Côn Đảo từ lâu đã là thị trường du lịch hấp dẫn với gần 400.000 lượt khách trong năm 2019. Tần suất khai thác các chuyến bay giữa TP.HCM/Cần Thơ đi Côn Đảo cũng thuộc nhóm phục hồi nhanh nhất sau giai đoạn cách ly xã hội khi đạt lên tới 22-27 chuyến/ngày.
Tuy nhiên, Côn Đảo tới nay vẫn là sân chơi riêng của Vietnam Airlines và hãng bay thành viên VASCO.
Chỉ khai thác được máy bay nhỏ
Đường băng sân bay Côn Đảo là một trong những đường băng thử thách nhất trên thế giới với hai đầu giáp biển, độ dài đường băng chỉ 1.800 m, phục vụ được các loại máy bay cỡ nhỏ. Những dòng máy bay phản lực chở khách thông dụng như dòng A320 của Airbus không thể hạ cánh tại đường băng
Máy bay ATR-72 trong đội bay của Vietnam Airlines và VASCO. Ảnh: Shotaro Shimizu. |
Dòng máy bay nhỏ, tải cung ứng không cao (72-78 hành khách) cũng là lý do khiến giá vé máy bay đi Côn Đảo luôn cao hơn so với mặt bằng giá vé các đường bay nội địa. Trong khi đường bay TP.HCM - Hà Nội có giá vé khứ hồi khoảng trên 1 triệu đồng bao gồm thuế phí thì đường bay TP.HCM - Côn Đảo trong tháng 8 có giá vé lên tới 3,6 triệu đồng, dù quãng đường di chuyển ngắn hơn.
Theo quy hoạch tới năm 2025, đường băng của sân bay Côn Đảo sẽ được xây mới với chiều dài 2.400 m, đón được các dòng máy bay cỡ Airbus A320 hoặc Boeing 737 trở lên.
Ngay từ 2020, cuộc đua bay mở đường bay tới Côn Đảo đã nóng khi Cục Hàng không cùng các hãng bay thử nghiệm khai thác máy bay A319 tại Côn Đảo.
Với việc khai thác được những dòng máy bay lớn hơn, chở được nhiều khách hơn, Côn Đảo sẽ trở thành đường bay mới hấp dẫn về mặt kinh tế với các hãng hàng không. Cùng một chuyến bay thì một chiếc A319 có thể chở gấp đôi lượng hành khách, từ đó giảm giá vé, biến Côn Đảo thành điểm du lịch vừa túi tiền hơn.
Đua mở đường bay Côn Đảo
Hiện VASCO và Vietnam Airlines với đội bay ATR-72 đang có lợi thế lớn trong việc khai thác đường bay Côn Đảo. Tuy nhiên, câu chuyện sẽ có nhiều thay đổi trong tương lai gần với sự nhập cuộc của các tay chơi mới.
Việc Cục Hàng không thử nghiệm cất hạ cánh dòng máy bay A319 tại sân bay Côn Đảo cũng là tín hiệu tốt cho các hãng hàng không biên chế dòng máy bay này. Hiện Bamboo Airways có một chiếc A319 trong đội bay và cho biết sẵn sàng đưa chiếc này vào khai thác đường bay Côn Đảo nếu điều kiện kỹ thuật cho phép.
Vietjet Air cuối năm 2018 cũng đã có khẳng định tương tự khi sẵn sàng khai thác mẫu A319 trên đường bay Côn Đảo nếu phù hợp điều kiện kỹ thuật. Thời điểm đó, hãng dự kiến mở sẽ các đường bay giữa TP.HCM/Hà Nội và Côn Đảo với tần suất 4-6 chuyến/ngày.
Mới đây, Bamboo Airways cho biết sẽ khai thác đường bay Côn Đảo dự kiến từ 1/8. Hãng đã nghiên cứu và báo cáo Cục Hàng không về kế hoạch đưa vào khai thác dòng tàu bay hiện đại, có cấu hình 110-120 ghế.
Việc sân bay Côn Đảo đón được các dòng máy bay lớn hơn sẽ mở ra cơ hội cho các hãng hàng không cũng như giảm giá vé tới hành khách. Ảnh: Tycho. |
Theo nguồn tin của Zing, dòng máy bay mà hãng này đang cân nhắc khai thác trên đường bay Côn Đảo có thể là mẫu máy bay phản lực khu vực của Embraer như chiếc E195 hoặc E195-E2.
Việc biên chế dòng máy bay chở được nhiều khách hơn sẽ giúp có khả năng hạ giá vé, cạnh tranh hơn trên đường bay này.
Việc có nhiều hãng hàng không tham gia khai thác đường bay Côn Đảo sẽ giúp tăng tính cạnh tranh của thị trường, tăng thêm sự lựa chọn cho hành khách cũng như thúc đẩy du lịch Côn Đảo sau dịch Covid-19.
Trước đó vào cuối tháng 5, lãnh đạo Cục Hàng không đã khẳng định với đường bay Côn Đảo, Chính phủ không hạn chế cũng không ưu ái cho một doanh nghiệp, một hãng hàng không nào. Việc chỉ một hãng khai thác đường bay Côn Đảo hiện nay là do định hướng sử dụng đội máy bay của các hãng hàng không.