Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc chiến giành khí sạch của người dân Bắc Kinh

Liu Ruiqiang, một người dân ở Bắc Kinh, luôn mang theo thiết bị đo mức độ ô nhiễm không khí. Nếu nhận thấy không khí quá bẩn, anh sẽ không cho con gái ra khỏi nhà.

Anh
Anh  Liu Ruiqiang đo mức độ ô nhiễm không khí trên ban công của căn hộ tại thành phố Bắc Kinh. Trong những ngày không khí quá bẩn, anh sẽ không cho con gái ra ngoài. Ảnh: Reuters

Trong nhiều năm, Liu Ruiqiang, một nhân viên kinh doanh, không quan tâm tới tình trạng khói mù triền miên ở Bắc Kinh, song anh thay đổi thái độ từ khi con gái Yunshu chào đời. 

Giờ đây Liu luôn mang theo cảm biến ô nhiễm. Vào những ngày mà ô nhiễm không khí đạt mức nguy hiểm, anh sẽ không để con gái ra ngoài. Anh đặt hai máy lọc không khí trong nhà để con gái có thể hít không khí sạch, Reuters đưa tin.

Liu ước tính rằng anh đã chi hơn 40.000 nhân dân tệ (6.375 USD) trong vài năm qua để ngăn chặn những tác động của không khí ô nhiễm đối với Yunshu.

“Nếu chúng tôi không nghĩ ra cách để bầu không khí trong lành như trước đây, một ngày nào đó nó sẽ hủy diệt sức khỏe của con người”, người bố 37 tuổi nói với Reuters.

Giống như hàng triệu người Trung Quốc, Liu và gia đình anh đang trả giá cho sự tăng trưởng quá nóng của nền kinh tế trong vài thập kỷ qua – một yếu tố giúp hàng trăm triệu người thoát khỏi cảnh nghèo, nhưng lại tác động xấu tới môi trường do tốc độ công nghiệp hóa quá nhanh.

Dữ liệu từ trạm theo dõi không khí trong đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh cho thấy, trong 7 năm qua, mật độ hạt siêu nhỏ có đường kính dưới 2,5 micromet (PM2.5) ở đây đã tăng gần 5 lần so với mức an toàn mà Tổ chức Y tế Thế giới quy định.

Gia đình rạn nứt vì không khí ô nhiễm

Một người đàn ông Trung Quốc yêu cầu ly dị vợ với cớ tình cảm rạn nứt do vợ ông đưa con trai rời khỏi thủ đô Bắc Kinh để tránh khí bẩn.

Việc tiếp xúc thường xuyên với hạt siêu nhỏ có thể gây nên những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe. Một nghiên cứu của tổ chức Hòa Bình Xanh và Đại học Bắc Kinh cho thấy hơn 257.000 người tại 31 thành phố ở Trung Quốc đã chết sớm vì hạt PM2.5 trong năm 2013. Con số đó khiến không khí bẩn đáng sợ hơn cả hành vi hút thuốc lá.

Ý thức của người dân đối với sự nguy hiểm của không khí bẩn tại Bắc Kinh đang tăng dần. Giờ đây mọi người dân để có thể theo dõi tình trạng ô nhiễm nhờ các ứng dụng có khả năng cập nhật liên tục nồng độ hạt PM2.5 dựa trên chỉ số ô nhiễm do đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh công bố.

Giới phân tích dự báo doanh số bán hàng đối với sản phẩm máy lọc không khí sẽ tăng tới 33% mỗi năm trong vòng 5 năm tới. Để mua các máy lọc khí cao cấp, người dân phải chi hơn 3.600 nhân dân tệ (574 USD), tương đương mức lương trung bình ở Bắc Kinh.

Tư tưởng rời quê hương

Một bộ phận người Trung Quốc muốn rời khỏi đất nước để tận hưởng bầu không khí trong lành hơn.

J. Kim, một người Hàn Quốc làm việc ở Trung Quốc hơn 10 năm, nói rằng ông mắc bệnh hen suyễn và viêm mũi trong quãng thời gian sống ở Bắc Kinh. Đây là hậu quả của việc hít khí bẩn.

Khi mức ô nhiễm đạt mức kỷ lục vào tháng 1/2013, hiện tượng mà giới truyền thông gọi là “thảm họa không khí”, Kim quyết định rời Trung Quốc. Ông đưa con sang Hàn Quốc vào năm ngoái và sẽ đoàn tụ với chúng ngay khi công ty của ông, một hãng sản xuất các loại xe điện, tìm cho ông một vị trí phù hợp ở quê hương.

“Người Trung Quốc không thể làm gì để thoát khỏi bầu không khí bẩn. Nhưng là người nước ngoài, tôi có thể sống ở đây hoặc nơi khác”, Kim bình luận.

Sự chán nản của người dân đối với thực trạng môi trường đang trở thành chất xúc tác mạnh mẽ cho sự thay đổi trong chính sách. Chính phủ đã bắt đầu coi bảo vệ môi trường là mục tiêu mà họ cần thực hiện nghiêm túc.

“Trung Quốc sẽ tuyên chiến với ô nhiễm”, Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố trong phiên khai mạc kỳ họp quốc hội vào năm 2014. Ngay sau đó, một luật nghiêm khắc về môi trường có hiệu lực từ ngày 1/1.

Ma Jun, người sáng lập Viện Các vấn đề Công cộng và Môi trường Trung Quốc, nhận định rằng người dân phải gây sức ép mạnh mẽ hơn để đảm bảo rằng chính phủ sẽ ưu tiên môi trường hơn lợi ích của giới doanh nghiệp.

“Ở Trung Quốc, sự tham gia của toàn xã hội là yếu tố quan trọng trong nỗ lực bảo vệ môi trường. Sự giám sát của công chúng sẽ giúp chính phủ thực thi các luật một cách triệt để và hiệu quả”, Ma nói.

Hiện tại Liu chưa thấy bất kỳ giải pháp hiệu quả nào để làm sạch bầu không khí ở Bắc Kinh.

“Rất có thể chúng tôi sẽ không thể giải quyết thực trạng ô nhiễm môi trường trong 10 năm tới. Đó là một mục tiêu không thực tế”, ông lập luận.

Đứng ngoài trái đất có thể thấy khói ở Trung Quốc

Nếu đứng bên ngoài trái đất vào cuối tuần trước, bạn có thể quan sát đám khói mù khổng lồ bao phủ một khu vực rộng lớn từ thành phố Bắc Kinh tới Thượng Hải.

Kim Ngân

Bạn có thể quan tâm