Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Cuộc quyết đấu của hai tướng Sudan có nguy cơ tràn khỏi biên giới

Xung đột tại Sudan phần nào khiến thế giới tập trung vào "lục địa đen" - khu vực mới trong cạnh tranh quyền lực giữa các cường quốc, song chưa được chú ý nhiều.

Xung dot sudan anh 1

Giao tranh tại Sudan vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy hai bên sẽ hạ vũ khí, trong bối cảnh người dân thủ đô Khartoum và công dân quốc tế dần sơ tán khỏi các vùng chiến sự.

Hàng nghìn người dân Sudan mắc kẹt khi xung đột tiếp diễn, kỳ vọng tiếng súng đạn sẽ ngừng trên các tuyến phố ở thủ đô Khartoum, nơi vốn từ lâu không xảy ra xung đột.

Về bản chất, đây là giao tranh giành quyền lực giữa chỉ huy quân đội Sudan Abdel Fattah al-Burhan và chỉ huy lực lượng bán quân sự RSF Mohamed Hamdan "Hemedti" Dagalo. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng những tác động mà xung đột này mang lại còn rộng hơn quy mô quốc gia.

Xung dot sudan anh 2

Nguyên nhân của tình trạng bạo lực tại Sudan bắt nguồn từ cuộc tranh giành quyền lực giữa chỉ huy quân đội nước này Abdel Fattah al-Burhan (trái) và chỉ huy Lực lượng Phản ứng nhanh Mohamed Hamdan Dagalo. Ảnh: Financial Times.

Tác động lan rộng

Trả lời Zing, tiến sĩ Joseph Siegle (Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược châu Phi) cho biết xung đột tại Sudan xảy đến bất ngờ, vì quốc gia đang tiến tới quá trình chuyển giao cho chính phủ dân chủ. Ngoài ra, Sudan tương đối yên bình so với những quốc gia có xung đột nhỏ lẻ như Mali, Burkina Faso, Chad hay Ethiopia gần đây.

“Trên thực tế, đã không xảy ra xung đột ở thủ đô Khartoum trong một thế kỷ”, ông Siegle nói.

Đồng quan điểm, tiến sĩ Olaf Bachmann, nhà nghiên cứu châu Phi từ King's College London, cho rằng trước xung đột, Sudan được coi là quốc gia ổn định, thậm chí còn đóng vai trò "tường thành" ngăn cách xung đột giữa Đông Phi và vùng Sahel Tây Phi. Ngoài ra, đất nước còn góp phần bảo vệ Ai Cập và vùng MENA (Trung Đông và Bắc Phi) khỏi vướng vào giao tranh.

Xung dot sudan anh 3

Tiến sĩ Joseph Siegle chuyên nghiên cứu và bình luận về tiến trình dân chủ hóa cùng xu hướng an ninh châu Phi. Ảnh: African Center.

Sudan có chung đường biên giới với 7 quốc gia, với mỗi nước đều có những thách thức an ninh liên quan đến vấn đề chính trị của Khartoum.

Sudan cũng là nước nằm ở giữa sông Nile, trong khi dòng sông này những năm qua là nguồn cơn tranh cãi giữa các quốc gia xây đập ở thượng nguồn như Ethiopia với những quốc gia hạ nguồn trong tình trạng thiếu nước như Ai Cập.

Với những đặc điểm địa chiến lược - bao gồm nằm ở “nút giao” ở khu vực cận Sahara với thế giới Arab - những gì xảy ra ở Sudan mang những tác động sâu rộng hơn đến khu vực.

Xung dot sudan anh 4

Sudan tiếp giáp với 7 quốc gia có những bất ổn an ninh riêng biệt. Đồ họa: BBC.

Không chỉ những quốc gia láng giềng mới dành sự chú ý cho tình hình tại Sudan. Biến động tại đất nước có vị trí địa chính trị quan trọng này đã phần nào đưa châu Phi trở thành tâm điểm của chính trường quốc tế.

Không thu hút quá nhiều ánh nhìn từ truyền thông, song châu Phi đang là khu vực mà các nền kinh tế hàng đầu đang ra sức mở rộng ảnh hưởng.

Ông Siegle nhận định châu Phi có tầm quan trọng ngày càng tăng về mặt địa chiến lược bởi vì nó có dân số tăng nhanh có thể biến nó thành một khu vực kinh tế sôi động trong những thập kỷ tới, tài nguyên thiên nhiên rộng lớn, vị trí chiến lược của nó đối với các tuyến đường thủy quan trọng và gần với Trung Đông và châu Âu.

Chưa cần đến tình hình tại Sudan, "lục địa đen" từ lâu đã nơi Mỹ - Nga - Trung Quốc và các nền kinh tế lớn khác cạnh tranh ảnh hưởng.

Hồi tháng 1 và tháng 2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã thăm 8 nước châu Phi. Đến tháng 3, một số nước châu Phi đã tiếp đón Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris - mang theo những cam kết của Washington sau thượng đỉnh Mỹ - châu Phi vào cuối năm 2022.

"Chiếm sóng" những mối lo khác

Tiến sĩ Olaf Bachmann cho biết giống như mọi cuộc xung đột, tình hình ở Sudan tạo ra đau thương, làn sóng người tị nạn, cơ sở hạ tầng và an ninh sụp đổ. Các chuyến bay qua Khartum và Omdurman phải được chuyển hướng qua khu vực khác.

"Điều đó ảnh hưởng đến thảo luận các vấn đề chung. Những cuộc xung đột vũ trang mới bùng phát đều chuyển sự chú ý khỏi các vấn đề thực sự toàn cầu như biến đổi khí hậu", ông Bachmann nói với Zing.

Xung dot sudan anh 5

Ông Olaf Bachmann có bằng tiến sĩ nghiên cứu chiến tranh tại King's College London, và dành nhiều năm nghiên cứu thực địa tại Trung Phi. Ảnh: Twitter/Olaf Bachmann.

Trong khi xung đột Sudan chủ yếu là về các vấn đề trong nước, các quốc gia bên ngoài có thể tham gia khi tìm cách mở rộng ảnh hưởng của họ trong khu vực.

Tiến sĩ Joseph Siegle cho rằng xung đột tại Sudan chưa được đẩy lên quy mô và bản chất của cuộc nội chiến - nơi có các đảng phái hoặc nhóm sắc tộc ủng hộ mỗi bên. Theo Foreign Policy, một số nghiên cứu đã xét một xung đột là nội chiến khi con số thương vong vượt 1.000 người.

Hiện tại, kỳ vọng chính là chấm dứt giao tranh giữa quân đội và lực lượng bán quân sự RSF, trước khi tình hình lan rộng và có nguy cơ phát triển thành nội chiến.

“Đây là hai đối thủ quân sự muốn cai trị bằng vũ lực trong khi đa số người dân Sudan muốn sự dân chủ”, ông Siegle nói.

Xung dot sudan anh 6

Người dân sơ tán khỏi Khartoum bằng phà đi trên sông Nile đến Ai Cập ngày 27/4. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, bà Emma Ashford, nhà nghiên cứu tại Stimson Center, nói rằng việc liệu một quốc gia có xảy ra nội chiến hay không được đánh giá bằng quốc gia đó có từng xảy ra nội chiến.

Cuộc nội chiến lớn nhất gần đây tại Sudan đã khiến Nam Sudan tách ra thành quốc gia độc lập vào năm 2011.

Nhưng sau đó, Nam Sudan nhanh chóng rơi vào vòng xoáy nội chiến quy mô lớn, điều khiến một số người lo sợ điều tương tự có thể diễn ra với Sudan.

Khi tách thành quốc gia độc lập, Nam Sudan đã mang theo hầu hết mỏ dầu quý giá của khu vực, khiến Sudan trở nên nghèo hơn rất nhiều và gián tiếp góp phần vào cuộc khủng hoảng hiện nay ở Khartoum. Các nhóm quân sự đối địch đang tranh giành quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên kinh tế đang bị thu hẹp, như vàng và nông nghiệp.

Mối quan tâm lớn nhất là sự bất ổn ở Sudan có thể lôi kéo các láng giềng khu vực can thiệp thông qua ủy nhiệm. Điều này có thể dấy lên nguy cơ đẩy xung đột vượt ra tầm khu vực và leo thang.

Ngân hàng Trung ương Sudan ở Khartoum chìm trong lửa Video được công bố ngày 1/5 cho thấy một chi nhánh của Ngân hàng Trung ương Sudan tại thủ đô Khartoum bốc cháy, trong bối cảnh giao tranh tại đất nước tiếp diễn.

Những cuốn sách để hiểu thêm về châu Phi

Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về châu Phi, một châu lục có nền văn hóa đa dạng và lịch sử lâu đời, có tiềm năng phát triển lớn trong tương lai.

Độc giả có thể xem thêm tại đây.

Ông Bashir đang ở đâu?

Tung tích của Omar Hassan al-Bashir, nhà lãnh đạo bị lật đổ tại Sudan vào năm 2019, trở thành vấn đề được chú ý giữa các cuộc giao tranh ở quốc gia châu Phi này.

Cô gái Mỹ: Họ chĩa súng vào cha tôi ở Sudan

Khi cuộc khủng hoảng ở Sudan vẫn tiếp diễn, những người Mỹ bị mắc kẹt ngày càng tức giận. Họ phải tự ứng phó với tình hình phức tạp và nguy hiểm.

Trần Hoàng

Bạn có thể quan tâm