếp đặt ra yêu cầu với Tổng thống Trump về những vấn đề then chốt trong quan hệ song phương.
Phản ứng trước các thông tin mà John Bolton tiết lộ, Tổng thống Trump đã cáo buộc quyển hồi ký là "sự tổng hợp những lời dối trá và chuyện bịa đặt".