Phần được vẽ lại trên bản đồ Nepal bao trùm một khu vực tương đối nhỏ trên dãy Himalaya. Tuy nhiên, điều chỉnh này khơi lại những căng thẳng giữa Ấn Độ với Nepal, đồng thời "châm thêm dầu vào lửa" cho mối quan hệ đối đầu giữa hai cường quốc đông dân nhất thế giới: Ấn Độ và Trung Quốc.
Căng thẳng với Nepal bùng phát trong vài tháng gần đây, khi chính quyền Ấn Độ cho mở tuyến đường mới trên đoạn đèo mang ý nghĩa chiến lược. Trước đó, New Delhi cho vẽ lại bản đồ tuyên bố khu vực tranh chấp thuộc chủ quyền Ấn Độ.
Người dân Nepal biều tình phản đối hành động được cho là "phong tỏa" kinh tế từ Ấn Độ năm 2015. Ảnh: Reuters. |
Bất đồng với Nepal leo thang giữa lúc Ấn Độ đang kẹt trong đối đầu quân sự với Trung Quốc ở vùng Ladakh, thuộc khu vực tranh chấp tại Kashmir.
Dù không xảy ra giao tranh "nóng", quân đội hai bên thường xuyên chạm mặt trong nhiều tuần qua. Truyền thông và giới chức Ấn Độ đã cáo buộc Trung Quốc kích động Nepal vẽ lại bản đồ.
Nguồn cơn mâu thuẫn
Nepal và Ấn Độ có đường biên giới chung dài khoảng 1.880 km. Hai nước đã thống nhất khoảng 98% đường biên giới, trừ đèo Lipulekh và hai vùng Kalapani cùng Limpiyadhura ở phía tây Nepal.
Giới chức Nepal cho biết khu vực tranh chấp có diện tích khoảng 370 km2. Đèo Lipulekh mang ý nghĩa chiến lược, nối giữa bang Uttarakhand của Ấn Độ với vùng Tây Tạng của Trung Quốc.
Những động thái gần đây của New Delhi tại Lipulekh khiến cả Nepal lẫn Trung Quốc tức giận. Bản đồ mới dành cho khu vực biên giới được Ấn Độ công bố vào tháng 11, sau khi chia vùng nước này quản lý ở Kashmir vào hai bang Ladakh cùng Jammu và Kashmir.
Bản đồ gộp luôn một số lãnh thổ đang tranh chấp với Nepal sang phía biên giới Ấn Độ.
"Chúng ta đã nhất trí rằng ranh giới quốc tế giữa hai nước được định hình bởi các hiệp ước song phương. Mọi hành động đơn phương không tạo nên tuyên bố hiện diện chính danh", Ngoại trưởng Nepal Pradeep Gyawali nhấn mạnh.
Theo ông Gyawali, không có thỏa thuận nào khác ngoài Hiệp ước Sugauli năm 1816 xác định biên giới phía tây Nepal với Ấn Độ. Hiệp ước Sugauli tuyên bố rõ rằng 3 lãnh thổ nói trên thuộc về Nepal.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Ấn Độ kêu gọi phía Nepal "kiềm chế xác nhận phi lý bằng bản đồ và tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ấn Độ". Các điều chỉnh trên bản đồ của Nepal dự kiến được quốc hội thông qua chính thức trong tuần này.
Biểu tình trước đại sứ quán Ấn Độ ở Kathmandu ngày 12/5. Ảnh: Reuters. |
Tranh cãi lịch sử
Nepal mất một phần lãnh thổ phía tây vào năm 1816 sau khi thất bại trước công ty Đông Ấn của thực dân Anh. Hiệp ước Sugauli sau đó quy định nơi khởi nguồn sông Kali là điểm phân định biên giới giữa Nepal và Ấn Độ. Tuy nhiên, hai nước hiện nay lại có quan điểm khác nhau về nơi khởi nguồn dòng sông Kali.
Ấn Độ lập luận rằng tọa độ chính xác của dòng sông không được nêu trong hiệp ước. Họ tuyên bố xác định lại nơi khởi nguồn dòng sông bằng các kỹ thuật khảo sát mới, qua đó đường biên giới được vẽ lại trong những năm sau hiệp ước.
"Cuộc chiến bản đồ" châm ngòi cho làn sóng chủ nghĩa dân tộc ở cả hai nước. Nepal đã yêu cầu Ấn Độ rút quân khỏi vùng Kalapani.
"Việc cường điệu hóa về chủ nghĩa dân tộc liên quan đến vấn đề lãnh thổ đang được cả hai phía gia tăng sẽ không tốt cho quan hệ song phương", Rakesh Sood, cựu đại sứ Ấn Độ tại Nepal, chia sẻ.
Trên thực tế, cả 3 khu vực tranh chấp đều nằm dưới sự kiểm soát của Ấn Độ trong khoảng 6 thập kỷ qua. Người dân sống trong khu vực này đã trở thành công dân Ấn Độ, đóng thuế của Ấn Độ và đi bỏ phiếu trong những cuộc bầu cử của Ấn Độ.
Trong khi đó, giới chính trị gia Nepal lập luận nước này không nêu vấn đề tranh chấp biên giới với Ấn Độ vì đất nước chìm trong khủng hoảng chính trị nhiều thập niên và phải đối phó với phiến quân nổi loạn.
Sinh viên Nepal biểu tình và chạm trán với cảnh sát tại Kathmandu vào tháng 5 về hoạt động của Ấn Độ tại đèo Lipulekh. Ảnh: PTI. |
Nepal xoay trục
Trong nhiều năm, Nepal phải dựa vào hàng hóa nhập khẩu từ Ấn Độ. New Delhi giữ ảnh hưởng lớn đối với các vấn đề tại nước láng giềng. Tuy nhiên, vài năm gần đây, Nepal dần trượt khỏi quỹ đạo ảnh hưởng của Ấn Độ. Lấp vào chỗ trống đó là các khoản đầu tư, viện trợ và cho vay từ Trung Quốc.
Bắc Kinh xem Nepal là đối tác then chốt cho tham vọng Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng của Nepal là một phần trong đại chiến lược thúc đẩy thương mại toàn cầu với Trung Quốc là hạt nhân chủ chốt.
Ông Tập Cận Bình năm 2019 có chuyến công du đến Nepal, chuyến công du cấp nhà nước đầu tiên của lãnh đạo Trung Quốc đến nước láng giềng kể từ năm 1996 dưới thời ông Giang Trạch Dân. Lãnh đạo hai nước quyết định nâng cấp quan hệ song phương lên "đối tác chiến lược".
Vùng đất tranh chấp giữa Ấn Độ và Nepal. Đồ họa: BBC. |
"Nepal trong thời gian dài đã chịu ảnh hưởng bởi Ấn Độ. Giờ đây, với sự trỗi dậy của Trung Quốc, họ có cơ hội nhận thị trường và tài nguyên Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra là liệu Nepal có thể cân bằng quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc", Dingli Shen, chuyên gia về Nam Á tại Đại học Phục Đán, Thượng Hải, nhận định.
Đối với Ấn Độ, đèo Lipulekh mang những hàm ý về an ninh. Sau chiến tranh biên giới Ấn - Trung năm 1962, giới lãnh đạo Ấn Độ ý thức hơn về nguy cơ lực lượng Trung Quốc thông qua con đường này xâp nhập vào lãnh thổ. Ấn Độ chủ trương giữa truyến đường chiến lược trong dãy Himalaya để phòng ngừa mọi rủi ro trong tương lai.
Đèo Lipulekh trở thành điểm nóng trong nhiều năm. Vào tháng 5, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh cho khởi công nâng cấp tuyến đường dài 80 km ở khu vực. Công trình nhằm giảm thời gian di chuyển cho người hành hương đạo Hindu đã châm ngòi căng thẳng ngoại giao với Nepal.
Người dân Nepal kéo đến trước đại sứ quán Ấn Độ ở thủ đô Kathmandu biểu tình, yêu cầu chính quyền New Delhi rút quân khỏi Lipulekh. Một số trút giận lên mạng xã hội với thông điệp "#Backoffindia" (Tạm dịch: Ấn Độ lùi lại).
Theo Buddhi Narayan Shrestha, cựu tổng giám đốc Cơ quan Khảo sát Nepal, chính quyền Kathmandu từng công bố bản đồ chi tiết lãnh thổ Nepal vào năm 1976. Bản đồ này thể hiện đèo Lipulekh và vùng Kalapani nằm trong biên giới Nepal. Chỉ vùng Limpiyadhura không được gộp vào nhưng "đó chỉ là sơ suất".
Trước khi tranh chấp lãnh thổ leo thang, tâm lý bài xích Ấn Độ đã xuất hiện tại Nepal. Biểu tình trở thành bạo loạn vào năm 2015 khi cộng đồng sắc tộc Madhesi nổi dậy đòi quyền lợi.
Giao thương hàng hóa với Ấn Độ bị chặn lại. Dù New Delhi phủ nhận hành động phong tỏa kinh tế, phần đông người dân Nepal tin vào cách lý giải ngược lại.
Tình trạng "phong tỏa" không chính thức kéo dài đến 5 tháng, khiến kinh tế Nepal chao đảo. Người dân cho rằng tình trạng này gây hại cho nỗ lực tái thiết sau thảm họa động đất năm 2015.
Tổng thống Nepal Bidya Devi Bhandari tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 10/2019 tại Kathmandu. Ảnh: Tân Hoa xã. |
Ẩn số Trung Quốc
Trong vụ tranh chấp lãnh thổ lần này, chính phủ Nepal cáo buộc giới chức ngoại giao Ấn Độ không cởi mở tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề tồn đọng trong quan hệ hai nước. Về phần mình, chính quyền New Delhi nghi ngờ Katmandu thêm tự tin nhờ có Trung Quốc chống lưng.
Tướng Naravane, lãnh đạo quân đội Ấn Độ, công khai hoài nghi Nepal khơi lại bất đồng "dựa trên chỉ đạo của kẻ khác", gián tiếp cáo buộc Trung Quốc can thiệp quan hệ hai nước. Truyền thông cánh hữu tại Ấn Độ còn gọi Nepal là "ủy nhiệm của Trung Quốc" khi khơi lại vấn đề biên giới. Các thông điệp này khiến chính phủ Nepal thêm tức giận.
Trung Quốc vẫn giữ im lặng trước cáo buộc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ bày tỏ mong muốn Ấn Độ và Nepal "kiềm chế hành động đơn phương làm phức tạp tình hình".
Cả New Delhi và Kathmandu hiểu đối thoại là con đường duy nhất để đạt được tiến triển mới. Tuy nhiên, Ấn Độ cũng không giấu được sự không hài lòng khi nước láng giềng từng là đồng minh thân thiết đã thay đổi thái độ. New Delhi cũng không thể tiếp tục làm ngơ trước tình hình mới một khi quốc hội Nepal thông qua bản đồ mới.
Nhiều cựu quan chức ngoại giao ở cả hai nước đang kêu gọi New Delhi khởi động đối thoại.
Sẽ khó để Ấn Độ từ bỏ vùng lãnh thổ mang ý nghĩa chiến lược sát vách Trung Quốc.
Trong khi đó, giới chức Nepal tìm kiếm một thỏa thuận mang lại lợi ích đáng kể để làm hài lòng người dân. Vấn đề lãnh thổ trong quan hệ hai nước có khả năng còn kéo dài.
Nếu New Delhi gia tăng lập trường cứng rắn và cạnh tranh ảnh hưởng ở Nepal, họ đối diện rủi ro gia tăng tâm lý bài xích Ấn Độ.
Về phần mình, Nepal đứng trước cơ hội lớn nếu tận dụng được quan hệ đối đầu Trung - Ấn, nhưng đồng thời chịu nguy cơ bị lôi vào cuộc giằng co giữa hai cường quốc lớn nhất châu Á.