Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao Nga triển khai 4 lữ đoàn tên lửa gần Trung Quốc

Quân đội Nga đã triển khai tới 4 lữ đoàn tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M đến Quân khu phía Đông, một động thái được cho là để đối phó với sự lớn mạnh của Trung Quốc.

Tạp chí Diplomat cho biết đầu tháng 6, truyền thông Nga đưa tin, thêm một lữ đoàn tên lửa mặt đất ở Quân khu phía Đông được nhận tên lửa Iskander-M, một trong những vũ khí chiến thuật - chiến dịch đáng sợ nhất của Nga.

Lữ đoàn tên lửa số 3, thuộc quân đoàn 29 đóng quân ở Quân khu phía Đông. Các tên lửa Iskander-M sẽ thay thế cho tên lửa đạn đạo chiến thuật cũ 9K79-1 Tochka-U. Đây là lữ đoàn thứ 4 quân khu này được tái trang bị với tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M.

Việc tái trang bị là một phần trong kế hoạch của Bộ Quốc phòng Nga nhằm thay thế hoàn toàn tên lửa 9K79-1 vào năm 2020. Hiện tại, Quân khu phía Đông là nơi có nhiều đơn vị tên lửa chiến thuật Iskander-M nhất trong số 4 quân khu chiến lược của Nga gồm Quân khu phía Tây, phía Nam và Trung tâm.

Những quân khu khác chỉ có 2 lữ đoàn tên lửa Iskander. Việc Nga "ưu ái" tới 4 lữ đoàn tên lửa cho Quân khu phía Đông khiến giới phân tích đặt nhiều câu hỏi về mục đích của việc triển khai này.

Đề phòng Trung Quốc?

Nhiệm vụ của các lữ đoàn Iskander-M triển khai ở Quân khu phía Tây nhằm răn đe Mỹ và các đồng minh ở khu vực Baltic. Các lữ đoàn ở Kaliningrad cho phép Nga nhắm một loạt mục tiêu NATO, bao gồm cả hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Lên bờ ở Ba Lan.

Nga trien khai ten lua gan Trung Quoc anh 1
Tên lửa đạn đạo chiến thuật 9K720 Iskander-M của Nga. Ảnh: Russian Military Photo.

Guy Plopsky, thạc sĩ nghiên cứu chiến lược và quốc tế của Đại học Tamkang, Đài Loan, nhận xét việc triển khai Iskander-M tại vùng Viễn Đông rõ ràng không phải là một tùy chọn hợp lý để đối phó với lực lượng Mỹ triển khai ở châu Âu.

Theo các nguồn tin ở Nga, tên lửa đạn đạo 9M723 của hệ thống Iskander-M có tầm bắn khoảng 400-500 km. Trong khi tên lửa hành trình tấn công mặt đất 9M728/R-500, (thường được gọi là Iskander-K) có tầm bắn dưới 500 km.

Nếu việc triển khai ở Viễn Đông để đối phó với lực lượng Mỹ ở Nhật Bản, như hệ thống radar cảnh báo sớm AN/TPY-2 ở quận Amoroi, hay hệ thống THAAD ở Hàn Quốc cũng không hợp lý vì tầm bắn của tên lửa không với tới. Nếu muốn nhắm mục tiêu ở Nhật Bản, Nga phải triển khai Iskander tới mũi phía nam đảo Kunashir, quần đảo Kurils.

Tuy nhiên, Nga không còn căn cứ tên lửa nào gần Nhật Bản kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Trong 4 lữ đoàn ở Quân khu phía Đông, có 2 lữ đoàn số 20 và 107 nằm trong khu tự trị Do Thái và vùng Primorsky. Hai khu vực này đều có biên giới với Trung Quốc.

Nga trien khai ten lua gan Trung Quoc anh 2
Vòng tròn đỏ thể hiện tầm bắn của Iskander-M tại những khu vực được triển khai. Đồ họa: Roger N. McDermott.

Vùng Primorsky có 17 km biên giới với Triều Tiên. Điều đó cho thấy mục đích chính của 2 lữ đoàn này là để đối phó với Trung Quốc và các tình huống bất ngờ trên bán đảo Triều Tiên. Lữ đoàn 103 đóng quân ở khu vực giáp Mông Cổ, lữ đoàn 3 mới thành lập đóng quân ở Zabaykalsky, giáp khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc.

Việc triển khai này là một ví dụ điển hình về sự lo ngại của Moscow đối với sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh. Nga cũng tổ chức nhiều hơn các cuộc tập trận quy mô lớn ở khu vực Viễn Đông.

Roger N. McDermott, thành viên cao cấp Quỹ Jamestown từng kết luận trong một phân tích của ông về cuộc tập trận ở Vostok 2014, với sự tham gia của 100.000 binh sĩ rằng, các tướng lĩnh Nga tiếp tục xem Trung Quốc là mối đe dọa tiềm ẩn đối với nước này.

“Với sự quan ngại liên tục, việc triển khai Iskander-M ở khu vực giáp ranh Bộ tư lệnh Phương Bắc của Trung Quốc là một động thái hợp lý từ quan điểm của Nga’, ông McDermott nói.

Hỗ trợ răn đe hạt nhân

Một trong những tính năng nổi bật của Iskander-M là khả năng tấn công với độ chính xác cao, được các quan chức Nga ca ngợi nhiều lần. Trong các đợt diễn tập bắn thử ở Quân khu phía Đông, Iskander-M đều đánh trúng mục tiêu ở nhiều cự ly khác nhau.

Nga trien khai ten lua gan Trung Quoc anh 3
Tên lửa hành trình tấn công mặt đất Iskander-K khai hỏa trong một cuộc tập trận. Ảnh: RT.

Sự phô diễn khả năng của Iskander-M cùng các hệ thống tấn công cao cấp khác trong các cuộc tập trận cho thấy, Moscow đang tích cực mở rộng khả năng tấn công chính xác trong các hoạt động quân sự.

Ngoài tấn công chính xác, khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Iskander-M củng cố việc răn đe hạt nhân của Nga, nhằm ngăn cản kẻ thù tấn công bằng cách đe dọa trả đũa hạt nhân có giới hạn.

Một số nhà phân tích cho rằng ưu thế vũ khí thông thường của Nga so với Trung Quốc đã giảm đi rất nhiều. Do đó, các hệ thống phi chiến lược như Iskander-M đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong việc đối phó Trung Quốc.

Triển khai Iskander-M ở vùng Viễn Đông cũng có thể phát huy tác dụng trong việc đối phó với các căn cứ quân sự của Mỹ trong khu vực, nếu được trang bị loại tên lửa có tầm bắn xa hơn. Các quan Nga từng tuyên bố rằng, tầm bắn của Iskander-M có thể được mở rộng nếu cần thiết.

Sergey Chemezov, Tổng giám đốc Tổng công ty Rostec từng nói rằng phiên bản hiện đại hóa của Iskander-M sẽ được giới thiệu sau năm 2020. Mặc dù ông Chemezov không cung cấp chi tiết nhưng tên lửa mới có thể được mở rộng tầm bắn, cải thiện độ chính xác.

Nếu Moscow phát triển tên lửa mới cho hệ thống Iskander-M sẽ tăng cường vị thế của Nga so với Trung Quốc.

Tên lửa hành trình Iskander-K hủy diệt mục tiêu Tên lửa hành trình tấn công mặt đất Iskander-K có thể đánh trúng mục tiêu ở cự ly 500 km với sai số rất thấp.

Quốc Việt

Bạn có thể quan tâm