Cô Nguyen Thi Hang tại tiệm tạp hóa của gia đình chồng ở Trung Quốc. Ảnh: AFP |
Khoảng 20 phụ nữ Việt Nam đã về sống với người chồng Trung Quốc tại thị trấn Linqi ở tỉnh Hà Nam những năm gần đây. Địa phương này là một trong những vùng nghèo của Trung Quốc, cách Việt Nam khoảng 1.700 km.
Cô Nguyen Thi Hang, 30 tuổi, đến làm dâu một gia đình Trung Quốc tại làng Weijian ở Linqi từ tháng 11/2013. Hang kể bố mẹ là người thúc đẩy đám cưới giữa cô với người chồng kém 8 tuổi. Hai buổi hôn lễ nhỏ lần lượt diễn ra ở quê Hang và tại Linqi. “Họ (gia đình chồng) đã gửi nhà tôi một khoản tiền, nhưng tôi không dám hỏi bố mẹ về vấn đề này”, cô Hang nói.
Hang là một trong số ít những phụ nữ Việt sống trong gia đình chồng tử tế, dù ban đầu cô rất vất vả để giao tiếp với những người mua hàng tại tiệm tạp hóa của gia đình chồng.
Chồng của Hang là công nhân xây dựng nên thường vắng nhà để đi làm xa. Bố chồng cô, ông Liu Shuanggen, tỏ ra tự hào về thành viên mới trong gia đình. “Phụ nữ Việt Nam cũng như chúng tôi thôi. Họ làm mọi việc và rất chăm chỉ”, ông Liu nói với AFP.
Nguyen Thi Hang nói cô may mắn sống trong gia đình tử tế ở Trung Quốc. Ảnh: AFP |
Do tư tưởng “trọng nam khinh nữ” và chính sách gia đình một con nên Trung Quốc mất cân bằng giới tính nghiêm trọng. Số liệu thống kê cho thấy nước này có 118 bé trai so với 100 bé gái. Đàn ông Trung Quốc buộc phải tìm vợ ở những nước láng giềng. Gia đình chú rể thanh toán chi phí để kết hôn.
Một người bán hàng tên Wang Yangfang nói: “Gia đình cô dâu ở Trung Quốc thường thách cưới bằng nhà cửa và ôt ô. Các gia đình Việt Nam đưa ra yêu cầu phù hợp hơn”.
Những trang web mai mối trực tuyến là đầu mối để thanh niên Trung Quốc tìm vợ tại Việt Nam. Tuy nhiên, một nhân viên cho biết họ phải tìm người thay thế nếu “cô dâu ly hôn hoặc bỏ trốn trong hai tuần đầu tiên”.
Cô dâu Vu Thi Hong Thuy sống tại thị trấn Linqi. Ảnh: AFP |
Không phải cô dâu Việt nào cũng may mắn như Hang. Trong một trại tạm lánh ở Việt Nam, hàng chục cô gái cho biết họ bị bạn bè, bạn trai hoặc chính người thân dụ dỗ để bán sang Trung Quốc làm vợ.
Một tài xế ở Linqi chỉ về hướng một ngôi nhà nhỏ giữa các đỉnh núi, nói đây là điểm đến của những vụ mua bán phụ nữ. “Một số người chạy trốn sau khi đến đây được vài ngày. Nhưng việc bỏ trốn từ nơi này không dễ, vì đây là vùng đồi núi, người quen sống rất nhiều xung quanh. Nếu cô ấy mất tích, họ sẽ liên lạc với nhau để tìm cách đưa cô về”.
Ông Geng Gang, giáo sư xã hội học tại Đại học Chiết Giang, nói không có số liệu chính xác về những phụ nữ là nạn nhân của tình trạng buôn người, “có thể tỷ lệ những vụ hôn nhân cưỡng ép như vậy không lớn”. Tuy nhiên, truyền thông Trung Quốc thỉnh thoảng đưa tin về những vụ “cô dâu bỏ trốn” sau khi đám cưới diễn ra không lâu.
Nhật báo Trung Quốc cho biết cảnh sát Trung Quốc từng “giải cứu và giúp hồi hương” 1.281 phụ nữ nước ngoài bị bắt cóc chỉ trong năm 2012. Phần lớn nạn nhân đến từ Đông Nam Á. Các chuyên gia nhận định có thể còn hàng ngàn trường hợp mà cơ quan chức năng chưa biết đến do tình hình thực thi pháp luật lỏng lẻo ở nông thôn.