Làng đình chiến ở bán đảo Triều Tiên: Nơi nguy hiểm bậc nhất thế giới
Thứ sáu, 21/7/2017 05:46 (GMT+7)
05:46 21/7/2017
Được gọi là “làng đình chiến” nhưng hơn 50 năm qua, khu vực nhạy cảm này luôn trang bị dày đặc vũ khí và binh lính canh gác, được coi là nơi nguy hiểm nhất trên bán đảo Triều Tiên.
Có người gọi ngôi làng là một trong những nơi đáng sợ nhất trên Trái Đất. Có người đơn thuần chỉ xem đây như một điểm du lịch khơi gợi trí tò mò. Nằm ở khu phi quân sự (DMZ) trên bán đảo Triều Tiên, làng Bàn Môn Điếm (Panmunjom) được xem là một trong những di tích cuối cùng của Chiến tranh Lạnh. Ảnh: Getty.
Bàn Môn Điếm được gọi với cái tên dân dã: Làng đình chiến. Seoul và Bình Nhưỡng năm 1953 ký kết thỏa thuận ngừng bắn tại Bàn Môn Điếm, nằm cách Seoul 55 km về phía bắc. Về lý thuyết, hai bên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh vì chưa ký hiệp ước hòa bình. Trong ảnh là cột cờ Triều Tiên tại khu vực. Ảnh: AP.
Mặc dù là khu vực phi quân sự, dải đất phân chia đôi hai miền Triều Tiên được trang bị vũ khí đầy đủ bậc nhất trên thế giới như: công sự bê tông ngầm, mìn, hàng rào dây thép gai, các chướng ngại vật chống tăng nằm dọc biên giới, hàng loạt đài quan trắc cũng như các ụ súng máy trên các ngọn đồi... Ảnh: Getty.
Khu vực này không có dân thường sinh sống, thay vào đó là sự hiện diện dày đặc của binh lính hai nước, ngày đêm làm nhiệm vụ canh gác khu vực phi quân sự giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.
Ảnh: AP.
Cách ngôi làng khoảng 1 km về phía đông là cụm nhà một tầng màu xanh mang tên Khu vực An ninh chung (JSA), được kiểm soát bởi cả binh sĩ Hàn Quốc và Triều Tiên kể từ sau khi chiến tranh liên Triều kết thúc năm 1953 đến nay. Ảnh: Getty.
Tại đây, binh lính canh gác của hai miền chỉ đứng cách nhau vài mét. Họ có thể đứng từ xa lặng lẽ quan sát nhau nhưng không bao giờ được phép vượt qua ranh giới kể từ sau vụ đụng độ năm 1976 khiến 2 binh sĩ Mỹ thiệt mạng.
Binh lính Triều Tiên canh gác ở Khu vực An ninh chung. Ảnh: AP.
Nhiều lãnh đạo của Mỹ từng tới thăm khu phi quân sự liên triều. Mới đây nhất, Phó tổng thống Mike Pence đã đến đây vào ngày 16/4. Sự kiện gây chú ý khi một lãnh đạo chính trị cao cấp của Mỹ đến thăm khu vực trong lúc tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang căng thẳng. Ảnh: AP.
Dù được xem là điểm nóng tiềm tàng có thể làm bùng phát xung đột giữa hai miền, Bàn Môn Điếm cũng đóng vai trò cầu nối giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, với Khu vực An ninh chung là nơi quan chức hai bên họp bàn, giảm căng thẳng.
Gần đây nhất là cuộc đàm phán cấp chính phủ giữa hai nước vào cuối năm 2015.
Ảnh: AP.
Hàn Quốc hôm 17/7 đề xuất tổ chức đàm phán quân sự với Triều Tiên nhằm ngăn chặn các hoạt động thù địch gần khu vực biên giới, sau hàng loạt các vụ thử tên lửa gần đây của Triều Tiên. Nếu được tổ chức, cuộc gặp sẽ diễn ra ở Bàn Môn Điếm. Ảnh: AP.
Bàn Môn Điếm là địa điểm du lịch duy nhất trên thế giới yêu cầu du khách phải ký một bản cam kết để tự chịu trách nhiệm đối với "sự an toàn và tính mạng của bản thân” trong trường hợp bị tấn công. Bất chấp sự nguy hiểm của nơi đây, hàng năm vẫn có hàng nghìn khách du lịch đến thăm ngôi làng đình chiến. Ảnh: Getty.
Ông Moon Jae In đang tìm cách thực hiện cam kết đối thoại với Triều Tiên để giải tỏa căng thẳng trên bán đảo trước thái độ dò xét, ngờ vực của đồng minh và các nước láng giềng.
Nguồn tin tình báo Mỹ ngày 19/7 cho biết Triều Tiên đang chuẩn bị phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hoặc tên lửa tầm trung trong vòng 2 tuần.