Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỹ gián tiếp thừa nhận thất bại của dự án tàu chiến ven biển

Hải quân Mỹ đang đề xuất phát triển tàu hộ vệ tên lửa mới để bổ sung cho tàu chiến ven biển, một sự thừa nhận dự án tàu chiến được ví von là F-35 của đại dương đã thất bại.

Sau nhiều năm chậm tiến độ, tăng chi phí, cùng hàng loạt vấn đề về kỹ thuật, Hải quân Mỹ đang tìm cách bổ sung cho chương trình tàu chiến ven biển (LCS) gặp nhiều khó khăn bằng một con tàu có cùng vai trò nhưng tốt hơn.

Tạp chí National Interest cho biết, ngày 11/7 Hải quân Mỹ đưa ra yêu cầu chính thức cho thiết kế tàu hộ vệ tên lửa mới, được gọi là Chương trình Thay thế Tàu hộ vệ mang tên lửa dẫn đường FFG (X).

USNI News, tờ tin tức của Viện Hải quân Mỹ, mô tả FFG (X) là tàu bổ sung vai trò chiến đấu còn thiếu trên chiến hạm LCS. Kế hoạch của Hải quân Mỹ đề xuất đóng mới 20 tàu, chiếc đầu tiên sẽ đặt ky vào năm tài chính 2020.

Hạm đội 20 tàu chiến này có thể lấp đầy khoảng trống được tạo ra khi Lầu Năm Góc tuyên bố giảm số lượng mua LCS từ 55 xuống còn 32 trong năm 2014.

Một số nhà phân tích cho rằng, việc Hải quân Mỹ đề xuất phát triển tàu hộ vệ mới là một sự thừa nhận gián tiếp thất bại đối với dự án LCS.

Be boi chien ham LCS anh 1
Phiên bản Độc Lập (trước) và Tự Do (sau) thuộc dự án LCS. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Tờ USNI bình luận: “Theo nhiều cách, thiết kế FFG (X) vượt xa những gì mà LCS có thể làm, đặc biệt là tác chiến mặt nước”. Trong khi đó, theo bản đề xuất của Hải quân Mỹ, FFG (X) có thể tác chiến phối hợp biên đội tàu, hoặc thực hiện nhiệm vụ độc lập tùy thuộc vào yêu cầu trên thực địa.

Phiên bản mới sẽ sử dụng các hệ thống không người lái để mở rộng tầm hoạt động của các cảm biến, hệ thống vũ khí, cung cấp thông tin chiến thuật cho hoạt động của tàu, cũng như hạm đội.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích đặt câu hỏi, tại sao Hải quân Mỹ phải khởi động một dự án tàu hộ vệ mới, thay vì nâng cấp đội tàu LCS hiện có. Nhưng một số khác lại cho rằng, cho dù có nâng cấp thêm thì LCS vẫn tồn tại nhiều lỗ hổng trong thiết kế.

Be boi chien ham LCS anh 2
Chiến hạm LCS bắn thử tên lửa chống hạm NSM của Na Uy. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Theo một bài phân tích trên trang The Drive, phiên bản tàu chiến mặt nước nhỏ SSC, thuộc dự án LCS cần thêm 70 triệu USD nhưng vẫn còn nhiều thiếu sót lớn, thiếu khả năng phòng không. Giới phân tích Mỹ nhiều lần đặt câu hỏi, mục đích thực sự của Hải quân Mỹ khi phát triển LCS để làm gì?

Dự án LCS được chia thành 2 phiên bản Tự Do, tải trọng 3.500 tấn và Độc Lập, tải trọng 3.100 tấn. Tuy có lượng choán nước khá lớn nhưng vũ khí trang bị cho tàu LCS lại rất hạn chế. Tàu được vũ trang pháo 57 mm, tên lửa phòng không tầm thấp RIM-116, tên lửa đa năng Hellfire.

Trong bản thuyết minh dự án, nhà thầu chính Lockheed Martin nói rằng sẽ phát triển module vũ khí đi kèm cho LCS tùy vào yêu cầu nhiệm vụ. Tuy nhiên, module vũ khí đến nay vẫn chưa hoàn thành và tính năng liên tục bị chỉ trích.

Một số ý kiến cho rằng, thiết kế của LCS chủ yếu để đối phó với đội tàu cao tốc của Hải quân Iran, trong khi đó, Hải quân Mỹ là lực lượng toàn cầu, các tàu chiến của Nga, Trung Quốc mới là đối thủ chính của họ.

Năm 2010, Hải quân Mỹ dự định bắt đầu chu kỳ mua sắm kéo dài 30 năm với tổng kinh phí khoảng 40 tỷ USD. Chi phí trung bình mỗi tàu khoảng 430-440 triệu USD, trong khi đó báo cáo tài chính năm 2011, đơn giá mỗi tàu lên đến 1,8 tỷ USD, bao gồm cả chi phí phát triển. LCS được ví von là F-35 của đại dương. 

Chiến hạm LCS bắn thử tên lửa đa năng Hellfire Tàu chiến ven biển LCS phóng 3 tên lửa đa năng Hellfire đánh trúng mục tiêu di chuyển trên biển.

Chuyên gia: Mỹ cần 2.000 tên lửa để đối phó Triều Tiên

Nhà phân tích kỳ cựu nhận xét nếu muốn ngăn chặn chương trình tên lửa Triều Tiên bằng không kích, Mỹ cần 150 máy bay ném bom và 2.000 tên lửa hành trình.

Tàu ngầm Trung Quốc có thể vượt Mỹ về khả năng tàng hình

Kỹ sư hàng đầu Trung Quốc tiết lộ hệ thống động lực mới có thể giúp các tàu ngầm nước này chạy êm và khó bị phát hiện hơn so với tàu của Mỹ.



Quốc Việt

Bạn có thể quan tâm