"MTTQ có nhiều hình thức tiếp nhận, đảm bảo việc ủng hộ chống dịch Covid-19 của người dân thuận lợi nhất. Mọi thông tin công khai và hết sức minh bạch", Phó chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh khẳng định.
Sáng 17/3, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Lễ phát động toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19. Ngay trong ngày, các cơ quan, đơn vị, cá nhân đã ủng hộ số tiền hơn 236 tỷ đồng.
Trò chuyện với Zing.vn, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh chia sẻ rõ hơn về việc công khai cũng như cách thức phân bổ các nguồn lực sao cho đúng đối tượng và hiệu quả nhất.
- Thưa ông, đến nay MTTQ Việt Nam đã có kế hoạch, chiến lược và hành động cụ thể gì để cùng Chính phủ, Nhà nước và nhân dân vượt qua đại dịch Covid- 19?
- Dịch Covid-19 diễn ra ở rất nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Với vai trò của mình, MTTQ Việt Nam đã phối hợp với các tổ chức thành viên từ cấp Trung ương đến cơ sở, triển khai nhiều hoạt động.
Ngay sau Tết Nguyên đán, ngày mùng 7 tháng Giêng, MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc với hơn 2.000 cán bộ MTTQ và các tổ chức thành viên, triển khai công văn của Ban Bí thư và Chỉ thị của Thủ tướng về phòng chống dịch Covid-19. Hội nghị đã thông tin, vận động để người dân hiểu rõ giải pháp và chủ trương nhất quán của Chính phủ, Đảng trong phòng, chống dịch.
Suốt hơn 1 tháng qua, hệ thống mặt trận các cấp đã làm tốt công tác tuyên truyền xuống đến tận khu dân cư, góp phần quan trọng trong nâng cao nhận thức của người dân, phổ biến thông tin và biện pháp phòng chống dịch bệnh. Đó cũng là một trong những thành công của giai đoạn 1.
Sang giai đoạn 2, Chính phủ và Ban Bí thư đã có những quyết sách rất sớm để tiếp tục phòng chống dịch với phương châm “chống dịch như chống giặc”, đảm bảo tính mạng, sức khỏe và an toàn cho người dân, không để người dân thiệt hại. Bằng mọi biện pháp, mọi nguồn lực phòng chống dịch, kiên quyết không để dịch lây lan rộng trên cả nước.
Quán triệt tinh thần đó, MTTQ Việt Nam tiếp tục cùng các tổ chức thành viên phối hợp với chính quyền các cấp, ban chỉ đạo phòng chống dịch ở các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền cho nhân dân, thực hiện nghiêm giải pháp về phòng chống, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng.
Để triển khai chương trình này, ngày 11/3, MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến lần thứ 2, quán triệt công điện của Ban Bí thư và các chỉ thị của Thủ tướng. Bên cạnh đó là những giải pháp do lãnh đạo Bộ Y tế đến truyền đạt trực tiếp.
MTTQ Việt Nam cũng phối hợp với Chính phủ tạo ra các nguồn lực để sẵn sàng hỗ trợ cho lực lượng tham gia chống dịch trong giai đoạn tới đây.
Sau khi xin ý kiến của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thống nhất với Chính phủ, sáng 17/3, MTTQ Việt Nam tổ chức Lễ phát động toàn dân ủng hộ phòng chống dịch Covid-19.
Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên cũng như tinh thần đoàn kết và tấm lòng tương thân tương ái theo đạo lý của dân tộc Việt Nam. Đây là nguồn động viên khích lệ to lớn trong lúc này. Sự kiện này được lãnh đạo Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm. Trực tiếp Thủ tướng dự, phát biểu ý kiến, động viên các lực lượng và toàn dân, chỉ ra những việc cần phải làm.
MTTQ Việt Nam đã vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm, người Việt Nam ở nước ngoài, chiến sĩ của các lực lượng vũ trang… cùng chung tay ủng hộ bằng cả tinh thần, vật chất, trí tuệ và tiền của theo khả năng và công sức của mình, chung tay cùng Chính phủ thực hiện việc phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả.
- Với nhiều nguồn hỗ trợ trong đợt kêu gọi này, MTTQ Việt Nam dự kiến phân phối như thế nào, giám sát ra sao để có thể đưa tiền, hàng hoá đến đúng đối tượng, phát huy hiệu quả cao nhất?
- Ngay sau Lễ phát động, MTTQ Việt Nam phối hợp với Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch bàn và thống nhất về nội dung, đối tượng, hình thức để tổ chức triển khai việc phân bổ nguồn lực do các tổ chức, cá nhân đóng góp; đảm bảo nguồn lực này được thực hiện đúng mục đích, đúng đối tượng cũng như kịp thời về mặt thời gian.
Cụ thể, chúng tôi dự kiến tập trung hỗ trợ các lực lượng đang ngày đêm trực tiếp phục vụ phòng, chống dịch. Tiếp đó là hỗ trợ đối tượng ở cơ sở cách ly có điều kiện khó khăn; hỗ trợ về vật dụng, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch của toàn dân. Đặc biệt, ở những nơi đông người, cần số lượng thiết bị y tế thì có thể hỗ trợ mua, trang bị trong bối cảnh ngân sách Nhà nước chưa đáp ứng kịp.
Ngoài ra, trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu phát sinh những vấn đề cần hỗ trợ nhanh chóng nhất, chúng tôi sẽ thống nhất để đưa ra định mức, cách thức phù hợp.
Mục tiêu chính là tất cả nguồn lực này dùng để phòng, chống dịch Covid-19 ở Việt Nam.
Việc phân bổ nguồn hàng đến các đối tượng có công bằng và đúng đối tượng hay không, hoặc tình huống xấu nhất là có thất thoát hay không, đều được chúng tôi tính đến.
Chúng tôi bằng hệ thống kết hợp giữa cơ quan phân bổ, cơ quan tiếp nhận và đối tượng được tiếp nhận đã xây dựng được một quy trình cho việc này. Ví dụ, cơ quan quản lý về nguồn lực yêu cầu cơ quan tổ chức thực hiện là MTTQ lập danh sách, xác định nội dung, đối tượng. Nhưng nơi quản lý đối tượng đó phải có xác nhận và người thực hiện chịu trách nhiệm về việc này. Khi có đủ thủ tục mới chuyển hàng hỗ trợ và luôn yêu cầu phải chuyển đúng.
Quy trình này giảm bớt rất nhiều chuyện hỗ trợ không đúng đối tượng hoặc có thể thất thoát. Tất nhiên, không loại trừ trường hợp người dân khai báo không đúng, hay cán bộ cố tình làm sai. Với những trường hợp này, chúng tôi kiên quyết xử lý, thu hồi thất thoát.
Nhiều năm trở lại đây chúng tôi đã làm công việc này ở MTTQ tất cả các cấp và gần như không có chuyện thất thoát, tư túi. Chúng tôi quán triệt đây là chính sách dành cho những người bần cùng, khó khăn nhất nên không ai có thể đạp lên cái đó.
- Vậy với vai trò là cơ quan vừa phát động phong trào, vừa đại diện tiếp nhận và phân phối, MTTQ Việt Nam đưa ra cam kết gì với những cá nhân, tổ chức tin tưởng, ủng hộ cuộc phát động?
- Ngay tại lễ phát động, tôi thay mặt Ủy ban MTTQ Việt Nam đã có lời cảm ơn và lời hứa với Thủ tướng, rằng MTTQ Việt Nam sẽ cùng các cơ quan, ban ngành, địa phương vận động tối đa ủng hộ để chuyển tới tất cả đối tượng. Chúng tôi cũng sẽ thống nhất về nội dung, đối tượng, thành phần để phân bổ nguồn lực này hợp lý, công bằng.
MTTQ sẽ công khai tên và đóng góp của từng cá nhân, tổ chức cũng như nội dung nguồn lực họ đóng góp được phân bổ vào việc gì, định mức là bao nhiêu.
Vừa rồi chúng tôi tiếp nhận 1 triệu lít sữa của doanh nghiệp, sau đó đã bàn với Ban chỉ đạo quốc gia rồi chuyển toàn bộ đến các cơ sở điều trị cho các y bác sĩ, lực lượng vũ trang và những người ở nơi cách ly hoặc đang điều trị. Sau đó, đơn vị ủng hộ chuyển thẳng đến các cơ sở ấy và bàn giao.
MTTQ Việt Nam không trực tiếp cầm tiền hay vật chất mang đi phát mà chúng tôi vừa là cầu nối, vừa phân phối để tránh tình trạng một địa chỉ có nhiều người ủng hộ, địa chỉ khác lại không có.
MTTQ công khai mọi thông tin và hết sức minh bạch trong chuyện đóng góp, ủng hộ.
- Các cá nhân, đơn vị có nhiều nguồn lực và cách thức ủng hộ khác nhau. Có người muốn đóng góp tiền, người muốn ủng hộ vật dụng bảo hộ hay thiết bị y tế, hoặc có người muốn đóng góp trí tuệ, sức lực. Vậy MTTQ Việt Nam làm thế nào để người dân, doanh nghiệp có thể tham gia đóng góp một cách thuận lợi nhất?
- Trước hết, chúng tôi mở một tài khoản của MTTQ Việt Nam ở cấp Trung ương, hướng dẫn MTTQ các tỉnh, thành mở tài khoản tại các ngân hàng ở địa phương mình, thông báo công khai số tài khoản này để các tổ chức, cá nhân sẽ gửi tiền vào đây bằng 2 hình thức: Gửi tiền trực tiếp tại các ngân hàng hoặc chuyển tiền online.
Việc đóng góp bằng vật chất khác, nếu là các thiết bị y tế, sẽ chuyển đến cơ sở y tế các cấp.
Nếu là lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác thì chúng tôi có các tổ tiếp nhận, thống nhất với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp việc phân bổ đến cơ sở nào, số lượng bao nhiêu. MTTQ Việt Nam có thể chuyển trực tiếp đến đó, hoặc phối hợp thống nhất địa điểm để đơn vị ủng hộ chuyển trực tiếp đến nơi nhận được chỉ định.
Như vậy tức là luôn có nhiều hình thức tiếp nhận, phù hợp với từng đối tượng, đảm bảo việc đóng góp, ủng hộ của mọi người được thuận lợi nhất.
Với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, chúng tôi đã gửi thông điệp của Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cho 17 ủy viên Ủy ban MTTQ đang sinh sống ở nước ngoài, sau đó, họ sẽ gửi thông điệp này cho đại diện cộng đồng người Việt ở mỗi nước để biết rằng Chính phủ, MTTQ Việt Nam kêu gọi đồng bào cả nước và các kiều bào cùng chung tay đóng góp. Chúng tôi có thông báo số tài khoản, sẵn sàng tiếp nhận các khoản đóng góp của kiều bào và phân bổ theo quy định chung ở trong nước.
Việc đóng góp không chỉ có ý nghĩa về mặt vật chất mà còn ý nghĩa rất quan trọng về tinh thần, đạo lý. Hơn nữa, đây là nguồn lực rất đáng kể, đến nay đã có hơn 200 tỷ rồi.
Nguồn lực để tham gia phòng chống dịch phải là tổng hợp của nhiều yếu tố, từ nhiều sự đóng góp khác nhau. Việc vận động quỹ này nhằm mục đích cao nhất là thể hiện tấm lòng tương thân tương ái, để thấy trong lúc hoạn nạn, khó khăn nhất, mọi người đều chung tay để hỗ trợ, giải quyết các khó khăn.
Nếu tất cả chung tay đóng góp, chúng ta sẽ có lượng tiền nhất định, cần thiết trong giai đoạn hiện nay, để cùng Chính phủ giải quyết những vấn đề cần nhanh, đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch bệnh.
Chia sẻ với những khó khăn, vất vả của người dân, và sự quyết tâm của Chính phủ trong giai đoạn này, chúng tôi cũng nhận thấy vai trò của mình hiện nay là hết sức lớn lao. Theo quy định, MTTQ là cơ quan đại diện cho nhân dân, là trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Lúc này, không ai hết ngoài MTTQ cùng các tổ chức thành viên phải vận động nhân dân ủng hộ chủ trương của Đảng, quyết tâm của Chính phủ và các cơ quan, ban ngành, địa phương trong việc phòng, chống dịch. Chỉ khi nào vận động dân hiểu, tin tưởng, sẵn sàng tham gia tích cực thì lúc đó kết quả mới thành công tuyệt đối. Còn nếu chỉ có một vế từ lãnh đạo, chỉ đạo mà không có sự ủng hộ của người dân thì rất khó khăn.
- Vừa qua, xuất hiện nhiều tư tưởng kỳ thị người nhiễm bệnh dịch cũng như với du khách nước ngoài. MTTQ với hệ thống tới tận cơ sở của mình cần làm gì để người dân hiểu, tránh thông tin sai lệch khiến tâm thế xã hội bất ổn?
- Ở một lúc nào đó, ở nơi nào đó có dư luận, có biểu hiện xa lánh người bệnh, kỳ thị người nước ngoài vì nghĩ họ làm lây nhiễm bệnh vào Việt Nam là khó tránh khỏi, và đang có.
Để giải quyết vấn đề này, không có cách nào khác là phải vận động, tuyên truyền người dân tin vào sự chỉ đạo của các cấp. Hãy nghĩ rằng dịch bệnh không chừa một ai, hôm nay người này nhiễm, ngày mai rất có thể là mình. Và bản thân những người bị nhiễm bệnh, với họ đó cũng là điều không mong muốn.
Trong quá trình vận động, tới đây MTTQ sẽ lồng ghép nội dung này để người dân hiểu rằng kỳ thị người bị bệnh là không nên. Lúc này cần nhất sự chia sẻ, động viên, phối hợp và thông cảm với nhau.
- Chung tay, sát cánh với Chính phủ trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 từ khi dịch xuất hiện ở Việt Nam, có những câu chuyện cụ thể nào mà ông thấy ấn tượng?
- Tôi còn nhớ đêm 30 Tết, Thủ tướng, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các bộ, ban, ngành đã ngồi bàn về dịch bệnh. Khi chúng ta đã thống nhất dù Việt Nam chưa có ca nhiễm nhưng dịch diễn ra ở Trung Quốc thì Việt Nam không thể tránh khỏi. Ngay đêm 30 Tết, các lãnh đạo đã họp bàn về giải pháp nếu dịch xảy ra thì làm gì, quyết tâm thế nào? Như vậy để thấy Đảng, Chính phủ ta lo cho dân như thế nào. Chính sự quyết tâm và dự báo đúng đắn đó đã đem lại thành công cho giai đoạn 1.
Điều thứ hai tôi muốn chia sẻ, dù có ca nhiễm, Việt Nam tính đến bây giờ chưa có người tử vong vì dịch bệnh. Đây là điều tuyệt vời, cho thấy sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm của đội ngũ y, bác sĩ. Đó không phải là sự may mắn, mà nhờ vào sự chỉ đạo quyết liệt, tinh thần chuyên môn rất cao.
Tôi còn ấn tượng với nhiều hình ảnh xúc động, hay những lá thư, bài thơ, bài hát, video của các nghệ sĩ như "Ghen Cô Vy" đã lan tỏa tinh thần toàn dân tộc phòng chống dịch bệnh, được cả thế giới ghi nhận.
Những hình ảnh xúc động đó cho thấy Việt Nam không chỉ làm cho Việt Nam, mà còn làm cho cả thế giới, tiếp thêm tinh thần, sức mạnh cho các nước.
- Tin tưởng vào các quyết sách và sự chỉ đạo đầy quyết tâm của Đảng, Chính phủ, có khi nào ông cảm thấy lo lắng vì dịch bệnh, lo cho chính mình và gia đình?
- Lo lắng là đúng, vì dịch bệnh không trừ ai cả. Tôi cũng vậy thôi, khi dịch bệnh bắt đầu xuất hiện, tôi nói với người thân của mình không loại trừ đâu, phải hiểu được con đường lây nhiễm và biện pháp phòng chống dịch từ xa. Tôi phải giúp người thân của mình yên tâm để họ tiếp tục lan tỏa tinh thần ấy cho những người khác.
Nếu nói không có tâm lý gì giai đoạn này là không đúng. Mình cũng lo chứ, lo cho toàn dân, trong đó có người thân của mình. Nhưng không phải vì thế mà mình quá sợ hãi và hoang mang. Lúc này càng phải kiên cường và vững chắc nhất, vì mọi người đang nhìn vào xem mình ứng xử thế nào.
Khi giai đoạn 2 của dịch bắt đầu, tôi bàn với Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thống nhất giảm buổi họp, giảm tiếp xúc đông người. Tuy nhiên, Chủ tịch, Phó chủ tịch - Tổng thư ký MTTQ Việt Nam luôn phải có mặt ở cơ quan.
Nếu xem đây là một cuộc chiến đấu, thủ trưởng cơ quan vắng mặt thì anh em mất tinh thần. Chúng tôi thống nhất dù không có cuộc họp cũng phải có mặt ở cơ quan để đọc tài liệu, nghiên cứu và trao đổi công việc, và để anh em có niềm tin.
- Trong bối cảnh dịch bệnh đang gây ra nhiều tâm lý lo lắng, bất an trong cộng đồng, ông muốn chia sẻ gì với người dân cả nước, kiều bào ở nước ngoài?
- Nếu gặp bất cứ người dân nào, dù miền xuôi hay miền ngược, dù thành thị hay nông thôn, điều tôi muốn nói đầu tiên là bà con hãy tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm của Chính phủ và giải pháp của Việt Nam hiện nay. Từ công tác điều trị các ca nhiễm đến giải pháp về phòng chống để sẵn sàng đề phòng, xử lý khi có dịch bệnh.
Hai là mỗi người dân hãy tự bảo vệ chính bản thân mình bằng các biện pháp theo quy định và hãy chia sẻ với những người bên cạnh nếu những người đó không may bị nhiễm hay phải đi cách ly. Chúng ta hãy cùng chia sẻ, đùm bọc, thương yêu để họ có tinh thần vượt qua bệnh dịch.
Ba là hãy chung tay cùng với Chính phủ, cộng đồng để tạo nên sức mạnh tổng hợp cả về tinh thần và vật chất vượt để chúng ta quyết tâm vượt qua dịch Covid-19 với tinh thần mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng chống dịch bệnh.
MTTQ Việt Nam tiếp nhận ủng hộ tài chính của các tổ chức, cá nhân để phòng, chống dịch Covid-19 thông qua 2 hình thức:
1. Tiếp nhận qua tài khoản tại Ngân hàng: Tên Tài khoản: Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Số tài khoản: 1483201009159 Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, chi nhánh Thủ đô.
2. Tiếp nhận bằng tiền mặt: Phòng Kế hoạch – Tài chính (109, 111), Văn phòng Cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. 46 Tràng Thi - Hà Nội. Điện thoại: 0243 8256326; 02438256536.
Khi chuyển tiền ủng hộ, đề nghị quý cơ quan, người ủng hộ ghi rõ nội dung chuyển tiền: Ủng hộ phòng chống dịch Covid-19.
Thời gian tổ chức vận động, quyên góp dự kiến là 45 ngày, kể từ ngày Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ra lời kêu gọi (17/3-30/4/2020).