Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Máy bay thế giới ế ẩm, hàng không Việt mạnh tay mua sắm

Dịch Covid-19 khiến các nhà sản xuất máy bay như Airbus, Boeing đau đầu vì ế hàng nhưng cũng là thời cơ để các hãng hàng không Việt mua máy bay số lượng lớn, giá rẻ.

Airbus vừa công bố kế hoạch cắt giảm 15.000 nhân sự toàn cầu trong bối cảnh doanh số của hãng giảm tới 40% vì dịch Covid-19. Hàng không toàn cầu rơi vào cảnh trì trệ khiến các hãng bay không mặn mà chuyện mua hoặc nhận thêm máy bay mới.

Ở chiều ngược lại, hàng không nội địa Việt Nam đã phục hồi 100% công suất khai thác, trong đó có hãng đã phục hồi tới 120% lượng chuyến bay nội địa. Dù máy bay "nằm sân" vẫn còn nhiều nhưng các hãng hàng không Việt đã tính tới kế hoạch mua sắm dài hơi hơn.

Hai ông lớn muốn mua thêm hàng chục máy bay

Tại đại hội cổ đông thường niên, ban điều hành Vietjet Air cho biết đến cuối năm nay, hãng dự kiến nâng số lượng tàu bay khai thác lên 90 so với con số 78 của năm 2019.

so luong may bay viet nam 2020 anh 1

Dịch Covid-19 khiến các nhà sản xuất máy bay như Airbus, Boeing đau đầu vì ế hàng nhưng cũng là thời cơ để các hãng hàng không Việt mua máy bay số lượng lớn, giá rẻ. Ảnh: Diệp Anh.

Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet Air, chia sẻ hãng đang tiến hành trao đổi và thương lượng với Airbus để nhận tàu bay trong giai đoạn các hãng hàng không khác hạn chế đầu tư, giãn kế hoạch nhận tàu bay vì dịch Covid-19.

Bà Thảo cho biết năm 2019 Vietjet Air đã phải thuê ướt 10 tàu bay vì nhà sản xuất không giao hàng kịp, không đáp ứng được nhu cầu khai thác của Vietjet. Do đó, sau khi điều chỉnh chính sách với các đơn vị cung cấp tài chính, hãng có thể chủ động nhận tàu bay để được hưởng các điều kiện thương mại tốt, chủ động việc khai thác.

“Đây là giai đoạn thuận lợi, phù hợp để mua, sở hữu những tàu bay chất lượng, hiện đại với điều kiện tốt. Chúng ta không những không dừng mà vẫn phát triển thêm”, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ.

Tương tự tham vọng của Vietjet Air, CEO của Vietnam Airlines Dương Trí Thành cũng cho rằng đây là thời điểm tốt để mua thêm máy bay, đón đầu thị trường sau dịch. Ông Thành nhận định dịch Covid-19 chính là cơ hội để mua thêm máy bay khi hầu hết hãng trên thế giới đang hủy đơn hàng.

Lãnh đạo hãng hàng không quốc gia cho hay cách đây khoảng 2 tháng, để đặt hàng một chiếc máy bay thì phải mất 3-4 năm mới được giao. Khi các hãng trên thế giới hủy đơn hàng sẽ giúp doanh nghiệp này có thể nhanh chóng có máy bay.

Hãng lựa chọn phương án đẩy nhanh đặt mua thêm 50 máy bay với tổng mức đầu tư dự kiến gần 3,8 tỷ USD, trong đó số máy bay này nhiều khả năng sẽ được biên chế cho cả đội bay của Pacific Airlines đang tham vọng tái cơ cấu.

Đây cũng là khoản đầu tư mạnh tay của Vietnam Airlines trong bối cảnh hãng ước tính sẽ lỗ 19.651 tỷ đồng chỉ trong năm 2020. Đó là chưa kể, theo thông tin từ ông Dương Trí Thành, hãng phải mất 5 năm mới bù lại các khoản lỗ phát sinh, với điều kiện kinh doanh tốt sau dịch bệnh và các cơ chế đảm bảo.

Thời điểm vàng để mua sắm

Một hãng bay khác cũng muốn mua sắm thêm máy bay ngay sau dịch Covid-19 là Bamboo Airways. Trong bối cảnh nhiều hãng bay trên thế giới phải bán bớt máy bay để duy trì dòng tiền, hãng hàng không của tỷ phú Trịnh Văn Quyết khẳng định vẫn sẽ tăng số lượng máy bay của Bamboo Airways lên ít nhất tổng cộng 40 chiếc trong năm 2020.

Nếu tuyên bố này được hiện thực hóa, hãng sẽ biên chế thêm ít nhất 18 máy bay trong gần 6 tháng, tăng gần gấp đôi quy mô đội bay.

Tham vọng mua sắm của hàng không Việt sau Covid-19
Số lượng máy bay trong đội bay của các hãng hàng không Việt thay đổi trong năm 2020
NhãnVietnam Airlines GroupVietjet AirBamboo Airways
Đầu 2020 Chiếc 1067222
Cuối 2020 (dự kiến)
1079040

Hãng hàng không của Tập đoàn FLC cho biết vẫn sẽ hướng tới mục tiêu đội 50 tàu bay đặt ra hồi cuối năm 2019 nếu nhu cầu đi lại hồi phục tốt hơn dự kiến, các điều kiện thị trường tích cực và hoạt động kinh doanh đáp ứng yêu cầu về mở rộng quy mô trong quý 3 và quý 4.

Cùng chung nhận định trên, lãnh đạo Vietravel Airlines cho hay hãng sẽ cất cánh trong giai đoạn vô cùng khó khăn khi du lịch và hàng không thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19.

Tuy nhiên doanh nghiệp vẫn lạc quan khi nhìn vào những điểm tích cực đến từ tác động của dịch bệnh. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, CEO của Vietravel, cho hay với doanh nghiệp, thời điểm này lại là cơ hội. "Sau dịch, chúng tôi sẽ thuê được máy bay với giá tốt. Xăng dầu thế giới cũng đang rẻ, giúp chi phí vận hành sau này của Vietravel Airlines giảm", ông Kỳ chia sẻ với Zing.

"Quan trọng hơn cả, chúng tôi có cơ hội tiếp nhận được lực lượng lao động lành nghề, từ nguồn cắt giảm bắt buộc của các hãng hàng không khác trong dịch Covid-19", lãnh đạo Vietravel nói về cơ hội tuyển dụng nguồn phi công, tiếp viên, thợ máy sau dịch.

Theo thống kê, hiện có khoảng 63.000 máy bay của các hãng hàng không trên thế giới đang phải tạm dừng hoạt động do dịch Covid-19. Tại Việt Nam, khoảng 50% máy bay của các hãng hàng không vẫn nằm sân do các đường bay quốc tế chưa thể khai thác trở lại.

"Bamboo Airways còn hơn 50% máy bay chưa khai thác, Vietjet Air tương tự, tỷ lệ này với Vietnam Airlines lớn hơn. Chỉ khi các hãng được cất cánh thì vấn đề về cơ sở hạ tầng mới được giải quyết", lãnh đạo Cục Hàng không chia sẻ vào cuối tháng 5.

Vì sao Vietjet tăng thêm máy bay khi hàng không gặp khó?

Theo CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo, nếu có kế hoạch và năng lực, đây là thời điểm có thể nhận thêm tàu bay với điều kiện thương mại tốt khi nhiều hãng phải giãn đầu tư.

Ngô Minh

Bạn có thể quan tâm