Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Cuộc chiến đòi lại bảo vật của hoàng tộc quyền lực một thời ở Đức

Hoàng tử Georg Friedrich của nhà Hohenzollern, gia tộc từng trị vì Đức cách đây hơn 100 năm, đang trong cuộc chiến pháp lý để giành lại 10.000 cổ vật bị tịch thu sau Thế chiến II.

hoang gia duc doi lai bao vat anh 1

Hoàng tử Georg Friedrich bên trong lâu đài. Ảnh: CNN.

Lâu đài Hohenzollern trên một đỉnh đồi phía nam nước Đức từng là thành trì của triều đại phong kiến cuối cùng ở nước này. Trong lâu đài, Hoàng tử George giới thiệu một gia phả được sơn cầu kỳ lên tường.

Vị hoàng tử tự hào nói về dòng dõi gia tộc, có truyền thống nhiều thế kỷ với những vị vua và hoàng hậu cai trị xứ Phổ (vùng đất rộng lớn một thời bao gồm một phần của các nước Đức và Ba Lan, Litva, Nga và Đan Mạch thời hiện đại). Trong đó, có kỵ của ông, vị hoàng đế đã đưa nước Đức vào Thế chiến I.

Đối tượng bị cấm đòi tài sản

Không chỉ của cải và lâu đài, Hoàng tử Georg còn thừa kế một trận chiến pháp lý dai dẳng, công khai, đôi khi trở nên kịch liệt, với chính quyền, nhằm giành lại nhiều tài sản đã bị tịch thu sau khi Đức Quốc Xã sụp đổ. Trong đó có bộ sưu tập khổng lồ hơn 10.000 bảo vật và tác phẩm nghệ thuật gần như vô giá.

Vụ tranh chấp được nộp hồ sơ từ nhiều thập niên trước, nhưng gần đây nổi lên và hứng chịu phản ứng giận dữ từ dư luận Đức. Nhiều người cho rằng Hoàng tử Georg không có quyền đòi lại cổ vật. Một số nhà sử học nghi ngờ câu chuyện của ông.

Căn cứ pháp lý để xét xử tranh chấp này sẽ phụ thuộc câu hỏi then chốt: liệu thế hệ trước của nhà Hohenzollern có cấu kết với Đức Quốc Xã hay không, theo CNN.

Ngăn cản vị hoàng tử giành lại số tài sản trên là một đạo luật của Đức quy định những ai giúp đảng Quốc Xã lên nắm quyền đều sẽ không được đền bù, trao trả tài sản bị lấy mất. Để hiểu được tranh chấp pháp lý hiện tại, cần phải hiểu được chương đen tối trong lịch sử nước Đức cách đây một thế kỷ.

Năm 1918, sau thất bại trong Thế chiến I, Đức loại bỏ hoàng gia và trở thành nền cộng hòa dân chủ. Hoàng gia từ bỏ quyền lực, nhưng được giữ nhiều của cải tích lũy qua nhiều thế kỷ: lâu đài, đất đai, tác phẩm nghệ thuật, kiếm, trang sức.

Sau Thế chiến II, Đức bị chia làm Tây Đức và Đông Đức. Liên Xô và Cộng hòa Dân chủ Đức cai quản Đông Đức. Tài sản của hoàng gia nằm chủ yếu ở phía Đông Đức.

Đến thập niên 90, sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, nước Đức thống nhất thông qua luật cho phép những ai bị lấy mất tài sản có thể đòi lại. Hàng triệu gia đình đã chạy khỏi Đông Đức dùng luật này để lấy lại nhà cửa. Nhưng luật này có ngoại lệ: những ai “ủng hộ đáng kể” cho đảng Quốc Xã thì không đủ điều kiện.

Tranh chấp ngày nay phụ thuộc vào liệu các thế hệ trước của ông Georg có “ủng hộ đáng kể” Hitler hay không. Kết quả của tranh chấp có thể khiến hàng loạt cổ vật đang trong bảo tàng phải chuyển sang sở hữu tư nhân, theo CNN.

“Về mặt chính trị, câu trả lời là không”, Sở Văn hóa Berlin trả lời CNN khi được hỏi liệu yêu sách của vị hoàng tử có hợp lý hay không. “Nhưng từ góc độ pháp lý, có thể sẽ khác”.

Không chỉ là tranh chấp về cổ vật, vụ này còn là câu hỏi mà xã hội Đức luôn phải dằn vặt lâu nay: liệu tội lỗi của tổ tiên sẽ cần được nhìn nhận thế nào, sẽ ảnh hưởng thế nào tới hiện tại?

Tranh luận của các nhà sử học

Tại lâu đài Hohenzollern, Hoàng tử Georg nhìn vào một tấm ảnh cụ của ông, khi ấy là Hoàng tử Wilhelm, năm 1933, mặc quân phục, đeo phù hiệu chữ thập ngoặc của Đức Quốc Xã.

“(Bức ảnh) luôn làm tôi nín thở, và tự hỏi mình ‘Tại sao ông ấy lại đeo cái đó’”, Hoàng tử Georg nói với CNN.

hoang gia duc doi lai bao vat anh 2

Bức ảnh cho thấy Hoàng tử Wilhelm đang chào cờ, đeo chữ thập ngoặc của Đức Quốc Xã. Ảnh: Nhà sử học John Rohl.

Năm đó, cuộc Đại Khủng hoảng khiến người dân nghèo đói, khiến họ dồn sang ủng hộ chính sách dân tộc chủ nghĩa của Adolf Hitler. Hoàng tử Georg nói cụ mình đã ủng hộ Hitler vì muốn khôi phục hoàng gia. Một tờ báo Anh năm 1932 đưa tin rằng một khi đắc cử, Hitler có âm mưu xóa bỏ chính thể hiện tại và khôi phục hoàng gia.

Hoàng tử Wilhelm từng viết báo khen ngợi “sự lãnh đạo nhiệt tình và sáng suốt” của Hitler.

Nhưng sau cùng, Hitler không có ý định chuyển giao quyền lực cho ai. Thậm chí, Hitler còn coi gia đình Wilhelm và phe hoàng gia là mối đe dọa vì vẫn được công chúng mến mộ rộng rãi. Chẳng hạn, hàng chục nghìn người ra đường ở Potsdam năm 1940 để tiễn đưa một người con trai của hoàng tử qua đời.

Hoàng tử Georg cho rằng cụ mình không có thực quyền lẫn ảnh hưởng để có thể ngăn được Hitler, hay để ủng hộ đáng kể cho Hitler. Đó cũng là lập luận của nhà sử học Chris Clark ở Đại học Cambridge, trong một nghiên cứu năm 2011 do Hoàng tử Georg tài trợ.

Nhưng nhiều chuyên gia bất đồng với ông Clark, cho thấy cuộc tranh chấp cổ vật sẽ còn nhiều phức tạp.

hoang gia duc doi lai bao vat anh 3

Hoàng tử Wilhelm đứng cạnh Hitler. Ảnh: Georg Pahl.


Bằng chứng mới do nhà sử học Stephan Malinowski, ở Đại học Edinburgh, tìm được cho thấy Hoàng tử Wilhelm đóng góp đáng kể cho chế độ Đức Quốc Xã. Ông cũng là một trong bốn sử gia được chính phủ Đức và gia đình Hoàng tử Georg thuê để nghiên cứu mối quan hệ giữa hoàng gia và đảng Quốc Xã.

Các sử gia mà CNN phỏng vấn cũng đồng ý, bao gồm John Rohl, cho biết Hoàng tử Wilhelm trên thực tế đã lấy về 2 triệu phiếu cho Hitler, và Stephanie Middendorf, cho rằng ông Wilhelm đã làm cho phe Quốc Xã trở nên dễ chấp nhận hơn với giới tinh hoa mà ông quen thuộc.

Vì vậy, Hoàng tử Georg đang đối mặt với cuộc tranh chấp khó khăn. Ông cũng bị chỉ trích vì cách hành xử của mình, khi gửi 30 thư cảnh báo và đơn kiện tới các phóng viên và nhà sử học. Một quỹ bảo vệ phóng viên và nhà sử học phải được thành lập để họ có tiền thuê luật sư bào chữa.

Nhà sử học Eckart Conze cũng bị dọa kiện, và nói vị hoàng tử đang muốn “bóp nghẹt một cuộc tranh luận quan trọng và cần thiết”.

hoang gia duc doi lai bao vat anh 4

Vì quá khứ của gia đình, Hoàng tử Georg đang đối mặt với cuộc tranh chấp khó khăn. Ảnh: CNN.

Vụ việc này không chỉ về số bảo vật của nhà Hohenzollern, mà còn về cách mà nước Đức nhìn nhận quá khứ đẫm máu. Dẫu sao, đây vẫn là đất nước vừa mới đưa ra xét xử thêm những tội phạm chiến tranh thời Hitler, dù là 75 năm sau khi kết thúc Thế chiến II.

Hoàng tử Georg cho rằng nếu người Đức muốn truy vấn xem tổ tiên ông có “ủng hộ đáng kể” cho chế độ Đức Quốc Xã hay không, họ cũng nên hỏi xem còn ai khác nữa có trách nhiệm. Có phải là hàng triệu người đã bỏ phiếu cho Hitler, hay những tập đoàn đã ủng hộ Hitler?

Hiện tại, cả hoàng tử lẫn chính quyền đều chưa dám mạo hiểm đưa vụ việc ra tòa án, vì chưa thể biết kết quả sẽ nghiêng về đâu. Hai bên mới đồng ý hoãn lại các thủ tục tố tụng, vốn dự định bắt đầu hồi tháng 8, để dời sang năm sau. Họ muốn có thêm thời gian đạt được một thỏa thuận dàn xếp nào đó.

29 cảnh sát Đức bị đình chỉ vì chia sẻ ảnh Hitler

Một sở cảnh sát ở miền Tây nước Đức mới phát hiện nhiều nhóm sĩ quan thường bàn luận, chia sẻ các nội dung cực đoan có liên quan đến trùm phát xít Adolf Hitler.

Kate Winslet vào vai nhà báo chiến trường từng ngủ trong nhà Hitler

Nữ diễn viên Kate Winslet sẽ vào vai Lee Miller, nữ nhà báo chiến trường đồng thời là người mẫu của tạp chí Vogue danh tiếng trong bộ phim tiểu sử về bà.

Trọng Thuấn

Theo CNN

Bạn có thể quan tâm