Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cư dân Sudan mắc kẹt giữa giao tranh

Với hàng nghìn người nước ngoài và hàng triệu dân thường tại Sudan, cuộc sống của họ ngày càng trở nên khó khăn khi mắc kẹt giữa vòng xoáy bạo lực.

Người dân bị mắc kẹt giữa cuộc xung đột tại Sudan ngày càng có ít lựa chọn. Ảnh: Reuters.

Vào cuối ngày 25/4, quân đội Sudan dưới sự chỉ huy của thượng tướng Abdel Fattah al-Burhan - lãnh đạo của quốc gia châu Phi này - đã bắt đầu lại các cuộc giao tranh với Lực lượng Phản ứng nhanh (RSF) của thượng tướng Mohamed Hamdan Dagalo, phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 72 giờ được 2 bên thống nhất trước đó

Theo Reuters, tại Omdurman, thành phố kết nghĩa với thủ đô Khartoum, quân đội Sudan dùng máy bay không người lái nhắm vào các vị trí của RSF. Quân đội cũng dùng máy bay không người lái đẩy lùi máy bay chiến đấu khỏi một nhà máy lọc nhiên liệu ở Bahri.

Bất chấp tình trạng giao tranh tái bùng phát, các quốc gia như Anh hay Pháp vẫn tiếp tục đẩy nhanh quá trình sơ tán công dân của những nước này khỏi quốc gia châu Phi.

Chạy trốn khỏi thủ đô

Theo Wall Street Journal, phần lớn thủ đô Khartoum và thành phố Omdurman lân cận đã rơi vào cảnh mất điện và mất nước kể từ khi bạo lực bùng phát. Đây là tâm điểm của những quốc giao tranh giữa quân đội và RSF trong những ngày qua.

Dựa trên dữ liệu theo thời gian thực, Netblocks, một nhóm chuyên theo dõi tình trạng gián đoạn Internet trên toàn cầu cho biết gần như toàn bộ hệ thống mạng tại Sudan đã sụp đổ.

Trong khi đó, các đường dây điện thoại không còn duy trì tính ổn định, khiến các gia đình trên khắp Sudan gặp khó khăn khi liên lạc với người thân tại khu vực xảy ra chiến sự.

Trả lời Wall Street Journal, Abdullah Khair, một giáo viên, cho biết ông đã tận dụng tình hình giao tranh hạ nhiệt vào hôm 23/4 để chạy trốn khỏi thủ đô Khartoum cùng vợ và 4 người con. Họ đang ở cùng họ hàng ở phía bắc thành phố.

"Chúng tôi không thể ở lại thủ đô. Tôi đã quyết định đưa gia đình rời khỏi thành phố. Các con của tôi cuối cùng cũng có thể ngủ vào buổi đêm", ông Khair chia sẻ.

xung dot o Sudan anh 1

Người dân tập trung tại bến xe buýt để rời khỏi thủ đô Khartoum, tránh các cuộc giao tranh giữa RSF và quân đội Sudan. Ảnh: Reuters.

Nhiều người nước ngoài sống tại Sudan, bao gồm cả người Mỹ, đã bắt đầu di chuyển đến Port Sudan, một thành phố bên bờ biển Đỏ, cách thủ đô Khartoum khoảng 800 km. Nơi này được một số quốc gia sử dụng làm địa điểm hạ cánh cho các chuyến bay giải cứu.

Chính phủ Mỹ đã cảnh báo người dân không đi theo con đường trên do tình trạng thiếu nhiên liệu, đồ ăn và nước uống trên hành trình này.

Quân đội Mỹ vào sáng 23/4 đã di tản gần 100 nhân viên của đại sứ quán và các cơ quan chính phủ khác từ thủ đô Khartoum.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vào hôm 24/4 cho biết chính phủ nước này đang cân nhắc khôi phục sự hiện diện ngoại giao tại Sudan, bao gồm tại thành phố Port Sudan.

"Điều kiện rất khó khăn cho việc khôi phục sự hiện diện ngoại giao. Chúng tôi đang theo dõi sát sao tình hình", ngoại trưởng Mỹ cho biết.

Theo Ngoại trưởng Blinken và các quan chức khác trong chính quyền Tổng thống Biden, những nỗ lực giúp các công dân Mỹ rời khỏi Sudan vẫn đang được duy trì.

"Chúng tôi đã triển khai các khí tài tình báo, trinh sát để hỗ trợ hoạt động di tản trên mặt đất. Chúng tôi cũng đang điều động các tàu hải quân để hỗ trợ hoạt động này", cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan trả lời phóng viên hôm 24/4.

Chính phủ Mỹ ước tính có khoảng 20.000 công dân của nước này vẫn còn bị kẹt tại Sudan, trong đó có nhiều người mang 2 quốc tịch.

Cạn dần lựa chọn

Đối với những cư dân Sudan, những con đường sơ tán của họ thậm chí còn ít hơn. Phần lớn người dân đang tranh giành những tấm vé xe buýt để đi đến Ai Cập ở phía bắc hoặc tới những quốc gia láng giềng khác của Sudan.

Theo đó, hàng nghìn người đã chạy sang Nam Sudan và Chad, 2 quốc gia vốn đang phải vật lộn với các cuộc xung đột nội bộ với phần lớn dân số phải rời khỏi nơi cư trú.

Marie-Helene Verney, đại diện của Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn tại Nam Sudan, cho biết có nhiều phụ nữ và trẻ em từ Khartorum đã tới thị trấn Renk ở biên giới với Nam Sudan.

xung dot o Sudan anh 2

Nhân viên ngoại giao và công dân của Tây Ban Nha được di tản bằng máy bay từ Sudan đến Djibouti. Ảnh: Reuters.

"Những người tị nạn đang sống trong cảnh thiếu đồ ăn, nước uống, phương tiện đi lại và phương tiện liên lạc", bà Verney chia sẻ trên Twitter.

Ahmed Omer, một nhân viên người Sudan của Hội đồng Người tị nạn Na Uy - một tổ chức từ thiện, đã bị mắc kẹt tại thị trấn Gedaref ở miền Đông Sudan. Ông cho biết giá của các mặt hàng cơ bản như nước đóng chai đã tăng gấp đôi. Trong khi đó, giá nhiên liệu đã tăng lên 17,2 USD mỗi lít trên thị trường chợ đen kể từ mức gần một USD trước khi xung đột bùng phát.

"Việc giá cả leo thang khiến người dân không thể mua nhu yếu phẩm cần thiết. Tình hình mỗi ngày càng trở nên tồi tệ hơn", Omer trả lời Wall Street Journal.

Theo Trung tâm Công lý và Hòa bình châu Phi, các thành viên của RSF đang sử dụng những căn nhà riêng của người dân và tòa nhà lớn làm trung tâm chỉ huy.

Những tay súng này cũng đang cướp bóc hàng hóa viện trợ tại cơ sở của Liên Hợp Quốc và các tổ chức từ thiện quốc tế khác.

Phần lớn các tổ chức quốc tế đã đình chỉ hoạt động tại Sudan, nơi khoảng 1/3 trong số 45 triệu cư dân đang sống trong cảnh nghèo đói trước khi giao tranh nổ ra.

Những cuốn sách để hiểu thêm về châu Phi

Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về châu Phi, một châu lục có nền văn hóa đa dạng và lịch sử lâu đời, có tiềm năng phát triển lớn trong tương lai.

Độc giả có thể xem thêm tại đây.

Các nước đồng loạt sơ tán công dân tại Sudan

Giao tranh ở Sudan ngày càng khốc liệt khiến nhiều nước gấp rút sơ tán hàng nghìn công dân, nhân viên ngoại giao và cứu trợ, đang bị mắc kẹt ở quốc gia phía đông bắc châu Phi.

Vị tướng đứng giữa vòng xoáy bạo lực tại Sudan

Từ một người buôn bán lạc đà và đồ nội thất, Mohamed Hamdan Dagalo đã có bước thăng tiến thần tốc để trở thành một trong những lãnh đạo hàng đầu trong chính quyền quân sự ở Sudan.

An Bình

Bạn có thể quan tâm