Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhật Bản không ủng hộ Hàn Quốc đối thoại với Triều Tiên

Nhật Bản cho rằng ưu tiên giờ đây là tăng cường sức ép với Triều Tiên thông qua các biện pháp trừng phạt, không phải là lúc đối thoại như Hàn Quốc đề nghị.

"Đây không phải là lúc để đối thoại. Đây là lúc để gây sức ép", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản Norio Maruyama nói với báo giới tại New York hôm 17/7. Ngoại trưởng Fumio Kishida đang có mặt tại đây để tham dự cuộc họp của Liên Hợp Quốc về tình hình bán đảo Triều Tiên.

"Đây là lúc để gia tăng sức ép để có thể tiến hành đối thoại một cách nghiêm túc", AFP dẫn lời ông Maruyama nói.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đang bàn thảo về cuộc gặp dự kiến diễn ra vào ngày 21/7 với phía Triều Tiên tại khu phi quân sự ở biên giới 2 nước. Nếu diễn ra đúng kế hoạch, đây sẽ cuộc đối thoại chính thức đầu tiên giữa 2 miền Triều Tiên kể từ tháng 12/2015.

doi thoai voi Trieu Tien anh 1
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida trong một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về vấn đề Triều Tiên. Ảnh: Getty.

Trong khi đó, Liên Hợp Quốc đang bế tắc trong việc đi đến một nghị quyết mới nhằm trừng phạt Bình Nhưỡng. Lệnh trừng phạt mới có thể bao gồm cấm vận dầu mỏ, cấm xuất khẩu lao động, cấm tàu thuyền Triều Tiên tiếp cận mọi cảng biển cũng như những giới hạn gắt gao hơn về thương mại.

Nhật Bản ủng hộ đề xuất lệnh trừng phạt mới song cũng cho rằng Nga và Trung Quốc phải nỗ lực hơn để thực thi đầy đủ một loạt biện pháp trừng phạt hiện tại vốn nhằm vào quan hệ kinh tế của 2 nước này với "người láng giềng" Triều Tiên.

"Điều quan trọng là cần chấm dứt dòng tiền chảy vào Triều Tiên", ông Maruyama nói.

Theo số liệu chính thức từ Bắc Kinh, thương mại giữa Trung Quốc và Triều Tiên trong 6 tháng đầu năm nay đã tăng 10,5 % so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó hồi tháng 5, Nga đã mở tuyến tàu mới từ Vladivostok ở vùng Viễn Đông đến cảng Rajin của Triều Tiên, một động thái được xem là nhằm thúc đẩy quan hệ song phương.

Trong bài phát biểu hôm 6/7 ở Đức, ông Moon nhấn mạnh việc mang lại hòa bình cho bán đảo Triều Tiên. Nhà lãnh đạo Hàn Quốc đề xuất hai bên cùng chấm dứt các hành động thù địch dọc biên giới từ ngày 27/7, nhân kỷ niệm hiệp định đình chiến chấm dứt cuộc chiến tranh liên Triều năm 1953.

Hàn Quốc thử nghiệm tên lửa tấn công toàn bộ Triều Tiên Tên lửa đạn đạo Hyunmoo-2C của Hàn Quốc tầm bắn 800 km có thể tấn công bất kỳ mục tiêu nào trên bán đảo Triều Tiên.

Hàn Quốc sẽ đề nghị đàm phán quân sự với Triều Tiên

Hàn Quốc đang chuẩn bị đề nghị đàm phán quân sự liên Triều nhằm tiếp tục những nỗ lực của Tổng thống Moon Jae In trong việc ngăn chặn các hành động thù địch ở biên giới.


Đông Phong

Bạn có thể quan tâm