Đối mặt với Triều Tiên ngày càng khó dự đoán và dường như ngày càng mạnh về quân sự, chính phủ mới của Hàn Quốc đã đưa ra đề xuất chính thức: Đã đến lúc đàm phán.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Suh Choo Suk công bố đề xuất hôm 17/7, gợi ý tổ chức cuộc gặp giữa hai nước tại làng biên giới Panmunjom để thảo luận các vấn đề quân sự và nhân đạo.
Nếu các cuộc đàm phán diễn ra thì đây sẽ là cuộc đối thoại quân sự đầu tiên giữa hai nước kể từ năm 2014. Nỗ lực này nhằm giảm bớt căng thẳng dọc biên giới và nối lại cuộc đoàn tụ của các gia đình bị chia cắt nhiều thập kỷ trước bởi cuộc chiến tranh Triều Tiên.
Phép thử của tân tổng thống Hàn Quốc
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, người lên nắm quyền vào tháng 5, từng cam kết đối thoại với Triều Tiên đồng thời gây áp lực để cản trở các chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.
Đề xuất được đưa ra sau khi Triều Tiên tuyên bố đã tiến hành thử nghiệm lần đầu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) vào đầu tháng này và cho biết họ đã làm chủ được công nghệ để gắn đầu đạn hạt nhân vào tên lửa.
Triều Tiên chưa đưa ra phản hồi đối với đề xuất. Tuy nhiên, theo New York Times, phản ứng của Triều Tiên sẽ là phép thử đầu tiên đối với chính sách đối thoại trực tiếp của tân Tổng thống Moon Jae In, người lập luận rằng các cuộc đàm phán là cách tốt nhất để chấm dứt cuộc khủng hoảng hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng vào ngày 30/6 ở Washington DC, Mỹ. Ảnh: Getty. |
Khi ông Moon gặp Tổng thống Trump ở Washington vào cuối tháng 6, họ đã lướt qua câu hỏi về các cuộc đối thoại trực tiếp với chính phủ Triều Tiên.
Mỹ, đồng minh chính của Hàn Quốc, đang tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế cho các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn đối với Triều Tiên. Phía Mỹ tỏ ra khá lạnh lùng với đề xuất và nhắc lại tuyên bố của Tổng thống Donald Trump rằng các điều kiện phải phù hợp cho đối thoại.
“Mỹ vẫn giữ lập trường cởi mở cho các cuộc đàm phán uy tín về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, các điều kiện phải thay đổi trước khi nối lại bất kỳ cuộc đàm phán nào”, tuyên bố của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết.
Tuyên bố nhắc lại yêu cầu Triều Tiên từ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa, điều mà ông Kim Jong Un nói sẽ không bao giờ thực hiện vì đây là bảo đảm của ông chống lại nỗ lực lật đổ chính phủ Triều Tiên của phía Mỹ.
Phía Hàn Quốc hy vọng sẽ gửi một phái đoàn quân sự tới làng biên giới Panmunjom vào ngày 21/7 để thảo luận về việc "ngăn chặn tất cả hoạt động thù địch gây căng thẳng quân sự" dọc biên giới theo lời Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Suh Choo Suk hôm 17/7.
Trong đề xuất đàm phán, Hàn Quốc không giải thích chi tiết về ý nghĩa của các hoạt động quân sự thù địch. Hàn Quốc cũng không tiết lộ nội dung họ muốn thảo luận nếu các cuộc đàm phán quân sự được tổ chức.
Trong các cuộc họp trước đây, Triều Tiên đã yêu cầu Hàn Quốc dừng các cuộc tập trận chung với Mỹ và chấm dứt việc sử dụng loa phóng thanh để tuyên truyền dọc biên giới. Hàn Quốc gần đây cáo buộc Triều Tiên đưa máy bay do thám tới nước này thu thập tin tình báo. Đây là vấn đề mà Seoul có thể sẽ đề cập.
Hy vọng đoàn tụ các gia đình
Reuters cho biết ông Moon đã gợi ý các hoạt động quân sự thù địch tại biên giới sẽ kết thúc vào ngày 27/7 trong dịp kỷ niệm hiệp ước đình chiến năm 1953. Vì không có thỏa thuận ngừng bắn nên về mặt lý thuyết hai bên vẫn ở trong tình trạng chiến tranh.
Ông Kim từng đề xuất các cuộc đàm phán tương tự trong một bài phát biểu hồi tháng 5/2016. Tuy nhiên, bà Park Geun Hye, cựu tổng thống bảo thủ của Hàn Quốc, người đã bị luận tội và phế truất, từng từ chối đề nghị này. Bà Park cho rằng lời đề nghị này không chân thành và yêu cầu Triều Tiên trước hết phải từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
Địa điểm đàm phán lần này theo đề xuất của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc là tại Tongilgak, tòa nhà của Triều Tiên ở khu vực biên giới từng được sử dụng trong các cuộc đàm phán trước đây.
Các binh sĩ ở làng Panmunjom trong Khu Phi Quân sự, nơi hai miền Triều Tiên thường tổ chức các cuộc hội đàm. Ảnh: New York Times. |
Ông Suh cũng kêu gọi khôi phục đường dây nóng xuyên biên giới đã bị Triều Tiên cắt đứt vào năm ngoái đáp lại việc Hàn Quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế mới sau một cuộc thử nghiệm hạt nhân của Bình Nhưỡng. Không có đường dây nóng này, quân đội hai nước không có phương tiện liên lạc trực tiếp và nhanh chóng để tránh xung đột ngoài ý muốn.
Hội Chữ thập Đỏ Hàn Quốc cũng đề xuất các cuộc đàm phán riêng để nối lại chương trình nhân đạo nhằm đoàn tụ các gia đình bị chia cách trong chiến tranh vào ngày 1/8.
Cuộc họp mặt lần trước được tổ chức vào tháng 10/2015 với chưa đầy 100 người cao tuổi từ hai miền được gặp lại người thân trong 3 ngày. Khoảng 60.000 người Hàn Quốc vẫn hy vọng có cơ hội gặp lại vợ chồng, anh chị em và cha mẹ qua biên giới trước khi chết. Hơn một nửa trong số này đã ở độ tuổi trên 80.
Triều Tiên tuyên bố sẽ không cho phép một cuộc đoàn tụ khác diễn ra trừ khi Hàn Quốc gửi 12 nữ bồi bàn Triều Tiên từng làm việc tại một nhà hàng ở Trung Quốc về nước.
Triều Tiên nói Hàn Quốc đã bắt cóc những nữ nhân viên này trong khi Seoul khẳng định họ đã tự đào tẩu sang Hàn Quốc.
Trong khi Washington tỏ ra thận trọng và không thoải mái trước đề xuất đàm phán, Bắc Kinh dường như lại có quan điểm đồng tình. Trung Quốc đã hoan nghênh đề xuất và nói rằng hợp tác và hòa giải có thể giúp giảm bớt căng thẳng.
“Chúng tôi hy vọng Triều Tiên và Hàn Quốc có thể nỗ lực làm việc theo hướng tích cực để phá vỡ bế tắc, tiếp tục đối thoại và trao đổi”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng phát biểu tại buổi họp báo.