Sở cảnh sát thành phố Essen đã đình chỉ 29 sĩ quan vì nghi họ tuyên truyền hình ảnh bạo lực về chủ nghĩa tân Quốc xã trong các nhóm trò chuyện trực tuyến, New York Times đưa tin. Theo giới chức bang, nhóm sĩ quan đã chia sẻ 126 bức ảnh, bao gồm hình chữ Vạn và các tư liệu bịa đặt về người tị nạn hay người da màu.
Trong cuộc họp báo hôm 16/9, ông Herbert Reul, quan chức nội vụ đứng đầu bang North-Rhine Westphalia, tuyên bố vụ việc là “một sự ô nhục” đối với ngành cảnh sát. Ông cho biết những hình ảnh mà các sĩ quan chia sẻ là “sự tuyên truyền cực hữu cực đoan” và là “trò lừa đảo, xúi giục người nhập cư theo chủ nghĩa tân phát xít xấu xa và hèn hạ”.
Cũng trong ngày 16/9, các điều tra viên đã khám xét nơi cư trú và nơi làm việc của 14 trong số 29 sĩ quan bị bắt giữ. Nhóm sĩ quan, bao gồm một chỉ huy cấp cao, đang sinh sống tại ít nhất 5 thị trấn và thành phố của bang North-Rhine Westphalia.
Các sĩ quan cảnh sát tại thành phố Berlin, Đức. Ảnh: Getty. |
Suốt nhiều năm qua, chính giới và các quan chức an ninh cấp cao của Đức luôn bác bỏ lời đồn đoán rằng tư tưởng cực hữu cực đoan đang xâm nhập vào nhiều tổ chức và cơ quan an ninh. Họ khẳng định “chỉ một vài cá nhân” có tư tưởng lệch lạc này.
Song nhiều vụ việc gần đây đang khiến các nhà chức trách đau đầu. Quan chức nội vụ Herbert Reul tuyên bố trong buổi họp báo: “Hôm nay, tôi không thể nói về các trường hợp cá nhân, đơn lẻ nữa”.
Ông Reul cho biết ông đã thiết lập một cuộc điều tra đặc biệt nhắm vào sở cảnh sát Essen. Ông cũng muốn bổ nhiệm một đặc phái viên chuyên “giải quyết khuynh hướng cực hữu cực đoan” trong lực lượng cảnh sát bang, nhằm kiểm soát và đưa ra phương án giải quyết tình trạng này.
Lính đặc nhiệm Đức trong một vụ vây bắt. Ảnh: AFP. |
Quan chức này nhấn mạnh phần lớn trong số 50.000 sĩ quan của bang “đều là những người tử tế và ủng hộ nền dân chủ”. Sau vụ việc nói trên, ông cảnh báo: “Chúng ta phải tính đến nhiều trường hợp tương tự”.
Trước đó vào mùa hè, chính phủ Đức cũng phải giải tán một đại đội lính đặc nhiệm vì nghi lực lượng này có dính líu đến các phần tử cực hữu cực đoan. Các vụ việc trên chỉ ra thực trạng nghiêm trọng ở Đức, khiến giới chức chật vật tìm cách xử lý.