Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ông Bashir đang ở đâu?

Tung tích của Omar Hassan al-Bashir, nhà lãnh đạo bị lật đổ tại Sudan vào năm 2019, trở thành vấn đề được chú ý giữa các cuộc giao tranh ở quốc gia châu Phi này.

Giữa tình trạng bạo lực tại Sudan, tung tích của cựu Tổng thống nước này Omar Hassan al-Bashir trở thành tâm điểm chú ý. Ảnh: AP.

Trong khi Sudan chìm trong bạo lực do các cuộc giao tranh giữa lực lượng của 2 vị tướng, một câu hỏi trong tâm trí của mọi người dân tại quốc gia này, cựu Tổng thống Omar Hassan al-Bashir đang ở đâu?

Theo New York Times, ông Bashir, người bị lật đổ vào năm 2019 sau khi nắm quyền lực tại Sudan trong 3 thập kỷ, bị Tòa án Hình sự Quốc tế truy nã với cáo buộc diệt chủng, tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người.

Tại Sudan, cựu lãnh đạo này đối mặt với các cáo buộc pháp lý liên quan đến cuộc đảo chính năm 1989, sự kiện giúp ông lên nắm quyền tại quốc gia châu Phi. Nếu bị kết tội, ông Bashir sẽ đối diện với án tử hình hoặc tù chung thân.

Việc cựu Tổng thống Bashir biến mất là một dấu hiệu nữa cho thấy Sudan đang rơi vào trạng thái hỗn loạn, giáng một đòn mạnh vào hy vọng chuyển giao quyền kiểm soát quốc gia này về tay chính phủ dân sự.

Mới đây nhất, theo phái viên của Liên Hợp Quốc Volker Perthes, một lệnh ngừng bắn kéo dài 72 giờ do Mỹ làm trung gian giữa quân đội Sudan và Lực lượng Phản ứng nhanh (RSF) đã được duy trì tại "một số khu vực của quốc gia này".

Vào hôm 26/4, theo một số cư dân tại thủ đô Khartoum, cường độ các cuộc giao tranh đã giảm xuống. Tuy nhiên, một số người khác vẫn bị mắc kẹt giữa các cuộc đấu súng dữ dội.

Nhiễu loạn thông tin về nhà cựu lãnh đạo Sudan

Giữa tình trạng hỗn loạn này, ông Bashir, 70 tuổi, được cho là đang ở nhà tù Kober tại thủ đô Khartoum, chấp hành hình phạt 2 năm tù giam vì tội rửa tiền và tham nhũng. Tuy nhiên, vào hôm 25/4 một cựu quan chức bị tống giam cùng Bashir cho biết ông này đã rời khỏi nhà tù cùng một số người khác.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi quân đội Sudan cho biết các tù nhân tại Kober đã được thả tự do sau khi nguồn cung cấp thực phẩm, nước và điện của cơ sở này bị cắt.

Vào hôm 26/4, quân đội Sudan càng khiến thông tin bị nhiễu loạn khi tuyên bố cựu Tổng thống Bashir cùng 4 cựu quan chức cấp cao khác đang bị giam giữ tại một bệnh viện quân đội. Theo đó, nhà cựu lãnh đạo Sudan gặp vấn đề về sức khỏe và được chuyển đến nơi này từ trước khi các cuộc giao tranh nổ ra.

"Ông Bashir và 4 quan chức khác vẫn đang ở bệnh viện dưới sự canh gác và kiểm soát của lực lượng cảnh sát tư pháp", quân đội Sudan thông báo. Tuy nhiên, lực lượng này không cung cấp bằng chức hay hình ảnh của ông Bashir tại bệnh viện.

 Omar Hassan al-Bashir anh 1

Một căn nhà bị phá hủy sau các cuộc giao tranh ở thủ đô Khartoum của Sudan. Ảnh: AP.

Trong đoạn video được chia sẻ trên mạng xã hội và phát triển sóng truyền hình tại nhiều quốc gia Arab, Ahmad Muhammad Harun, vị quan chức từng bị giam giữ cùng cựu Tổng thống Bashir cho biết ông cùng những cựu quan chức chính phủ khác đã rời khỏi nhà tù và sẽ tự bảo vệ bản thân. Ông không nhắc đến nhà cựu lãnh đạo Sudan trong tuyên bố của mình.

Harun, một cựu bộ trưởng và quan chức cấp cao trong chính quyền của cựu Tổng thống Bashir, cũng bị Toà án Hình sự Quốc tế truy nã với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người tại khu vực Darfur của Sudan vào các năm 2003 và 2004.

Ông Harun cho biết sẽ ra trình diện cơ quan chức năng một khi chính phủ khôi phục hoạt động.

Những diễn biến mới nhất thể hiện mức độ nghiêm trọng của tình trạng bất ổn chính trị tại Sudan cũng như tác động của các cuộc giao tranh đối với quá trình chuyển giao quyền lực về tay chính phủ dân sự.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tình trạng bạo lực trong 12 ngày qua tại quốc gia châu Phi đã khiến 459 người thiệt mạng và hơn 4.000 người khác bị thương.

Các cuộc giao tranh nổ ra do xung đột giữa 2 vị tướng là Abdel Fattah al-Burhan - chỉ huy quân đội Sudan và Mohamed Hamdan Dagalo - chỉ huy RSF.

Cả 2 nhà lãnh đạo quân sự này từng làm việc cho cựu Tổng thống Bashir và có liên quan đến các tội ác diệt chủng ở vùng Darfur trong khoảng thời gian từ năm 2003 đến năm 2008, khiến 300.000 người thiệt mạng và buộc 2,5 triệu người khác phải rời khỏi nơi sinh sống.

Đổ lỗi cho nhau

Vào sáng 26/4, cả quân đội Sudan và lực lượng RSF đã đưa ra phản ứng với video của ông Harun, cáo buộc bên còn lại đã giúp đỡ vị cựu bộ trưởng này trốn khỏi nơi giam giữ.

Trong tuyên bố của mình RSF đã gọi việc ông Harun trốn khỏi nhà tù là một nỗ lực nhằm "khôi phục chính phủ bị lật đổ vào năm 2019".

Ngược lại, quân đội Sudan cáo buộc RSF đã tấn công nhiều nhà tù ở thủ đô Khartoum và thành phố Omdurman lân cận, buộc quan chức quản lý tại những nơi này phải thả tự do cho tù nhân.

 Omar Hassan al-Bashir anh 2

Quân đội Sudan cáo buộc lực lượng RSF đã tấn công những cơ sở giam giữ tại thủ đô Khartoum và thả tự do cho các tù nhân. Ảnh: Reuters.

Trong video của mình, ông Harun cũng kêu gọi công chúng ủng hộ lực lượng quân đội Sudan.

"Chúng tôi cảm thấy bất ngờ vì ông Harun nhắc đến lực lượng vũ trang trong tuyên bố của mình. Chúng tôi không có quan hệ gì với vị cựu bộ trưởng này và đảng chính trị của ông ấy. Quân đội không làm công việc quản lý nhà tù. Đó là trách nhiệm của Bộ Nội vụ và lực lượng cảnh sát", tuyên bố của quân đội Sudan cho biết.

Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào hôm 25/4, ông Perthes cho biết chưa có dấu hiệu nào cho thấy cả 2 bên trong cuộc xung đột tại Sudan sẵn sàng đàm phán.

"Các cuộc giao tranh sẽ khiến tình hình an ninh ngày càng xấu đi. Sudan sẽ ngày càng bị chia rẽ, gây ảnh hưởng đến các quốc gia lân cận. Ngay cả khi một bên giành chiến thắng, Sudan cũng sẽ thua cuộc", ông Perthes phát biểu.

Những cuốn sách để hiểu thêm về châu Phi

Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về châu Phi, một châu lục có nền văn hóa đa dạng và lịch sử lâu đời, có tiềm năng phát triển lớn trong tương lai.

Độc giả có thể xem thêm tại đây.

Cư dân Sudan mắc kẹt giữa giao tranh

Với hàng nghìn người nước ngoài và hàng triệu dân thường tại Sudan, cuộc sống của họ ngày càng trở nên khó khăn khi mắc kẹt giữa vòng xoáy bạo lực.

Lệnh ngừng bắn tại Sudan đổ vỡ

Giao tranh tại Sudan bùng phát trở lại vào cuối ngày 25/4 bất chấp tuyên bố ngừng bắn của các phe tham chiến, giữa lúc nhiều người tìm cách chạy trốn khỏi Khartoum.

An Bình

Bạn có thể quan tâm