"Chúng tôi có 30 con gà sắp ra lò!", một nhân viên cao giọng thông báo, bước ra từ một cửa hàng của Homeplus, nhà bán lẻ lớn thứ hai Hàn Quốc. Phía trước quầy bán hàng là dòng người đã chờ đợi suốt nhiều giờ đồng hồ.
Đối với những người mua ở đầu hàng, sự kiên nhẫn của họ đã được đền đáp. Nhưng đối với những người ở phía sau, đó là lãng phí thời gian, theo Bloomberg.
Homeplus đã giảm giá gà rán tới 2/3. Kết quả là nhu cầu gia tăng nhanh chóng. Với xu hướng tiết kiệm hiện nay, người dân Hàn Quốc không ngần ngại xếp hàng dài để mua món ăn phổ biến này.
Homeplus đã đảo ngược logic tăng tỷ suất lợi nhuận thông thường khi giá tăng. Dù thử nghiệm luôn đi kèm rủi ro, nếu thành công, nhà bán lẻ sở hữu gần 140 chi nhánh này có thể mở rộng thị phần và xây dựng danh tiếng như một đồng minh trong cuộc chiến chống lạm phát của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc.
“Tôi nghĩ các đơn vị nhượng quyền thương mại sẽ chịu áp lực hạ giá lớn hoặc ít nhất phải ngừng tăng giá, khi chứng kiến Homeplus bán gà rán của họ rẻ như thế nào”, Lloyd Chan, nhà kinh tế tại Oxford Economics, cho biết.
Ngược chiều xu hướng
Hàn Quốc có số cửa hàng gà tương đương số chi nhánh của McDonald's trên toàn thế giới. Dù được chế biến theo cách nào, thịt gà vẫn luôn giữ vai trò quan trọng trong ẩm thực nước này.
Các món gà là lựa chọn số một trên ứng dụng giao đồ ăn, đánh bại pizza, hamburger và đồ ăn Trung Quốc. Tuy nhiên, giá gà đã tăng vọt trong thời gian gần đây, vượt xa hầu hết loại thực phẩm khác.
Người mua xếp hàng tại một chi nhánh của Homeplus ở Hapjeong, phía tây Seoul, để mua gà rán giảm giá vào ngày 10/8. Ảnh: Korea JoongAng Daily. |
Golden Olive Chicken, sản phẩm chế biến từ BBQ Chicken - một trong những thương hiệu lớn nhất Hàn Quốc - hiện có giá 24.000 won (18 USD) - tăng so với 16.000 won (12 USD) cách đây 5 năm. Phí giao hàng tăng cao trong đại dịch Covid-19 cũng khiến người tiêu dùng bất bình.
Do đó, vào cuối tháng 6, Homeplus đã cho ra mắt món gà “Dangdang”, trong tiếng Hàn có nghĩa là “công bằng” hoặc “tự hào” với giá 6.990 won/hộp (5,2 USD). Khách hàng đã tràn vào các siêu thị để mua sản phẩm này.
Trong những tuần sau đó, các chuỗi cửa hàng đối thủ cũng nối gót Homeplus. Lotte đã giảm gần 1/2 giá món gà chính của thương hiệu trong một khoảng thời gian nhất định.
Emart, nhà bán lẻ lớn nhất Hàn Quốc, cũng bán một hộp gà với giá 5.980 won (4,45 USD) trong một tuần. Công ty này cho biết doanh số bán gà đã qua chế biến trong tháng 7 tăng 26% so với năm 2021.
Trong khi đó, Homeplus, được điều hành bởi cựu Giám đốc KFC Hàn Quốc Jayhoon Lee, đã cam kết bán gà giảm giá vô thời hạn.
Công ty cho biết họ thu lợi nhuận từ món gà Dangdang bằng cách hợp lý hóa chuỗi cung ứng và dựa vào hiệu ứng truyền miệng để thu hút khách hàng, thay vì một chiến dịch tiếp thị hào nhoáng. Tuy nhiên, việc đáp ứng nhu cầu gia tăng nhanh chóng vẫn còn nhiều thách thức, vì một cửa hàng thường chỉ có thể chiên vài chục con gà mỗi ngày.
“Chúng tôi có thể giảm giá (nguyên liệu) thông qua việc mua số lượng lớn”, Homeplus cho biết trong một tuyên bố. “Đây là sản phẩm nằm trong dự án ổn định lạm phát, được công ty thực hiện từ đầu năm nay để giúp những khách hàng phải hạn chế chi tiêu”.
Liệu Dangdang có thể tạo ra nhiều hơn một hiệu ứng nhất thời, trong cuộc chiến chống lạm phát của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc hay không vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ.
Giá các mặt hàng đã tăng trong năm nay sau khi chi phí năng lượng tăng mạnh. Nhu cầu cũng nhanh chóng tăng lên khi các hạn chế được nới lỏng và mọi người quay trở lại thói quen ăn uống tại nhà hàng.
Lạm phát ở Hàn Quốc đã chạm mốc 23%, tốc độ nhanh nhất trong 23 năm. Do đó, Ngân hàng Trung ương đã liên tục tăng lãi suất.
Trong khi đó, chính phủ cắt giảm thuế nhiên liệu để hạn chế chi phí, đồng thời thúc đẩy nguồn cung bằng cách tăng nhập khẩu và giải phóng kho dự trữ công. Hàn Quốc cũng đã tăng lương tối thiểu thêm 5% từ năm 2023 để giúp những người dân có thu nhập thấp đối phó với giá cả leo thang.
Tâm lý thay đổi
Dangdang đã trở thành một cơn sốt trên mạng xã hội, khi nhiều người chia sẻ nỗ lực chờ đợi để mua được món ăn này. Một người thậm chí còn chào bán Dangdang với giá 10.000 won (7,45 USD) trên một cửa hàng đồ cũ trực tuyến, theo phương tiện truyền thông Hàn Quốc.
Về hương vị, Park Da Young, 36 tuổi, người đã chia sẻ trên mạng xã hội về cuộc phiêu lưu để mua món gà Dangdang, cho biết nó ngon không kém gì các món ăn từ những nhà hàng gần đó. “Tôi đã hâm nóng gà ở nhà bằng nồi chiên không dầu và không nhận thấy nhiều sự khác biệt”, cô nói.
Nhiều người ủng hộ các chuỗi cửa hàng giảm giá. Ảnh: Emart. |
Tuy nhiên, một sản phẩm riêng biệt chưa thể tạo ra nhiều tác động tới thị trường. Chính phủ Hàn Quốc ước tính các cửa hàng gà tạo ra doanh thu trung bình 200 triệu won mỗi năm. Tổng doanh thu trên toàn quốc lên tới con số khổng lồ 7,3 nghìn tỷ won.
Để so sánh, Homeplus đã bán được khoảng 460.000 hộp gà kể từ khi ra mắt vào tháng 6, tương đương 3,2 tỷ won, con số khá nhỏ so với 610 tỷ won/mỗi tháng của các nhãn hàng khác trên toàn quốc.
Song người dân Hàn Quốc vẫn hy vọng các nhà bán lẻ như Homeplus sẽ gây áp lực giảm giá cho những người khác. Thái độ này khác hẳn so với 12 năm trước.
Vào năm 2010, nhiều người không mấy thiện cảm với chiến dịch tương tự của Lotte, vì đồng cảm với các cửa hàng nhỏ lẻ. Dư luận đã phản ứng dữ dội. Thậm chí một phụ tá của tổng thống khi đó cáo buộc chuỗi siêu thị gây nguy hiểm cho hàng chục nghìn doanh nghiệp nhỏ. Lotte đã ngừng bán sản phẩm gà giá rẻ gần như ngay lập tức.
Tuy nhiên, giờ đây, sự chỉ trích đó chỉ là ký ức xa vời. “Nó không có vị mặn và ngon như món gà của các của hàng nhượng quyền. Nhưng với mức giá này, tôi sẽ mua lại. Miễn là dòng người ngắn hơn”, Kim Nayeon, người đã đợi 40 phút để mua một hộp Dangdang ở thành phố Incheon, cho biết.