Ngày 4/7, Triều Tiên tuyên bố phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-14. Việc Bình Nhưỡng thử nghiệm thành công ICBM khiến mối đe dọa từ tên lửa của nước này càng tăng lên, đặc biệt là đối với các quốc gia gần bán đảo Triều Tiên.
Tạp chí National Interest cho biết, trước khi Bình Nhưỡng thử nghiệm thành công ICBM, các loại tên lửa đạn đạo tầm trung của nước này đã tạo ra mối đe dọa rất lớn đối với Nhật Bản.
Lực lượng quân sự Nhật Bản xây dựng theo mô hình lực lượng phòng vệ chứ không phải là quân đội truyền thống. Sau Thế chiến II, Hiến pháp Nhật Bản cấm quân đội tham gia các hoạt động chiến tranh ở nước ngoài.
Tuy nhiên, Tokyo ngày càng nhận thấy mối đe dọa từ Bình Nhưỡng. Mối đe dọa đó trở nên hiện hữu từ năm 1998, khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo Taepodong-1 bay qua không phận Nhật Bản.
Trong vài tháng qua, Triều Tiên thường xuyên phóng tên lửa đạn đạo về phía biển Nhật Bản. Một số tên lửa rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Tokyo. Nhật Bản nằm trong tầm bắn của các loại tên lửa đạn đạo tầm trung của Triều Tiên, chúng chỉ mất 10 phút để tấn công Tokyo sau khi phóng.
Lá chắn Aegis BMD
Tàu khu trục Aegis JS Kirishima phóng tên lửa SM-3 trong một đợt thử nghiệm đánh chặn. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nhật Bản. |
Để đối phó với tên lửa Triều Tiên, Nhật Bản xây dựng lá chắn tên lửa với 6 khẩu đội tên lửa đất đối không Patriot PAC-3, cùng 4 tàu khu trục trang bị tên lửa đánh chặn siêu hạng SM-3.
Tên lửa PAC-3 có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo ở cự ly 30 km nên chỉ có khả năng phòng thủ điểm. Để đánh chặn tầm xa, Nhật Bản bắt tay với Mỹ xây dựng lá chắn tên lửa Aegis BMD trên các tàu khu trục lớp Kongo, sử dụng tên lửa đánh chặn SM-3.
Tên lửa SM-3 cho phép đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung ở giai đoạn lấy độ cao hoặc giai đoạn giữa. Hệ thống Aegis BMD cho phép các tàu khu trục của Nhật Bản và Mỹ trao đổi dữ liệu và hỗ trợ cho nhau trong quá trình đánh chặn.
SM-3 sử dụng động cơ nhiên liệu rắn 3 giai đoạn, được dẫn hướng đến mục tiêu bằng radar AN/SPY-1 lắp trên tàu chiến của Mỹ và Nhật Bản, kết hợp với sự hỗ trợ của GPS và vệ tinh. Khi đến gần mục tiêu, SM-3 phóng đầu đạn đánh chặn không thuốc nổ (LEAP), theo công nghệ “hit-to-kill”.
Công nghệ đánh chặn này có thể tiêu diệt khoảng 70-80% mục tiêu trong các cuộc thử nghiệm. Nó cũng có thể tiêu diệt cả vệ tinh. Nhật Bản hiện có 4 tàu khu trục lớp Kongo trang bị hệ thống chiến đấu Aegis BMD với tên lửa SM-3, lô I.
Ngoài ra, Tokyo đang lên kế hoạch nâng cấp 2 tàu khu trục lớp Atago với hệ thống Aegis BMD để tham gia vào hệ thống phòng thủ tên lửa. SM-3, lô I có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung ở cự ly gần 700 km.
Lực lượng mỏng
Một số nhà phân tích cho rằng, 6 tàu khu trục có trang bị hệ thống Aegis BMD là quá mỏng để bảo vệ Nhật Bản trước mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Bên cạnh đó, giới phân tích cũng hoài nghi tính hiệu quả của tên lửa SM-3, lô I.
Đồ họa cơ chế đánh chặn của hệ thống Aegis BMD. Đồ họa: Armourbook. |
Đến năm 2012, Nhật Bản và Mỹ đã chi khoảng 3 tỷ USD để chế tạo tên lửa SM-3, lô IIA, sử dụng đầu đạn đánh chặn mới. Tên lửa lô IIA có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo ở cự ly tới 2.500 km. Đầu đạn sử dụng bộ cảm biến hồng ngoại tiên tiến có thể phân biệt đầu đạn mục tiêu với các mảnh vụn trong quá trình tách khỏi tên lửa.
Đầu tháng 2, Mỹ và Nhật Bản đã phối hợp đánh chặn thành công mục tiêu giả định tên lửa đạn đạo liên lục địa bên ngoài không gian bằng tên lửa SM-3, lô IIA. Tuy nhiên, lần thử nghiệm vào ngày 22/6 vừa qua lại không thành công.
Sự thất bại của lần thử nghiệm thứ 2 cho thấy, đánh chặn tên lửa đạn đạo là công việc cực kỳ khó khăn. Bên cạnh đó, chi phí đánh chặn cũng là một áp lực lớn. Đơn giá mỗi tên lửa SM-3, lô IIA khoảng 20 triệu USD. Ngoài ra, điều kiện thử nghiệm thuận lợi hơn nhiều so với trong chiến đấu thực tế nên vẫn chưa thể kết luận được tính hiệu quả của hệ thống
Tính hiệu quả của lá chắn Aegis BMD vẫn còn để ngỏ song Nhật Bản vẫn tiếp tục mở rộng phòng thủ tên lửa. Bộ Quốc phòng Nhật Bản tiết lộ đang xem xét triển khai hệ thống Aegis BMD trên mặt đất. Hệ thống này cho phép tăng cường phòng thủ và kết nối với hệ thống Aegis BMD trên biển, nâng cao hiệu quả đánh chặn.
Japan Times từng nhận định, chỉ cần 2 cơ sở Aegis BMD trên bờ có thể bảo vệ toàn bộ Nhật Bản trước mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.