21h05. Sàn nhà ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất khẽ run lên, chỉ báo những chuyến bay cuối cùng chở người Việt xa xứ đã chạm đất, đang lăn bánh vào ga. Màn hình Flightradar cho thấy có 4 chuyến bay đang đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất cùng lúc, trong đó, có 2 chuyến chở 418 hành khách sẽ vào Ga quốc tế.
- Chuyến bay từ Úc và… - tất thảy 5 bác sĩ và điều dưỡng trong bộ đồ “phi hành gia xanh” kín mít đồng thanh hướng mắt về phía cô gái vừa đưa ra thông báo - Trời! Có chuyến từ Tokyo nữa hả!
Điều dưỡng Vũ Nguyễn Bảo Trinh quan sát các chuyến bay hạ cánh qua phần mềm Flightradar24 và thông báo cho mọi người. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Một khoảng lặng chưa tới 1 giây và rồi tất cả lại trở về với công việc dang dở trước đó, để thông báo kia trôi tuột. Khu nhập cảnh chỉ còn vang lên tiếng bấm chuột lạch cạch, tiếng thử máy in rè rè, tiếng ghế kẽo kẹt như đang sốt ruột chờ đợi.
Những nhân viên và tình nguyện viên kiểm dịch ở Tân Sơn Nhất là hàng rào tuyến đầu ngăn dịch Covid-19 xâm nhập suốt nhiều tháng qua. Công việc của họ là hỗ trợ hành khách khai báo y tế và sàng lọc người cần cách ly y tế.
Nếu khách đến từ hoặc đi qua khu vực có dịch thuộc diện phải cách ly tập trung sẽ được đóng dấu "cách ly" trên xác nhận của Kiểm dịch viên y tế trước khi nhập cảnh.
"Không biết bao giờ thì tới mình"
Chừng 15 phút sau, những tiếng bước chân và tiếng kéo vali rồ rồ vang lên từ cuối sảnh. Tất cả 6 người ngồi trên chiếc bàn Kiểm dịch y tế trong bộ đồ xanh lơ đồng loạt ưỡn thẳng lưng như những tấm khiên, dáng vẻ nghiêm trang như thể đang chuẩn bị tư thế cho một cuộc chiến.
“Em đọc cho anh 6 số cuối của tờ khai.[...] Em từ Mỹ về hen? Em ơi tất cả những người nhập cảnh từ nước ngoài về là cách ly hết nha”, điều dưỡng Hiệp ân cần thông báo.
Điều dưỡng Phạm Văn Hiệp (bên phải) và điều dưỡng Vũ Nguyễn Bảo Trinh (bên trái) là tình nguyện viên tại Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế hỗ trợ tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Tranh thủ lúc ngẩng mặt lên để nghe hành khách đọc 6 số cuối của tờ khai y tế, điều dưỡng Phạm Văn Hiệp (53 tuổi) vội kiểm tra độ dài của hàng người đứng chờ. Lớp người vẫn đứng nối nhau trông ngóng, chưa thấy điểm dừng. Ông Hiệp lại khẩn trương cúi xuống giúp hành khách bổ sung tờ khai, không cả kịp thở dài.
Điều dưỡng Hiệp kể trong suốt hơn một tháng từ Bệnh viện Tim mạch TP.HCM đến sân bay hỗ trợ, hai tuần đầu là giai đoạn khó khăn nhất của tất thảy mọi người. Mỗi ngày, họ tiếp xúc hơn 1.000 người về từ vùng dịch. Có lúc 3-4 chuyến cùng đáp một lúc, từng đoàn người ồ ạt đổ tới, không khoảng nghỉ.
Những ngày cao điểm, họ làm việc liên tục 8 tiếng trong bộ đồ bảo hộ kín bưng. Mồ hôi không dám lau và không dám cả đi vệ sinh vì mỗi lần như vậy, họ đều phải thay hoặc tháo một phần nào đó của đồ bảo hộ và khử khuẩn.
Mọi thứ dường như được đẩy đến giới hạn cao nhất của khả năng chịu đựng bởi một quy trình phòng hộ sai của một người có thể phải trả giá bằng sự rối loạn của cả hệ thống.
Hành khách xếp hàng chờ nộp tờ khai y tế trước khi nhập cảnh. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Ông Hiệp nói nguy cơ lây nhiễm những tuần đầu cao hơn nhiều so với bây giờ bởi khi đó hành khách chưa bắt buộc phải mang khẩu trang, nhân viên y tế cũng chưa có mũ phòng hộ với lớp nhựa trước mặt mà chỉ đeo kính.
“Không biết khi nào đến lượt mình”, đó là câu nói ông Hiệp lặp đi lặp lại khi nghe tin có một ca dương tính từng nhập cảnh Tân Sơn Nhất, hay biết tin một nhân viên y tế nhiễm virus. Ông đùa rằng nếu chẳng may thành "ép phờ" thì trong cái dở có cái may vì... được nghỉ tận 2 tuần.
“Chẳng biết khi nào mình sẽ bị mắc. Sợ chứ! Nhưng càng sợ càng phải làm. Làm rồi mới thấy không đáng sợ", ông tâm sự.
Từ cán bộ y tế thành nhân viên kiểm dịch
"Chỗ nào đăng ký cách ly tập trung thì Nhà nước lo hết. Còn các em yêu cầu ở khách sạn, nếu người ta có danh sách thì các em đăng ký", bác sĩ Mai Hùng Cường (29 tuổi, Bệnh viện quận Thủ Đức) miệng giải thích, tay đóng dấu kiểm dịch đưa cho hành khách rồi lại lập tức quay qua hàng người trước mặt nói: "Cô đọc 6 số cuối tờ khai cô ơi".
Anh Cường kể ca trực nào cũng phải giao tiếp liên tục với hàng trăm người. Hết ca về nhà thấy đau cổ họng, ho ho vài tiếng là tự mình cũng hết hồn không biết có phải đã thành F0 rồi không. Sau đó tự theo dõi thấy ổn, hoàn hồn rồi lại tiếp tục đi làm.
Bác sĩ 29 tuổi bảo mình đi chống dịch chưa kịp sợ mà ai cũng lo giùm cả phần của mình. Khi mới xung phong đi hỗ trợ ở sân bay, anh vẫn giấu không cho ba mẹ ở Quảng Ngãi biết. Nhưng ba mẹ dường như có linh cảm, ngày nào cũng gọi điện hỏi "đòi" con trai cập nhật tình hình dịch bệnh, đi làm như thế nào. Đến một ngày anh thấy không thể giấu được nữa, đành nói thật. Hai cụ tiếp nhận nhẹ nhàng.
"Ba mẹ vẫn biết khi mà quốc gia có những trận dịch như thế này thì chắc chắn một người làm y tế sẽ ra xung phong tuyến đầu để có thể hỗ trợ kiểm soát, giúp đỡ phần nào", anh tâm sự. Được ba mẹ làm hậu phương cổ vũ nhiệt tình, anh càng yên tâm làm việc, sẵn sàng tinh thần cho mọi tình huống.
Người kiểm dịch đưa phiếu kiểm dịch cho khách sau khi hoàn thành khai báo y tế. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Là hàng rào chặn dịch, anh Cường, ông Hiệp và các nhân viên kiểm dịch ở đây cũng là những người đầu tiên chịu ảnh hưởng bởi loạt chính sách cách ly thay đổi liên tục thời gian qua. Vất vả nhất là cứ mỗi khi có công văn mới đến, lại có một quy định thay đổi khiến các cán bộ y tế vốn dĩ chỉ quen việc khám, chữa bệnh lại phải thích nghi, học thuộc từng quy định mới.
“Ví dụ mình mới cho người Nhật đi qua nhưng chỉ cần nửa tiếng sau lại có công văn của Nhà nước nói là phải cách ly thêm nước này. Rồi mấy ngày sau lại thêm nước khác”, ông Hiệp giải thích.
Anh Cường kể thêm hồi đầu, khi khai báo y tế bằng giấy, ngày nào họ cũng phải giải quyết "hàng kilomet giấy tờ". Còn khi khai báo điện tử thì lại phải học sử dụng một phần mềm, thích nghi với những vấn đề mới.
Kiểm tra hộ chiếu hành khách (passport) cũng là phần việc làm khó các nhân viên y tế tình nguyện hỗ trợ tại đây. Một số nước dùng dấu điện tử khiến người kiểm dịch rất khó kiểm tra và nhiều lúc phải trông cậy hết vào độ trung thực của hành khách. Bài toán khó khác là ngôn ngữ khi họ phải nỗ lực giải thích cho hàng trăm người mỗi ngày với đủ các quốc tịch khác nhau.
Ngày trở về
Những người cuối cùng trở về sân bay Tân Sơn Nhất trước ngày tạm dừng nhận khách hoặc rất trẻ - là những du học sinh dưới 30 tuổi, hoặc rất già - là những người mẹ, người cha tuổi quá thất tuần vẫn sẵn sàng vì con bay nửa vòng Trái Đất. Họ có một mẫu số chung là mong muốn "có bệnh cũng phải bệnh ở nhà".
Rời quầy kiểm dịch, hai chị em Phạm Hương Quân (17 tuổi) thoăn thoắt bước về hướng làm thủ tục nhập cảnh, bước chân như có niềm vui. Họ vừa trở về Việt Nam sau hành trình hơn 22 tiếng từ Florida (Mỹ) qua Chicago (Mỹ), Singapore, Tokyo (Nhật Bản).
Hai chị em Phạm Hương Quân (17 tuổi, phải) và Phạm Tú Quyên (16 tuổi, trái) đã định cư và học tập tại Mỹ từ 3 năm nay. Ảnh: Phạm Ngôn. |
“Em muốn về vì bên Mỹ số ca mỗi ngày tăng 3.000 người. Bang Florida thì có khoảng 600 ca dương tính, 11 người tử vong. Nhưng người ta (người Mỹ) không có ‘take it serious’ (nghiêm túc). Họ coi đó là chuyện gì không chạm tới họ”, Quân kể lại tình hình tại Mỹ và rút ra kết luận: “Về Việt Nam thì ‘safe’ hơn”.
Từ Florida sang Chicago, hai chị em lo thon thót rằng sẽ bị hủy chuyến và không thể bắt kịp cơ hội cuối cùng về nước. Để chuẩn bị cho hành trình này, Quân và Quyên đã tự trang bị 2 bộ đồ bảo hộ cùng khẩu trang, bao tay kín mít. Ngược lại với sự cẩn thận của hai chị em, ở sân bay Mỹ, hầu như không ai đeo khẩu trang và họ thường kín đáo liếc nhìn hai cô gái với ánh mắt như nhìn một người bệnh.
“Về đến nước mình thì cảm thấy vui lắm. Chính là cảm giác về nhà dù thực ra vẫn chưa được về nhà ngay đâu”, Quyên hớn hở tâm sự.
Hành khách thực hiện kiểm dịch y tế trước khi nhập cảnh. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Hàng người xếp hàng nhấp nhổm trước bàn kiểm dịch y tế, chốc chốc lại có người phá vỡ hàng lối, luống cuống cầm điện thoại nài nỉ bất kỳ ai đi qua hỗ trợ làm tờ khai y tế điện tử. Trong không gian lộn xộn đó, ở hàng ghế chờ bên hành lang, có một người phụ nữ tuổi cỡ lục tuần, ngồi một mình giữa hàng ghế trống, mắt nhìn về hướng "hàng rào xanh" của các nhân viên kiểm dịch.
Thấy cô như có tâm sự, người viết lại gần cô, hỏi thăm. Cô bảo rằng cô và họ, tay cô chỉ về hướng những nhân viên y tế, đều là những người ẩn danh, ẩn mặt. Nhưng những cái đó không đáng kể, họ mới là những người đáng nói đến. Cô nói nãy giờ cô đang mải ngồi “chỉnh sửa” lại bài thơ "Đất Nước" của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cho “hợp thời”, rồi ngâm rất khẽ:
“Có biết bao người con gái, con trai
Trong chín mươi triệu người khác ta lứa tuổi
Họ đã sống cống hiến
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm nên Đất Nước”
Bác sĩ Mai Hùng Cường hỗ trợ hành khách làm thủ tục khai báo y tế. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Khi chuyến bay cuối cùng trong ngày 24/3 kết thúc, các cán bộ y tế và nhân viên kiểm dịch cất máy tính, dọn dẹp đồ đạc. Họ không biết khi nào sẽ phải quay trở lại. Do các khu cách ly tại TP.HCM gần hết chỗ, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu tạm dừng vận chuyển hành khách về sân bay Tân Sơn Nhất từ 25/3 đến hết 31/3.
Những băng tải bộ bất động. Cả hành lang chỉ còn tiếng nói nhí nhéo từ những video thương mại không người xem. Những biển quảng cáo chưa bao giờ đói khách nay trống trơn mời gọi. Ga Quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất vắng chưa từng thấy.
Hôm nay, hàng rào chống dịch tại khu nhập cảnh của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất tạm nghỉ. Nhưng trong lòng thành phố, một giai đoạn mới của cuộc chiến chống Covid-19 mới đang bắt đầu.