Cúp QG trước nay vẫn bị coi là sân chơi kém danh giá hơn nhiều so với V.League, tương ứng là sự hờ hững của các CLB. Năm ngoái, Bình Dương với đầy đủ binh hùng tướng mạnh vừa giành chức vô địch đã để thua Hải Phòng lúc đó đứng ở nhóm cuối bảng xếp hạng.
Bảy năm trước, cũng lại là Bình Dương, sau khi vô địch V.League lần thứ hai đã thất bại trước đối thủ khiêm tốn hơn nhiều là Hà Nội ACB trong trận chung kết Cúp QG 2008.
Sau 2 trận thua bất ngờ trước Khánh Hòa và HAGL, Bình Dương đã thi đấu khởi sắc trở lại và dẫn đầu bảng xếp hạng V.League. Ảnh: Nguyễn Đăng |
Sau nhiều lần tăng mức tiền thưởng, 1 tỷ đồng dành cho đội vô địch Cúp QG mới chỉ bằng 1/3 so với danh hiệu vô địch V.League và cũng không thấm tháp gì so với quỹ thưởng của nhiều CLB.
Bên cạnh đó, việc vô địch Cúp QG còn đi kèm theo nghĩa vụ tham dự các sân chơi của bóng đá châu lục như AFC Champions League hay AFC Cup. Với các CLB có tiềm lực khiêm tốn, điều này giống như gánh nặng. SLNA từng chấp nhận nộp phạt để không tham gia. Năm ngoái, Hải Phòng cũng “bỏ của chạy lấy người”.
Thế nên trong nhiều trường hợp, Cúp QG chỉ được xem là cứu cánh cho các CLB bắt buộc phải sở hữu một danh hiệu nào đó làm thành tích để báo cáo.
Nhưng diễn biến của giải đấu này đang trở nên sáng sủa hơn ở mùa giải năm nay. Việc Hà Nội T&T góp mặt ở vòng bán kết là một tiêu chí đảm bảo, ít nhất sẽ có đội nuôi tham vọng đi đến cái đích cuối cùng.
Sau sự sa sút hồi đầu mùa, đội bóng thủ đô đang thể hiện phong độ ấn tượng để quay trở lại cuộc đua vô địch ở V.League. Nhưng vị trí thứ 5 và khoảng cách 8 điểm giữa họ với Bình Dương không dễ được san lấp.
Nếu giành Cúp QG, đó sẽ là sự an ủi với thầy trò HLV Phan Thanh Hùng trong trường hợp không thực hiện thành công cuộc lội ngược dòng. Cúp QG cũng là danh hiệu còn thiếu của Hà Nội T&T, sau khi đội bóng thủ đô lọt vào trận chung kết năm 2012 và thất bại nặng nề 1-4 trước Sài Gòn Xuân Thành.
Hà Nội T&T giành 7 chiến thắng và 2 trận hòa trong 9 trận gần nhất cả ở V.League lẫn Cúp QG. Ảnh: Tùng Lê |
Tương tự Hà Nội T&T, dù 3 lần vô địch V.League, Bình Dương chưa một lần nâng cao Cúp QG (kể từ thời điểm bóng đá Việt Nam bước lên chuyên nghiệp năm 2000).
Sau khi thay thế HLV Lê Thụy Hải, HLV Mai Đức Chung đối diện không ít khó khăn để ổn định lại “Chelsea Việt Nam”. Thêm một danh hiệu cũng đồng nghĩa với sự củng cố vững chắc vị thế của nhà cầm quân người Hà Nội trong mắt các ông chủ Tập đoàn Becamex.
Trong khi đó, với tư cách đương kim vô địch, Hải Phòng chắc chắn không dễ buông xuôi. Việc đang đứng thứ 3 trên bảng xếp hạng V.League cho thấy, đội bóng của HLV Trương Việt Hoàng đủ sức vượt qua bất cứ đối thủ nào.
Hải Phòng (áo đỏ) là đương kim vô địch Cúp QG. Ảnh: Tùng Lê |
Sau những năm tháng trồi sụt, ĐTLA mùa giải này phần nào tái hiện lại sự chắc chắn và lì lợm dưới thời HLV Calisto trước đây. Lực lượng của “Gạch” không quá mạnh. Nhưng thầy trò HLV Ngô Quang Sang khiến ngay cả những “đại gia” như Bình Dương hay Hà Nội T&T cũng phải dè chừng với lối chơi phòng ngự phản công sắc bén.
Âm thầm tiến lên vị trí thứ 4 trên bảng xếp hạng V.League, ĐTLA phát đi thông điệp sẽ nỗ lực giành một danh hiệu sau nhiều năm trắng tay. Ở Cúp QG, lần gần nhất Gạch đăng quang cách đây đã 10 năm.
Lịch thi đấu vòng bán kết Cúp QG
* Đá bù vòng 19 V.League, 18h ngày 5/8 sân Cẩm Phả: Quảng Ninh - HAGL