Một bức ảnh mà vệ tinh Terra của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) gửi về cho thấy một đám khói mù dày bao phủ một khu vực rộng từ Bắc Kinh tới Thượng Hải vào ngày 7/12, Livescience đưa tin. Vùng màu xám trong ảnh là khói mù, còn vùng màu trắng là mây và sương. Vào ngày 7/12, chỉ số Chất lượng Không khí ở Bắc Kinh và Thượng Hải lần lượt là 487 và 404 - cao hơn nhiều so với ngưỡng an toàn (dưới 300).
Cảnh tượng khói mù, mây và sương bao phủ một khu vực rộng từ Bắc Kinh tới Thượng Hải hôm 7/12. Ảnh: NASA |
Khói mù hình thành do phản ứng giữa ánh sáng mặt trời với các nitơ oxit và những hợp chất hữu cơ không bền - sản phẩm của quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch và đốt cây cối. Quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch chủ yếu diễn ra trong các động cơ ô tô, nhà máy nhiệt điện và nhà máy công nghiệp. Phản ứng giữa ánh sáng mặt trời với các nitơ oxit và những hợp chất hữu cơ không bền tạo ra những hạt bụi nhỏ đến nỗi chúng có thể lọt vào tận phổi và gây nên những bệnh hô hấp nguy hiểm.
Tại thành phố Thượng Hải, nhiều chuyến bay phải hoãn hoặc hủy, trường học đóng cửa, các xe công không lưu thông, nhiều dự án xây dựng ngừng do khói mù dày đặc, AP đưa tin. Chính quyền thành phố cũng cấm người dân đốt pháo hoa và tổ chức các sự kiện thể thao để giảm ô nhiễm không khí. Tương tự, ở Bắc Kinh, nồng độ hạt siêu nhỏ trong không khí cao gấp gần 20 lần so với ngưỡng an toàn mà Tổ chức Y tế Thế giới quy định.
Người dân thành phố Thượng Hải, Trung Quốc đeo khẩu trang để chống khói mù vào tuần trước. Ảnh: China Daily |
Đây không phải là lần đầu tiên vệ tinh nhân tạo có thể chụp ảnh khói mù ở Trung Quốc. Hồi tháng 10, một đám khói mù khổng lồ đã bao phủ thành phố Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ tỉnh Hắc Long Giang, khiến tầm nhìn giảm xuống dưới 10 m. Vệ tinh nhân tạo Aqua của Mỹ đã chụp cảnh tượng này. Đám khói mù tại Cáp Nhĩ Tân xuất hiện do người dân đồng loạt đốt than đá để sưởi ấm trong mùa đông. Ngoài ra, hồi ấy hàng vạn nông dân cũng đốt chất thải nông nghiệp để chuẩn bị cho vụ mùa mới khiến khói càng trở nên dày đặc hơn.