Theo SCMP, căng thẳng tại khu vực biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã khiến hàng nghìn cá thể dê Changthangi, loài vật cho ra loại len đắt nhất thế giới, chết hàng loạt trong thời gian qua.
Dê Changthangi sống ở vùng núi cao tại khu vực sa mạc Ladakh. Đây là khu vực nằm đối diện Tây Tạng, nơi quan chức Ấn Độ cho biết binh sĩ Trung Quốc đã tiến hành nhiều vụ lấn chiếm trong những tuần qua.
"Quân đội Trung Quốc từng lấn chiếm vào lãnh thổ của chúng tôi nhiều mét, nhưng lần này họ đã tiến sâu tới vài kilomet", Jurmet, cựu quan chức địa phương của Ấn Độ sống tại Ladakh, cho biết.
Dê Changthangi. Ảnh: SCMP. |
"Đây là mùa sinh sản của loài dê này. Khoảng 85% những con mới sinh chết năm nay bởi chúng bị đẩy khỏi vùng chăn thả đến những khu vực lạnh giá", ông Jurmet nói.
Sonam Tsering, đại diện Hiệp hội hợp tác xã Changthangi, cho biết binh sĩ Trung Quốc đã đuổi những đàn dê Changthangi ra khỏi khu vực chăn thả truyền thống để lấy chỗ cho những đàn bò Tây Tạng. Trong khi đó, binh sĩ Ấn Độ ngăn không cho đàn gia súc đi vào những khu vực được cho là nhạy cảm bởi e ngại về an ninh.
Những người chăn dê cho biết vài năm trước, họ có thể tự do băng qua dòng sông Indus đóng băng vào mùa đông để đưa đàn dê tới vùng chăn thả kín gió ở đây. Tuy nhiên, khu vực này hiện đã bị chiếm đóng bởi binh sĩ Trung Quốc, khiến việc chăn thả trở nên bất khả thi.
Quan chức Ấn Độ cho biết hàng chục nghìn con dê đã chết do bị đuổi khỏi các khu vực chăn thả truyền thống. Số lượng đàn dê sụt giảm ảnh hưởng trầm trọng vì xung đột biên giới, cùng với biến đổi khí hậu khiến thời tiết khắc nghiệt hơn, ảnh hưởng tới cuộc sống hàng nghìn nông dân tại khu vực.
Quan chức Ấn Độ cho biết nhiều gia đình đã phải từ bỏ nghề gia truyền qua nhiều thế hệ để di cư tới các thị trấn ở Ladakh tìm kiếm nguồn sinh kế khác.
Mỗi năm, lông thu hoạch từ dê Changthangi được sử dụng để sản xuất khoảng 50 tấn len chất lượng thượng hạng. Hầu hết len được dệt thành sợi hoặc khăn, bày bán tại những cửa hàng xa xỉ từ London tới Dubai, với giá lên tới 800 USD một chiếc khăn.