Cuộc đổ bộ thành công lên Incheon tháng 9/1950 đã tạo ra bước ngoặt lớn xoay chuyển cục diện chiến tranh Triều Tiên. Quân đội Hàn Quốc cùng với Liên Hợp Quốc, từ chỗ bị đẩy tới phía nam của bán đảo nhanh chóng lật ngược thế cờ, tái chiếm Seoul chỉ trong thời gian ngắn.
Trận Incheon một lần nữa chứng minh tài thao lược của vị tướng huyền thoại Douglas MacArthur, tư lệnh mặt trận Thái Bình Dương trong Thế chiến II, cũng là tổng chỉ huy quân đội Mỹ và Liên Hợp Quốc trong Chiến tranh Triều Tiên.
Khi đề xuất cuộc đổ bộ lên Incheon, Lầu Năm Góc đã kịch liệt phản đối kế hoạch này, vì đây là một trong những điểm phòng ngự mạnh nhất của Triều Tiên. Tuy vậy, vị danh tướng vẫn kiên định thuyết phục Lầu Năm Góc phê duyệt cuộc đổ bộ lên Incheon và ông đã thành công.
Sự quyết tâm có phần bảo thủ của các tướng lĩnh là nhân tố quan trọng để đi đến chiến thắng quyết định nhưng đôi khi cũng khiến quân đội phải trả giá đắt. MacArthur đã đúng trong cuộc đổ bộ lên Incheon nhưng ông đã sai trong cuộc vượt qua vĩ tuyến 38.
Phớt lờ cảnh báo của cấp trên
Theo History.com, ngày 27/9/1950, tướng MacArthur nhận được văn bản mật của Tổng thống Harry S.Truman nhắc nhở ông thận trọng với các hoạt động quân sự trên bộ qua bên kia vĩ tuyến 38.
Không quân Mỹ ném bom kho vũ khí của Triều Tiên trong chiến dịch vượt qua vĩ tuyến 38. Ảnh: USAF. |
Các hoạt động vượt qua vĩ tuyến 38 chỉ được phép khi không có dấu hiệu về sự can thiệp của Trung Quốc hoặc Liên Xô. Ngày 30/9/1950, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ George Marshall gửi thông điệp cho tướng MacArthur ám chỉ rằng: “Chúng tôi muốn bạn cảm thấy không bị cản trở về chiến thuật, chiến dịch để tiến lên phía bắc vĩ tuyến 38”.
Cuối tháng 9/1950, Thủ tướng Chu Ân Lai cảnh báo Trung Quốc đã chuẩn bị can thiệp vào Triều Tiên nếu Mỹ vượt qua vĩ tuyến 38. Trước đó, Trung Quốc đã điều động khoảng 260.000 binh sĩ ém quân dọc biên giới với Triều Tiên.
Nếu quân đội Mỹ vượt qua vĩ tuyến 38, sự can thiệp của Trung Quốc là một thực tế chứ không còn là khả năng. Tuy vậy, tướng MacArthur tin rằng cần phải mở rộng Chiến tranh Triều Tiên vào Trung Quốc để tiêu diệt các kho vũ khí cung cấp cho Triều Tiên, tổng thống Truman phản đối điều này.
Tuy nhiên, tướng MacArthur phớt lờ cảnh báo của Washington, cùng với sự cho phép của Bộ Tư lệnh Liệp Hợp Quốc tại Hàn Quốc. Ngày 1/10/1950, quân đội Liên Hợp Quốc và Hàn Quốc vượt qua vĩ tuyến 38 trong chiến dịch phản công quy mô lớn nhằm vào Triều Tiên.
Lực lượng mạnh cùng với sự áp đảo của không quân trên bầu trời, lực lượng Liên Hợp Quốc nhanh chóng tiến sâu vào lãnh thổ Triều Tiên. Ngày 19/10, Bình Nhưỡng thất thủ, lực lượng Liên Hợp Quốc tấn công tới Chosan trên sông Áp Lục, biên giới giữa Triều Tiên với Mãn Châu của Trung Quốc.
Sự can thiệp của Trung Quốc
Ngày 15/10, trước thời điểm Bình Nhưỡng thất thủ, Tổng thống Truman và tướng MacArthur gặp nhau ở đảo Wake giữa Thái Bình Dương. Tướng MacArthur cho rằng có ít nguy cơ về sự can thiệp của Trung Quốc ở Triều Tiên, cơ hội để Bắc Kinh hỗ trợ Bình Nhưỡng đã mất hiệu lực.
Quân đội Trung Quốc vượt sông Áp Lục trong Chiến tranh Triều Tiên. Ảnh: Wikipedia. |
Tướng MacArthur tin rằng Trung Quốc có khoảng 300.000 quân ở Mãn Châu, trong đó khoảng 100.000-125.000 quân tại sông Áp Lục. Vị tướng nhận định một nửa quân số này có thể tiến xuống phía nam nhưng sẽ chịu tổn thất nặng nếu không có sự hỗ trợ của không quân.
Nhận định của tướng MacArthur cũng khá hợp lý vì ở thời điểm đó, Không quân Trung Quốc không phải là đối thủ của Mỹ. Tuy nhiên, vị tướng đã chủ quan khi bỏ qua yếu tố Liên Xô.
Ngày 19/10, quân đội Trung Quốc bí mật vượt sông Áp Lục mà lực lượng Liên Hợp Quốc không hề hay biết. Ngày 25/10, Quân đoàn 13, Trung Quốc khởi động cuộc tấn công Giai đoạn I đánh vào lực lượng Liên Hợp Quốc sát biên giới Trung Quốc.
Quyết định của Trung Quốc đã làm thay đổi thái độ của Liên Xô. 12 ngày sau khi Trung Quốc tham chiến, Moscow cho phép không quân hỗ trợ trên không, chi viện hỏa lực cho quân đội Trung Quốc.
Các mũi tấn công của quân đội Liên Hợp Quốc hướng về sông Áp Lục. Đồ họa: NDY. |
Sự can thiệp của Trung Quốc và Liên Xô gây tổn thất nặng cho quân đội Liên Hợp Quốc. Trước những thất bại liên tiếp, tướng MacArthur tính đến việc sử dụng bom hạt nhân chiến thuật để tấn công, tạo nên bức tường phóng xạ làm gián đoạn tuyến hậu cần của quân đội Trung Quốc và Triều Tiên.
Tuy nhiên, Washington không đồng ý. Tháng 4/1951, Tổng thống Truman ra thông báo sa thải tướng MacArthur vì thách thức mệnh lệnh của tổng thống cũng là Tổng Tư lệnh quân đội. Tướng Matthew Ridgway, Tư lệnh Sư đoàn lính dù 82 trong Thế chiến II được bổ nhiệm làm tổng chỉ huy lực lượng Liên Hợp Quốc.
Những chỉ đạo kịp thời của tướng Ridgway giúp quân đội Liên Hợp Quốc hồi sinh và cầm chân quân đội Trung Quốc và Triều Tiên. Các cuộc đàm phán đình chiến kéo dài đến năm 1953 mới được giải quyết.
Ngày 27/7/1953, Triều Tiên cùng chí nguyện quân Trung Quốc và Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc ký hiệp định đình chiến, Hàn Quốc từ chối ký. Hiệp định đình chiến tạo ra khu phi quân sự (DMZ) với bán kính 2.200 m về mỗi bên tính từ điểm trung tâm. DMZ được tuần tra bởi quân đội hai bên cho đến tận hôm nay.