Tháng 6/1950, Chiến tranh Triều Tiên nổ ra khi 135.000 binh sĩ Triều Tiên đổ quân dọc vĩ tuyến 38, ranh giới chia cắt 2 miền hình thành từ sau Thế chiến II. Đây là cuộc xung đột quân sự "nóng" đầu tiên của Chiến tranh Lạnh.
Triều Tiên áp đảo Hàn Quốc
Ngày 25/6/1950, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lên án hành động của Bình Nhưỡng và yêu cầu rút quân ra khỏi vĩ tuyến 38. Hai ngày sau, HĐBA ra nghị quyết số 83 đề nghị các quốc gia thành viên hỗ trợ quân sự cho Hàn Quốc.
Tháng 7/1950, quân đội Mỹ tham chiến thay mặt Hàn Quốc và thành lập Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc do Mỹ dẫn đầu dưới sự chỉ huy của tướng Douglas MacArthur, tư lệnh huyền thoại của mặt trận Thái Bình Dương trong Thế chiến II.
Quân đội Mỹ tham chiến tại Hàn Quốc thiếu vũ khí chống tăng, pháo binh nên không cản được bước tiến của quân đội Triều Tiên. Chỉ trong 2 tháng đầu tiên của cuộc chiến, quân đội Triều Tiên đánh chiếm phần lớn lãnh thổ Hàn Quốc.
Đến đầu tháng 9/1950, Lực lượng Liên Hợp Quốc-Hàn Quốc bị dồn về tỉnh Miryang ở phía nam và đứng trước nguy cơ bị đánh bật khỏi bán đảo Triều Tiên. Đỉnh điểm là trận chiến Vành đai Pusan, 140.000 lính Liên Hợp Quốc-Hàn Quốc bị 98.000 lính Triều Tiên vây hãm ở Pusan.
Tướng MacArthur(người ngồi) quan sát cuộc đổ bộ lên Incheon từ tàu đổ bộ USS Mount McKinley (AGC-7). Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Theo các nhà sử học, sở dĩ lực lượng Liên Hợp Quốc và Hàn Quốc nhanh chóng bị đánh bại là do không chuẩn bị trước cho chiến tranh, thiếu vũ khí và đạn dược. Việc tái trang bị cho lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc trở thành vấn đề cấp bách.
Cảng Pusan trở thành cửa ngỏ duy nhất cung cấp hậu cần cho quân đội liên quân. Phần lớn hàng hóa được cung cấp bởi các tàu hậu cần của Hải quân Mỹ. Ngoài ra, Liên Hợp Quốc còn huy động cả tàu cá để đẩy nhanh quá trình tiếp tế.
Việc đẩy mạnh tiếp tế vũ khí, đạn dược đã giúp lực lượng liên quân cầm chân quân đội Triều Tiên ở Pusan. Ngoài ra, tuyến hậu cần nhỏ và phụ thuộc vào đường sắt khiến việc tiếp tế cho quân đội ở tiền tuyến gặp nhiều khó khăn, khiến sức chiến đấu giảm dần.
Đòn bất ngờ vào Incheon
Ngay khi được Tổng thống Truman giao nhiệm vụ chỉ huy lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, tướng MacArthur đã đề xuất chiến dịch phản công bằng cuộc đổ bộ lên Incheon, thành phố cảng nằm cách Thủ đô Seoul khoảng 27 km. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc kịch liệt phản đối kế hoạch này.
Chiến hạm Mỹ pháo kích Incheon, dọn đường cho lực lượng đổ bộ. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Trong khi đó, Lầu Năm Góc muốn thực hiện cuộc đổ bộ lên Kunsan, một thành phố cảng nằm trên Hoàng Hải, cách Seoul khoảng 200 km. Tháng 8/1950, các chỉ huy cấp cao hải quân, thủy quân lục chiến và quân đội Mỹ họp cùng tướng MacArthur tại Tokyo.
Phần lớn các tướng lĩnh quân đội Mỹ phản đối đổ bộ lên Incheon vì khu vực này được bảo vệ kỹ càng, khả năng thành công thấp. Họ cho rằng, đổ bộ lên Kunsan sẽ dễ dàng hơn, ít thương vong hơn.
Tuy vậy, tướng MacArthur vẫn bảo lưu quan điểm, ông phân tích rằng, vì Incheon được phòng thủ chặt nên đối phương sẽ bị bất ngờ khi tấn công vào đây, chiến thắng tại Incheon sẽ tránh được cuộc chiến kéo dài trong mùa đông khắc nghiệt bằng cách đánh bại một trong những điểm phòng ngự mạnh nhất của Triều Tiên.
Bản đồ các mũi tấn công vào Incheon. Đồ họa: Hải quân Mỹ. |
Ngoài ra, Incheon gần Thủ đô Seoul. Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Joseph Lawton Collins và tham mưu trưởng Hải quân, Đô đốc Forrest Sherman ủng hộ cuộc đổ bộ lên Incheon. Cuộc đổ bộ lên được đặt mật danh “Chiến dịch Chromite”.
Để giữ bí mật cho chiến dịch, quân đội Mỹ tiến hành chiến dịch nghi binh về một cuộc đổ bộ quy mô lớn lên Kunsan, cách Incheon khoảng 169 km. Đầu tháng 9/1950, Không quân Mỹ bắt đầu tiến hành các chiến dịch ném bom phá hủy các cây cầu và con đường nhằm cô lập Kunsan, một kiểu tấn công đặc trưng cho một chiến dịch đổ bộ sắp xảy ra.
Tại cảng Pusan, Thủy quân lục chiến Mỹ thuyết trình cho binh sĩ về kế hoạch đổ bộ lên Kunsan và cố tình để cho phía Triều Tiên nghe được. Một nhóm tàu chiến của Anh và Mỹ di chuyển hướng về Kunsan để đánh lạc hướng.
14 ngày trước cuộc tấn công chính, Cơ quan Tình báo liên hợp cử một nhóm đặc nhiệm bí mật xâm nhập Incheon do trung úy Eugene F. Clark, hải quân Mỹ dẫn đầu. Nhóm trinh sát cung cấp thông tin về thủy triều tại khu vực cũng như các vị trí của pháo binh Triều Tiên.
Đêm ngày 10/9/1950, 75.000 binh sĩ cùng 261 tàu chiến bắt đầu cuộc đổ bộ lên Incheon. Đây là cuộc đổ bộ lớn nhất của Mỹ từ sau Thế chiến II. Chiến dịch Chromite mở màn bằng 43 máy bay ném 93 quả bom napalm đốt cháy sườn đông đảo Wolmido, dọn đường cho cuộc đổ bộ.
Lực lượng phòng thủ cực mạnh của Triều Tiên tại Incheon nhanh chóng bị liên quân đánh bại. Đến ngày 25/9, liên quân chiếm lại Seoul, gây thiệt hại nặng cho quân đội Triều Tiên đẩy lực lượng này về bên kia vĩ tuyến 38.
Quyết định táo bạo của tướng MacArthur trong cuộc đổ bộ lên Incheon đã tạo ra bước ngoặt quyết định, thay đổi toàn bộ cục diện Chiến tranh Triều Tiên. Tuy nhiên, tướng MacArthur đã phớt lờ cảnh báo của Washington, cùng với sự cho phép của Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc, liên quân Mỹ-Hàn đã đẩy quân đội Triều Tiên tới tận sông Áp Lục, giáp biên giới Trung Quốc.
Tháng 10/1950, Trung Quốc điều quân vượt qua sông Áp Lục tiến vào Triều Tiên, Liên Xô cho phép không quân hỗ trợ trên không cho Trung Quốc. Sự vào cuộc của quân đội Trung Quốc kéo theo nguy cơ về Thế chiến III.
Mỹ quyết định rút quân, tướng MacArthur bị sa thải. Ngày 27/7/1953, Triều Tiên cùng quân tình nguyện Trung Quốc và Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc ký hiệp định đình chiến, Hàn Quốc từ chối ký. Hiệp định đình chiến tạo ra khu phi quân sự (DMZ) với bán kính 2.200 m về mỗi bên tính từ điểm trung tâm. DMZ được tuần tra bởi quân đội hai bên cho đến tận hôm nay.