Ông Giang A Vang và vợ Vang Thi Xo biểu diễn âm nhạc tại Sapa. Cả hai ông bà lần đầu gặp nhau tại chợ tình cách đây 30 năm. Ảnh: AFP |
Bao đời nay, thanh niên những bộ tộc thiểu số sống rải rác ở miền bắc Việt Nam thường đến chợ tình ở Sapa mỗi tối cuối tuần để tìm bạn đời tương lai. "Tinh thần khi đó rất háo hức. Tôi rất muốn thử liệu có gặp cô nào xinh không", Giang A Vang (50 tuổi), một nhạc công người Hmong, kể về lần đầu tiên ông đến chợ tình cách đây 30 năm.
Trong đêm ấy, ông Giang A Vang phát hiện một cô gái nổi bật giữa chốn đông người. "Lần đầu tiên tôi trông thấy cô ấy là khi tôi đang chơi đàn. Tôi hỏi cô ấy có thích nghe không, cô ấy có thích tôi không, trong lòng có chút lo lắng", ông Giang nhớ lại. May mắn thay, cô gái phản hồi lại lời tỏ tình của ông Giang.
Vài tuần sau, ông Giang quay lại chợ tình để gặp người yêu Vang Thi Xo. Hai người cùng chơi nhạc theo nghi thức tìm hiểu nhau của đôi trai gái người Hmong. Ông Giang kéo đàn, bà Xo thổi kèn lá. Cả hai nhanh chóng tổ chức đám cưới, họ ở bên nhau đến tận bây giờ.
"Tôi là người đàn ông may mắn vì gặp bà ấy ngay tại chợ tình. Nhưng tôi nghĩ bà ấy cũng rất may khi gặp được tôi”, ông Vang đùa.
Chợ tình thay đổi
Những năm gần đây, Sa Pa trở thành địa điểm du lịch vô cùng phổ biến, thu hút rất đông du khách trong nước và quốc tế đến thăm thị trấn đẹp như tranh vẽ, với những đồng ruộng bậc thang và phong cảnh ấn tượng. Lượng du khách đến Sa Pa tăng vọt từ 360.000 người trong năm 2003 lên 1,2 triệu người vào năm 2013.
Theo bà Vang Thi Xo, phát triển du lịch cải thiện cuộc sống người dân nhưng cũng ảnh hưởng đến bản sắc và phong tục truyền thống.
"Chợ tình từng rất có ý nghĩa với tôi, vì tôi đã gặp người tốt như chồng tôi ở đây. Nhưng giờ thì tôi không thích nó nữa. Người ta chơi nhạc cho vui thôi, họ chơi cho du khách nghe để kiếm tiền. Còn chúng tôi thì như mất đi một phần văn hóa", bà Vang Thi Xo cho biết.
Bà Ly Thi My (54 tuổi) cũng gặp chồng mình tại chợ tình ở Sa Pa. Ảnh: AFP |
Còn ông Vang cho rằng ngày càng nhiều thanh niên đến Sa Pa để đi học hoặc làm việc trong ngành du lịch, họ không muốn tìm kiếm tình yêu ở chợ tình hay những cuộc hôn nhân qua sắp đặt nữa. "Bọn trẻ gặp bạn trai, bạn gái ở làng hoặc ở thị trấn. Chúng nó tự chọn đối tượng của mình. Tôi muốn các con tôi tự tìm chồng hoặc vợ. Như vậy tốt hơn", ông Vang nói.
Sa Pa không có sân bay, người ngoại tỉnh chỉ có thể đến đây bằng đường tàu hỏa hoặc đi ô tô, xe máy một quãng đường dài từ Hà Nội. Sự hẻo lánh này không làm sờn lòng khách du lịch. "Rất nhiều du khách đến chợ tình, đưa tiền cho các cặp đôi người dân tộc để họ biểu diễn. Bây giờ người ta chơi nhạc chỉ để trình diễn chứ không vì mục đích như xưa nữa", bà Ly Thi My (54 tuổi), người Hmong, nói. Bà Ly cũng gặp chồng tại chợ tình Sa Pa.
Từ kèn lá đến điện thoại di động
Không chỉ vì du lịch, bà My nói điện thoại di động và Internet cũng là nguyên nhân khiến truyền thống thay đổi. "Trước đây, con trai huýt sáo trước cửa nhà người con gái, cô ta thổi kèn lá nếu muốn nói mình cũng quan tâm cậu ấy. Bây giờ bọn trẻ có di động, mọi việc dễ dàng hơn nhiều. Tôi thích những thử thách yêu như ngày xưa hơn, giá mà được trở về 20 năm trước".
Một phụ nữ Hmong khác, bà Ly Thi Do (52 tuổi), nói chợ tình ngày càng trở thành "trò vui". "Trước khi du khách đổ về đây thì tôi còn nhỏ lắm. Chợ tình chỉ cho người trong làng thôi. Bây giờ chợ tình trở thành việc kinh doanh rồi. Tất cả mọi người đến đây để kiếm tiền và bán nữ trang".
Chris Carnovale, một người đào tạo ngành du lịch tại Đại học Capilano (Canada), cho rằng không nên đổ lỗi cho du lịch. "Du lịch ở Sa Pa đã bắt đầu trong 100 năm, nên không công bằng khi nói du lịch đã thay đổi văn hóa các dân tộc thiểu số. Văn hóa người Hmong rất bền vững. Nếu họ muốn thay đổi thì nó sẽ thay đổi".
Các cô gái Hmong sử dụng điện thoại di động. Ảnh: AFP |
Ông Carnovale đang quản lý một dự án tại Sa Pa giúp người dân địa phương biết cách phát triển hình thức du lịch "ở nhà dân"(homestay) cho người địa phương. Theo ông Carnovale, khi Sa Pa ngày càng thu hút du khách các nơi, chợ tình cũng biến chuyển trở thành nơi gặp mặt của cả du khách chứ không chỉ cho dân địa phương. "Vẫn có những chợ tình thật sự của người Hmong đấy, nhưng tôi không tiết lộ đâu", ông nói.
Dù chợ tình tại Sa Pa đông đúc và nhộn nhịp hơn, vẫn có một số thanh niên dân tộc đến đây để tìm kiếm tình yêu thực sự. Anh nông dân Ha Ngasu (26 tuổi) đã đến chợ tình vài lần để tìm vợ. "Bố mẹ tôi gặp nhau ở chợ tình, nên tôi cũng muốn như vậy", anh chia sẻ, kế bên là cô gái đang hẹn hò cùng anh, Giang Thi Si (16 tuổi).
Ha Ngasu và Giang Thi Si từng gặp nhau ở làng, nhưng cả hai chưa bao giờ nói chuyện. Hai người dành những đêm ở chợ tình để tâm sự và thưởng thức âm nhạc được tổ chức phục vụ du khách. "Tôi thích ngồi đây với anh ấy. Tôi không biết nữa, nhưng tôi có thích anh ấy chút xíu", Si nói.