Trở về sân bay Tân Sơn Nhất hôm 19/3 từ Hawaii (Mỹ) sau chuyến công tác dài 5 ngày, chị Nguyễn Trịnh Trang (38 tuổi) sẵn sàng tinh thần để đi cách ly tập trung. Chị là một trong những người đầu tiên đến cách ly tại Ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM.
Chị Trang cho biết ngày đầu tiên đến khu cách ly là cuối tuần, chị và các bạn cùng phòng chủ yếu dành thời gian dọn dẹp, sắp xếp không gian sống tại khu cách ly. Đến thứ 2, chị trở lại với cuộc sống của một "nhân viên công sở" chính hiệu với những cuộc họp trực tuyến và công việc như mọi ngày.
Cuộc sống cách ly chỉ khác với ngày thường ở chỗ chị có nhiều thời gian hơn cho bản thân, tập yoga, đọc sách, trò chuyện và học cách sống tối giản.
Chị Trang tập yoga tại phòng cách ly. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Người phụ nữ 38 tuổi chia sẻ nếu mỗi người chỉ coi chỗ cách ly là nơi ở tạm bợ trong 14 ngày thì 14 ngày trôi qua cũng sẽ tạm bợ, cau có, nhìn đâu cũng thấy dơ bẩn. Nếu biến nơi cách ly thành "nhà", bày trí sạch đẹp, lau dọn, trang trí thì sẽ có cảm giác như ở nhà.
Dù thích nghi tốt với môi trường cách ly, chị Trang cho rằng vẫn nên kiểm soát việc tiếp tế cho người cách ly. Nếu các khu cách ly xây dựng một quy trình, quy định tiếp tế nghiêm ngặt thì sẽ giảm gánh nặng cho cơ quan chức năng.
"Tiếp tế có tổ chức sẽ giúp Nhà nước hạn chế các chi phí phát sinh quá lớn để đảm bảo cuộc sống cho người cách ly", chị Trang chia sẻ tại khu cách ly.
Những ngày ở khu cách ly, chị Trang không chỉ bận rộn với công việc truyền thông của mình mà còn dành nhiều thời gian, công sức kêu gọi cộng đồng chung tay quyên góp cho việc chống dịch.
"Trước khi phàn nàn và đòi hỏi cho bản thân khi bước vào khu cách ly, hãy nhớ là chúng ta có 14 ngày hoàn thành cách ly và có thể về nhà, còn các y tá, bác sĩ, nhân viên y tế, dân quân, nhân viên hội chữ thập đỏ ở tuyến đầu trong cuộc chiến này không chỉ có 14 ngày", chị chia sẻ.
Chị Trang bày trí nơi cách ly để có cảm giác giống như ở nhà. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Chị Trang kêu gọi những người đang sống trong khu cách ly, đặc biệt là du học sinh và gia đình, chung tay cùng Tổ quốc trong cuộc chiến chống Covid-19 bằng cách ở nhà, đeo khẩu trang và san sẻ gánh nặng chi phí cách ly bằng cách quyên góp cho Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Chia sẻ với Zing.vn, chị cho biết bản thân đã đóng góp 5 triệu đồng. 2 bạn cùng phòng của chị trong khu cách ly cũng đã tự nguyện đóng góp bằng hình thức tương tự. Ngoài ra, lời kêu gọi của chị cũng đã được hơn 50 bạn bè hưởng ứng và tham gia đóng góp. Mỗi người chung tay 1-2 triệu để cùng cả nước chống dịch.
MTTQ Việt Nam tiếp nhận ủng hộ tài chính của các tổ chức, cá nhân để phòng, chống dịch Covid-19 thông qua 2 hình thức:
1. Qua tài khoản ngân hàng: Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Số tài khoản 1483201009159, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, chi nhánh Thủ đô.
2. Tiếp nhận bằng tiền mặt: Phòng Kế hoạch – Tài chính (109, 111), Văn phòng cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. 46 Tràng Thi - Hà Nội. Điện thoại: 0243 8256326; 02438256536.
Khi chuyển tiền ủng hộ, quý cơ quan, người ủng hộ ghi rõ nội dung chuyển tiền: Ủng hộ phòng chống dịch Covid-19.
Thời gian tổ chức vận động, quyên góp dự kiến là 45 ngày, kể từ ngày Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ra lời kêu gọi (17/3-30/4/2020).