Giá rẻ và sự thuận tiện là sức mạnh cạnh tranh của Uber, Grab trong cuộc đua thị phần với các hãng taxi truyền thống. Và 2 hãng vận tải với ứng dụng chia sẻ hành trình này cũng cạnh tranh gay gắt với nhau, để giành thị phần, tại thị trường Việt Nam.
Thông thường, cước phí xe UberX vào khoảng 7.000-8.000 đồng/km trên những đoạn đường bình thường. Trong khi đó, cước phí của GrabCar khoảng 8.000-9.000 đồng/km. GrabTaxi có giá cao hơn, khoảng 9.000-11.000 đồng/km.
Theo một cuộc khảo sát thực tế của Zing.vn với cùng một quãng đường 9-10km từ Viện Huyết học & Truyền máu trung ương đến hồ Hoàn Kiếm, giá xe UberX là 83.000 đồng, còn với GrabCar là 96.000 đồng. Với GrabTaxi, giá chạy xe lên tới 104.000-114.000 đồng.
Tuy nhiên, vào giờ cao điểm, UberX mất lợi thế về giá so với GrabCar. Trong khi Grab không điều chỉnh giá cước vào giờ cao điểm hoặc khi có mưa lũ, triều cường (nhu cầu người dùng tăng cao), thì Uber thay đổi mức giá dựa trên nhu cầu người dùng. Trước đây, Uber công khai việc mức giá được nâng 2-3 lần so với thông thường. Gần đây, hãng đã bỏ thông báo giá cước giờ cao điểm với người dùng.
Anh M.Hùng (Cầu Giấy, Hà Nội), một tài xế Uber, cho rằng chính sách này để phù hợp với tâm lý người dùng Việt Nam, không muốn chi trả gấp 2-3 lần. Giá cước vẫn điều chỉnh tăng, nhưng chỉ công khai với tài xế. Trong khi đó, Uber từ chối bình luận với Zing.vn về sự điều chỉnh theo hướng thiếu minh bạch chính sách giá này của mình.
Chênh lệch giá của Uber và Grab trên cùng một quãng đường. |
Theo một số người dùng sử dụng dịch vụ của cả 2 hãng, việc so sánh giá Uber và Grab khá khó khăn bởi mỗi bên lại có một lợi thế nhất định.
Chị Vũ Ngọc Diệp, một người thường xuyên đi làm bằng các ứng dụng tìm xe trên smartphone, cho biết nếu xét về giá thì Uber và Grab đều có lợi thế riêng. Thông thường, Uber có giá rẻ hơn khoảng 10-15% so với Grab.
Tuy nhiên, Grab lại có nhiều chương trình khuyến mãi dành cho khách hàng. Gần đây, người dùng rất hiếm khi thấy Uber khuyến mãi, trong khi đó, mỗi dịp lễ lớn, Grab thường tung ra các gói khuyến mãi hấp dẫn.
“Tôi đang đi gói khuyến mãi nhân ngày Valentine 14/2 với việc giảm giá chuyến thứ hai chỉ còn 50%. Ngoài ra, Grab cũng thường xuyên tặng mã giảm giá cho khách hàng nên chúng tôi cảm thấy rất được quan tâm”, chị Diệp cho biết thêm.
Giành giật tài xế cũng bằng giá
Câu chuyện giành giật tài xế của các hãng xe cũng rất nhiều điều thú vị. Uber tung ra giá rẻ cho khách hàng vô hình chung lại không được lòng giới tài xế do thu nhập sụt giảm, không hấp dẫn như chạy Grab.
Trung bình số tiền thu được trên một kilomet, tài xế của cả Uber và Grab phải trả lại cho hãng 20% và đóng thuế 5%. Do đó, giá chạy xe Grab cao hơn, tài xế lại có thêm nhiều thu nhập.
Theo anh N.Đ. (quận Thanh Xuân), người có thâm niên 2 năm chạy Uber cho biết hãng này có nhiều chính sách hỗ trợ và thu hút tài xế. Một số chương trình có thể kể đến như: Chạy trên 50 chuyến/ngày được hỗ trợ 1,3-1,5 triệu đồng; chạy trên 5 chuyến vào buổi trưa từ 12-14h được tặng ngay 200.000 đồng, được trợ giá một số đoạn ngắn chỉ vài 20.000-30.000 đồng…
Một số ưu đãi của Grab để thu hút tài xế. |
“Cách đây khoảng 2 năm, Uber là rất lạ lẫm ở Việt Nam, nhưng đến cuối năm 2016, lượng tài xế chạy Uber rất nhiều. Vì các chính sách hấp dẫn thu hút tài xế, không chỉ những người có xe nhàn rỗi mà một số còn đầu tư mua xe mới chạy Uber thay vì đầu tư cái khác”, anh Đ. cho biết thêm.
Trong khi đó, Grab cũng tung ra các chính sách hỗ trợ và thu hút tài xế: hỗ trợ thêm tiền cho các tài xế khi phải chạy các chuyến ngắn, thu dưới 50.000 đồng. Chính sách thưởng tháng với số chuyến cũng được áp dụng thường xuyên, chính sách hỗ trợ tài xế chạy vào giờ cao điểm, hỗ trợ tài xế đăng ký mới… cũng rất hấp dẫn.
Tài xế chọn… cả hai
Theo anh N.T. (quận Đống Đa), một người đầu tư 4 xe chạy Uber, trước kia anh chỉ chạy xe cho Uber nhưng khoảng nửa năm trở lại đây, anh cài thêm cả ứng dụng của Grab. "Bạn bè của tôi đa phần lái xe cho cả 2 hãng", anh T nói thêm. .
“Hiện tại, lượng xe lớn khiến chính giới tài xế đang phải cạnh tranh nhau nên tần suất các chuyến không còn thường xuyên như trước nữa. Giải pháp của anh em là chạy cho cả 2 hãng để các chuyến đều hơn”, anh T. cho biết thêm.
Một số tài xế chạy cùng lúc cho cả 2 hãng để nâng cao thu nhập. Ảnh: Hiếu Công. |
Cũng theo anh T., không chỉ anh mà còn nhiều lái xe Uber khác cũng cài thêm Grab để có thể tăng thu nhập. Nhiều tài xế chạy Uber chuyên nghiệp, không phải là người có xe nhàn rỗi kiếm thêm nên áp lực về hiệu quả rất lớn.
Hiện tại, áp lực về cạnh tranh giữa các tài xế cùng hãng, cạnh tranh giữa các hãng khiến hiệu quả ngày càng giảm. Nhiều tài xế phải bán bớt xe đã đầu tư. Việc chạy cùng lức 2 ứng dụng để gia tăng hiệu quả là điều dễ hiểu.
Một tài xế chạy Uber khác là anh H.V.N. (quận Cầu Giấy) chia sẻ với Zing.vn rằng sự cạnh tranh cao trên thị trường khiến tài xế không có nhiều đơn hàng liên tục. Do đó, khi cài cả hai ứng dựng, cơ hội bắt được chuyến sẽ tăng gấp đôi.
“Uber trước kia có chính sách tốt, nhiều ưu đãi với anh em lái xe. Tuy nhiên, chạy Grab chúng tôi lại được trả giá cao hơn. Mỗi hãng lại có một tập khách hàng nhất định và một khung thời gian nhất định. Chạy cả hai, chúng tôi hạn chế quãng thời gian chạy lòng vòng đón khách, gia tăng hiệu quả số tiền mình kiếm được hàng ngày”, anh N. cho biết thêm.
Đồng quan điểm này, anh Đ.V.Vương, một chủ xe chạy Uber cho biết, Uber có giá rẻ hơn nên không thu hút bằng Grab. Tuy nhiên, Uber ổn định, nhanh chóng và tập khách hàng rất đông nên anh em cài cả hai. Các hãng cũng rất thông minh khi cân bằng lợi ích của tài xế và người tiêu dùng. Chúng tôi chọn cả hai cũng vì mưu sinh mà thôi”.