CNN dẫn nguồn tin Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ (MDA), cho biết Mỹ và Nhật Bản đã phối hợp đánh chặn thành công tên lửa đạn đạo tầm trung giả định bằng tên lửa đánh chặn SM-3 phóng từ tàu khu trục.
Thông báo của MDA nói rằng, tàu khu trục USS John Paul Jones phát hiện, theo dõi và đánh chặn mục tiêu tên lửa đạn đạo tầm trung giả định bằng tên lửa SM-3, lô IIA.
Thử nghiệm diễn ra vào đêm 3/2, ngoài khơi đảo Hawaii và Kauai. Tên lửa SM-3, lô IIA là nòng cốt trong hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis BMD phóng từ các tàu khu trục Aegis của Mỹ và Nhật Bản.
“Thử nghiệm thành công hôm nay thể hiện cột mốc quan trọng trong sự hợp tác phát triển tên lửa SM-3, lô IIA. Tên lửa được phát triển bởi chính phủ và đội ngũ công nghiệp Mỹ và Nhật Bản là cực kỳ quan trọng đối với hai quốc gia chúng tôi, cải thiện khả năng của chúng tôi để bảo vệ chống lại các mối đe dọa ngày càng tăng từ tên lửa đạn đạo trên khắp thế giới”, Phó đô đốc Jim Syring, giám đốc MDA, nói.
Tên lửa đánh chặn SM-3, lô IIA phóng đi từ tàu khu trục Aegis đêm 3/2. Ảnh: CNN |
Thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa diễn ra trong bối cảnh tân Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis vừa có chuyến công du đầu tiên đến Hàn Quốc và Nhật Bản. Phòng thủ tên lửa được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự, sau khi Triều Tiên liên tục thử nghiệm tên lửa đạn đạo trong năm 2016.
Trọng tâm trong chuyến thăm Hàn Quốc của Bộ trưởng Mattis là kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trong năm nay. Trước đó, Trung Quốc đã phản đối mạnh mẽ kế hoạch triển khai THAAD. Bắc Kinh cho rằng việc triển khai đe dọa an ninh nước này, cũng như chiến lược mở rộng liên minh quân sự.
Tại Hàn Quốc, ông Mattis nhấn mạnh, hành vi khiêu khích của Triều Tiên là lý do duy nhất để triển khai THAA nên các quốc gia khác không cần phải lo ngại về THAAD. Aegis BMD và THAAD có cơ chế hoạt động tương tự nhau nhưng Trung Quốc lại phản đối việc triển khai.
Khi được hỏi về vụ thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngày 6/2 cho biết hệ thống phòng thủ tên lửa đặt ra vấn đề lòng tin giữa các cường quốc quân sự.
“Các nước không nên chỉ coi trọng lợi ích của mình mà cần phải tôn trọng mối quan tâm an ninh của nước khác. Chúng ta cần tuân thủ nguyên tắc giữ gìn sự ổn định chiến lược toàn cầu và không làm điều gì tổn hại đến an ninh nước khác”, phát ngôn viên Lu nói.
Hệ thống Aegis BMD được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo ở giai đoạn giữa của chuyến bay, khi tên lửa đạt điểm cao nhất trên quỹ đạo trái đất. Trái tim của hệ thống là radar AN/SPY-1 có thể theo dõi cùng lúc 100 mục tiêu.
Hải quân Mỹ có 22 tuần dương hạm và 62 tàu khu trục được trang bị hệ thống Aegis. Nhật Bản có 6 tàu khu trục Aegis cùng kế hoạch đóng mới thêm nhiều tàu nữa. Hàn Quốc cũng có một số tàu khu trục Aegis được trang bị rất tốt.